Tản mạn

Thương thành

- Thứ Bảy, 19/06/2021, 05:33 - Chia sẻ
Đằng sau những cánh cửa sắt đóng kín ấy, hẳn là chứa đựng bao nỗi lo đến thắt ruột của những người chủ khi mỗi ngày trôi qua là mỗi ngày càng thêm áp lực để duy trì và tồn tại…

Sáng ra, đi mua cà phê mang lên nhà, tôi nhìn thấy hai đứa trẻ đang ngồi chơi với nhau ở một góc hành lang vắng lặng, nơi có ánh sáng được hắt từ cái view nhìn ra sông Sài Gòn rất đẹp. Hai đứa trẻ chơi với nhau rất yên lặng, cũng như cái thành phố hơn chục triệu dân này đang yên lặng và phiền muộn khi tin tức về dịch bệnh ngày một xấu thêm. 

Nghĩ về Sài Gòn những ngày này, tôi chợt nghĩ tới bộ phim “Thương thành” (tên tiếng Anh: Confession of Pain) của hai đạo diễn Lưu Vĩ Cường và Mạch Triệu Huy. Thực ra thì đó chỉ là một kiểu liên tưởng vay mượn vì cái ý nghĩa của nhan đề chứ không phải nội dung phim. "Thương thành", mượn tên từ một chương trong cuốn tiểu thuyết của Tân Di Ổ, với nghĩa là "tòa thành chứa đựng những nỗi đau thương". Còn "Confession of Pain", khác nghĩa một chút, là nhu cầu muốn thú nhận, muốn giãi bày nỗi đau chất chứa trong lòng con người. Hai cái nhan đề đó, đều tựu về một mối, nói về những nỗi đau, những phiền muộn lo toan chất chứa trong lòng, nỗi đau cá nhân trong lòng nỗi đau tập thể, nỗi đau nhỏ trong lòng nỗi đau lớn. 

Sài Gòn những ngày này đang trọng thương. 

Tối hôm trước, tôi chạy lên quận 5 mua chè của người Hoa. Các tiệm chè nổi tiếng đều đóng cửa hết, đi một vòng mới tìm ra được tiệm Hà Ký ở Châu Văn Liêm còn mở bán. Trên đường về, đi qua những con phố trung tâm vốn rất sầm uất và tấp nập, giờ đây đều lặng như tờ. Các hàng quán, cửa hiệu mặt tiền rộng lớn im ỉm khóa. Đằng sau những cánh cửa sắt đóng kín ấy, hẳn là chứa đựng bao nỗi lo đến thắt ruột của những người chủ khi mỗi ngày trôi qua là mỗi ngày càng thêm áp lực để duy trì và tồn tại. Và sau họ là hàng chục, hàng trăm nhân viên phải chịu cảnh "thất nghiệp tạm thời" không lương, trong khi áp lực để sinh tồn hiển hiện trước mặt họ mỗi ngày. Nào ai biết được trong lòng thành phố này có bao nhiêu người lao động nghèo phải ăn mì tôm để sống qua ngày?

Một buổi tối khác, tôi chạy sang quận 2. Cây cầu Sài Gòn nối hai bờ thành phố với lưu lượng xe cộ di chuyển khổng lồ, giờ đây cũng vắng lặng đến đáng sợ. Con sông Sài Gòn trước mặt bàn làm việc của tôi, ngày thường rất vui mắt với bao tàu bè lớn nhỏ, taxi nước, du thuyền đủ màu sắc qua lại, giờ cũng vắng lặng như một vùng thị tứ xa xôi nào đó... 

Tôi nghĩ có hàng nghìn, hàng vạn nỗi đau trong lòng thành phố này không thể cất lời. Nhưng đôi khi, giống như những con thú lớn khi trọng thương, không vận động, hạn chế ăn uống tối đa để chữa lành vết thương, Sài Gòn của chúng ta cũng đang nằm im để chờ vết thương lành miệng. 

Và khi Sài Gòn được phục hồi, tôi tin rằng cả thành phố mười mấy triệu dân này sẽ bật dậy với một sức mạnh lớn lao và lại rùng rùng tiến về phía trước. 

Biết đâu, lúc ấy ta lại thầm cảm ơn những vết thương, bởi chúng cho ta biết cách để chữa lành và sức mạnh của sự chữa lành.

Bảo Khánh