Thước đo hành động

- Chủ Nhật, 27/06/2021, 05:27 - Chia sẻ
Các chỉ số về năng lực cạnh tranh, cải cách hành chính, chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính hay chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công… không chỉ đơn thuần là những thước đo đánh giá, thể hiện sự “trụ hạng” hay “nâng hạng” mà còn giúp các bộ, ngành, địa phương nhận ra tầm quan trọng của cải cách hành chính, nâng cao chất lượng điều hành. 

Không thể không kể tới Quảng Ninh, khi liên tiếp giữ vững vị trí đứng đầu ở cả 4 chỉ số quan trọng. Với 75,09 điểm, Quảng Ninh là tỉnh đứng đầu Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020, tăng 1,69 điểm so với năm 2019. Đây cũng là năm thứ 4 liên tiếp Quảng Ninh giữ vững vị trí quán quân bảng xếp hạng PCI. Quảng Ninh còn là tỉnh duy nhất trong 63 tỉnh, thành phố vượt qua được mốc 75 điểm trong kết quả PCI từ năm 2010 trở lại đây. Trước đó, báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2020 cũng công bố tỉnh Quảng Ninh tăng 2 bậc, vươn lên vị trí dẫn đầu cả nước trên bảng xếp hạng với tổng điểm 48,811.

Gần đây nhất, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc công bố Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2020 và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS), Quảng Ninh lại tiếp tục được nêu danh ở vị trí đầu bảng xếp hạng PAR INDEX với 91,04 điểm. Không dừng ở đó, địa phương này cũng giữ vị trí đứng đầu toàn quốc về chỉ số SIPAS lần thứ 2 liên tiếp, đạt 95,76% về mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Những kết quả vượt trội có được là nhờ quyết tâm chính trị rất cao của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, với việc đưa chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS và PAPI vào Nghị quyết Đại hội Đảng. Theo đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đặt ra chỉ tiêu, hàng năm, giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về các chỉ số PCI, PAR INDEX, SIPAS, PAPI. Đây chính là sự cam kết, đồng hành của cả hệ thống chính trị tỉnh Quảng Ninh với người dân, nhà đầu tư và doanh nghiệp về xây dựng một chính quyền phục vụ, do Nhân dân, vì Nhân dân, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đồng thời, trở thành nội dung có tính chất bắt buộc với cả hệ thống bộ máy chính trị toàn tỉnh trong thực thi công vụ. Chủ động, quyết liệt thực hiện sắp xếp tổ chức, bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, với phương châm kết hợp “làm từ trên xuống”, “làm từ dưới lên”, “làm đồng thời”; loại bỏ thủ tục rườm rà, thành phần hồ sơ không cần thiết, không hợp lý; ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước hiện đại hóa nền hành chính… là những hành động thiết thực mà địa phương này đã triển khai. 

Nói như Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, các chỉ số đã trở thành công cụ quản lý hiệu quả trong cải cách hành chính, giúp Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương nhận diện rõ những kết quả đạt được, chỉ ra những tồn tại, hạn chế; tác động nhất định, tạo ra những áp lực đối với các cơ quan quản lý. Chính vì muốn “vượt hạng” mà các bộ, ngành không ngừng nỗ lực phấn đấu, cải cách; nhiều tỉnh, thành phố đã có các giải pháp phản ứng nhanh, linh hoạt để nâng cao sức chống chịu của người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh tác động tiêu cực của dịch bệnh. 

Đó là sự xuất hiện nhiều mô hình mới, trong đó có mô hình “Cà phê doanh nhân” khởi nguồn từ Đồng Tháp, mô hình trung tâm phục vụ hành chính công, trung tâm xúc tiến và hỗ trợ đầu tư, Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, quận, huyện (DDCI) được triển khai rất thành công tại tỉnh Quảng Ninh, Tuyên Quang… đã được nhân rộng trên 40 - 50 tỉnh, thành phố trên cả nước. Những sáng kiến như trung tâm tư vấn trợ giúp pháp lý cho doanh nghiệp, “bác sĩ doanh nghiệp”, các mô hình thúc đẩy đối tác công tư cũng được ươm tạo và lan tỏa… 

Hay sự nỗ lực không ngừng nghỉ trong cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính đã giúp Ngân hàng Nhà nước lần thứ 6 liên tiếp dẫn đầu chỉ số cải cách hành chính trong số các bộ, ngành. Nhờ sự quyết tâm trong chỉ đạo, sự nỗ lực chung trong toàn ngành, nhiều thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh đã được cắt giảm mạnh mẽ. Tính trong cả giai đoạn 10 năm qua, có hơn 80% thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa, đáp ứng tốt yêu cầu hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và cải thiện môi trường kinh doanh trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng. Cơ quan này cũng đã ban hành kiến trúc Chính phủ điện tử phù hợp với Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam 2.0; đưa vào sử dụng các hệ thống công nghệ theo mô hình tập trung, hiện đại, kết nối từ Trung ương đến 63 tỉnh, thành phố; xây dựng và công bố áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 tới toàn bộ các đơn vị có chức năng giải quyết thủ tục hành chính thuộc Ngân hàng Nhà nước.

Có thể nói, những chỉ số được xây dựng và công bố hàng năm không chỉ phản ánh niềm tin của người dân và cộng đồng doanh nghiệp vào những chuyển biến tích cực về tư duy cải cách, chất lượng phục vụ, mà thực sự đã trở thành cơ sở để các bộ, ngành địa phương nhìn lại quá trình lãnh đạo, điều hành trong năm, từ đó có giải pháp thu hút đầu tư, cải thiện hình ảnh đối với người dân, doanh nghiệp hoặc nâng cao năng lực quản trị công.

Đỗ Quyên