Sổ tay:

Thuốc chữa bệnh "chây ỳ”

- Thứ Bảy, 17/04/2021, 06:52 - Chia sẻ
Mặc dù các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam có nhiều biện pháp để xử lý tình trạng doanh nghiệp cố tình, chây ỳ, trốn đóng bảo hiểm xã hội… song vẫn còn nhiều doanh nghiệp không tuân thủ pháp luật như: Trốn, nợ bảo hiểm xã hội gây ảnh hưởng quyền lợi của hàng vạn người lao động.

Thông tin công bố danh sách các đơn vị nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên các phương tiện truyền thông của Bảo hiểm xã hội TP Đà Nẵng trong tháng 3.2021 vừa qua cho thấy, có 544 đơn vị với số tiền nợ đóng lên tới hơn 112 tỷ đồng. Một số đơn vị có số nợ lớn, như Công ty Cổ phần Cơ khí - Lắp máy Sông Đà - Chi nhánh 5 (11 tỷ đồng), Công ty Cơ khí ô tô và thiết bị điện Đà Nẵng (11,4 tỷ đồng), Công ty TNHH Empire Hospitality (7 tỷ đồng), Chi nhánh II - Công ty Cổ phần công nghiệp Quảng An I tại Đà Nẵng (6 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Lilama 7 (5,3 tỷ đồng)… Trong số các doanh nghiệp chây ì nợ đọng BHXH, nổi lên là Chi nhánh II - Công ty Cổ phần Công nghiệp Quảng An I tại Đà Nẵng (Công ty Quảng An).

Tại Hà Nội, ngày 12.4, thông tin từ Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội cũng cho biết, đã thanh tra 75 đơn vị nợ Bảo hiểm xã hội với tổng số tiền nợ 76,2 tỷ đồng, trong đó có một số công ty có số nợ lớn, số tháng nợ kéo dài như Xí nghiệp Xây dựng công trình Cienco 1 (nợ 4,3 tỷ đồng, nợ 47 tháng), Công ty Cổ phần Hassyu Việt Nam (nợ 2,5 tỷ đồng, nợ 40 tháng), Công ty Cổ phần đầu tư và Thương mại Hợp Thành (nợ 1,9 tỷ đồng; nợ 28 tháng)… 

Tương tự, hiện TP Hồ Chí Minh có khoảng 664 doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với tổng số tiền hơn 1.000 tỷ đồng, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của gần 30.000 người lao động. Còn tại Ninh Thuận, tính đến hết tháng 2.2021, trên địa bàn tỉnh này có 132 doanh nghiệp nợ trên 3 tháng, với tổng số tiền trên 23 tỷ đồng, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của 799 người lao động.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ bảo hiểm xã hội chủ yếu do ý thức chấp hành pháp luật của chủ sử dụng lao động chưa cao; rất nhiều chủ sử dụng lao động tìm cách lách luật, trốn đóng hoặc cố tình kéo dài thời gian nộp bảo hiểm xã hội. Trong khi đó, hầu hết người lao động lại không dám lên tiếng đòi quyền lợi vì sợ ảnh hưởng đến công ăn việc việc làm…

Để giảm tình trạng doanh nghiệp nợ đọng, chây ỳ không nộp bảo hiểm xã hội thời gian qua cơ quan bảo hiểm xã hội các địa phương đã chủ động đẩy mạnh hoạt động thanh, kiểm tra các doanh nghiệp trên địa bàn, nhất là đối với các doanh nghiệp có “thâm niên” nợ kéo dài. Đơn cử như tại TP Hồ Chí Minh, để bảo đảm quyền lợi cho người lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội đã dự kiến sẽ tiến hành thanh tra đối với 366 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội kéo dài, nhằm làm rõ và có biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật. Tại Hà Nội, Thanh tra TP Hà Nội cũng ban hành Quyết định thành lập đoàn thanh tra liên ngành để thanh tra tại 75 đơn vị nợ đọng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Nhờ đó, có 21/75 đơn vị nộp hết số tiền nợ bảo hiểm xã hội; 40/75 đơn vị nộp một phần tiền nợ...

Với những giải pháp đồng bộ nêu trên đã góp phần giảm thiểu tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng cho nhiều người lao động. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, để loại bỏ tính “chây ỳ”, nợ kéo dài bảo hiểm xã hội trước khi nó trở thành căn bệnh cố hữu, việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, nhất là thanh tra đột xuất đối với những doanh nghiệp có số nợ lớn, nợ kéo dài vẫn cần phát huy. Qua đó, không chỉ răn đe, chấn chỉnh vi phạm mà còn tạo cơ sở pháp lý cho việc đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự đối với những trường hợp cố tình vi phạm.

Hải Thanh