Tại toạ đàm, PPWG đã chia sẻ kết quả nghiên cứu về một số mô hình có sự tham gia của người dân ở Quảng Trị và Hà Nội. Theo đó, tổ dân phố là nơi người dân tham gia và thực hành quyền dân chủ ở cơ sở của mình là tốt nhất; và để tham gia tích cực và hiệu quả, người dân cần được bảo đảm quyền tiếp cận thông tin một cách minh bạch. Điều này đặc biệt quan trọng với các nhóm công dân như người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, và người cao tuổi.
Chủ tịch PPWG Lê Quang Bình, cho biết: “Người dân rất quan tâm đến những vấn đề gần với họ, sát với họ cả về lợi ích lẫn không gian. Cụ thể, họ muốn được tham gia giám sát và triển khai các công trình cơ sở hạ tầng ở thôn/bản; tham gia giám sát các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho người dân, đặc biệt ở vùng khó khăn, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số.”
Phát biểu tại toạ đàm, Trợ lý Trưởng đại diện thường trú và Trưởng phòng Quản trị và Tham gia của UNDP Việt Nam Diana Torres đánh giá, chúng tôi hy vọng những phát hiện từ nghiên cứu này, đặc biệt là những mô hình thực tiễn tốt được nêu ra từ nghiên cứu, sẽ là những dẫn cứ quan trọng và mang nhiều hàm ý chính sách và thực tiễn cho các cấp chính quyền từ trung ương đến cơ sở, nhất là khi Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở có hiệu lực.