Thực thi hiệu quả các FTA

- Thứ Hai, 28/06/2021, 05:46 - Chia sẻ
26 năm kể từ khi nước ta ký kết và thực thi Hiệp định FTA đầu tiên, nhiều cơ hội đã mở ra cho thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa và đầu tư vào các thị trường đối tác và ngược lại. Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội, thực thi hiệu quả các FTA cần có chiến lược bài bản, chủ động; đặc biệt phải đổi mới mạnh mẽ tư duy và hành động.

Hiệp định FTA đầu tiên với các nước ASEAN có hiệu lực từ năm 1995 nhưng phải đến năm 2003, khi ký kết Hiệp định FTA với Trung Quốc với tư cách thành viên nhóm ASEAN, tăng trưởng xuất nhập khẩu của nước ta mới có chuyển biến rõ rệt. Sau đó, chúng ta đã có thêm 12 FTA được ký kết với tư cách là thành viên ASEAN và là một bên độc lập, quy mô xuất nhập khẩu ngày càng mở rộng, đạt hơn 517 tỷ USD năm 2019, tăng hơn 11 lần so với năm 2003.

Các FTA mà nước ta tham gia có độ phủ rộng hầu hết châu lục với gần 60 nền kinh tế, tổng GDP chiếm gần 90% GDP thế giới. Việc tham gia các FTA đã góp phần đưa nền kinh tế nước ta duy trì mức tăng trưởng cao từ 6 - 7%/năm, kinh tế vĩ mô ngày càng ổn định; lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.

Cụ thể, về thương mại hàng hóa, kể từ năm 2004 đến nay, tốc độ tăng bình quân xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và các đối tác thương mại FTA đều đạt mức 2 con số, trong đó, Chile, Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ là 4 đối tác có tốc độ tăng trị giá xuất nhập khẩu trung bình năm cao hơn 20%. Tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường có FTA ngoài CPTPP năm 2019 đạt 123,11 tỷ USD.

Đối với thương mại dịch vụ, tổng giá trị xuất nhập khẩu dịch vụ tăng 10,8%/năm trong giai đoạn 2005 - 2019. Trong đó, dịch vụ vận tải và du lịch là 2 ngành đóng góp chính vào tăng trưởng xuất khẩu và nhập khẩu dịch vụ, đồng thời chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu xuất, nhập khẩu dịch vụ của cả nước. Về đầu tư, đến hết năm 2019, vốn đăng ký lũy kế các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực của nước ta là 362,58 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 211,78 tỷ USD, bằng 58,4% vốn đăng ký...

Việc chủ động hội nhập kinh tế quốc tế thông qua việc đàm phán, ký kết và thực thi các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, trong đó có các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao như CPTPP, EVFTA đã giúp cho năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của doanh nghiệp nước ta được cải thiện rõ rệt, đặc biệt là cơ hội để tăng tính bền vững trong phát triển, không chỉ trong phát triển thị trường mà còn định hình khả năng tham gia vào các chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng của khu vực và toàn cầu.

Tuy nhiên, việc tham gia và thực thi các FTA không chỉ mang lại cơ hội mà kèm theo đó là những rủi ro và thách thức, nhất là về năng lực cạnh tranh, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật cũng như việc thực thi các cam kết trong những lĩnh vực mới chưa có trong các FTA trước đây như vấn đề lao động, công đoàn, môi trường. Ngoài ra, những hạn chế như sự thiếu hiểu biết của doanh nghiệp, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức cũng đã và đang là rào cản khiến cho không ít cơ hội từ FTA bị bỏ lỡ.

Để tận dụng tối đa lợi ích từ các FTA, điều quan trọng là phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật nhằm bảo đảm tính nhất quán, đồng bộ, công bằng, minh bạch, không phân biệt đối xử, đúng trình tự thủ tục nhằm hạn chế tranh chấp phát sinh với nhà đầu tư nước ngoài và giải quyết hiệu quả các tranh chấp nếu có. Đồng thời tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế cảnh báo sớm để phòng ngừa tranh chấp.

Ngoài ra, cần có sự phối hợp đồng bộ tất cả các cấp, ngành, địa phương và doanh nghiệp. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc triển khai và thực thi các FTA đã có hiệu lực trên cơ sở phát huy tối đa nội lực, gắn kết chặt chẽ và thúc đẩy quá trình hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng, nâng cao sức mạnh tổng hợp và năng lực cạnh tranh. Như ý kiến của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, mục tiêu lớn lao, xuyên suốt là phải thực thi một cách hiệu quả, tận dụng được các cơ hội mà hiệp định thương mại tự do mang lại.

Ninh Hà