Thực hiện mục tiêu kép với tinh thần sống chung với dịch

- Thứ Sáu, 25/06/2021, 08:04 - Chia sẻ
“Chính phủ kiên định với mục tiêu tăng trưởng, chưa điều chỉnh vội”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết trong phiên họp sáng qua của Ủy ban Kinh tế. Cũng tại đây, Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, Chính phủ cần có phương thức hành động để thực hiện mục tiêu kép. “Nếu năm 2020 chúng ta tương đối e ngại với dịch bệnh thì giai đoạn này xác định rõ phải sống chung với dịch bệnh”, ông nói.

Phiên họp của Ủy ban Kinh tế sáng 24.6 thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về kinh tế - xã hội có 2 điểm đặc biệt: đây là phiên họp toàn thể cuối cùng của Ủy ban Kinh tế Khóa XIV và có sự tham dự của 4 Bộ trưởng (Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Tài chính; Bộ Tư pháp). “Điều này chứng tỏ mối quan hệ giữa Quốc hội và Chính phủ đang được đổi mới theo chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhận xét.

Chính phủ kiên định với mục tiêu tăng trưởng

Dự báo một số chỉ tiêu 6 tháng đầu năm 2021, báo cáo của Chính phủ cho biết, quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt gần 4 triệu tỷ đồng. Tốc độ tăng GDP đạt khoảng 5,8%, thấp hơn 0,42 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ (tăng 6,22%) và thấp hơn 0,12 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản Chính phủ cập nhật lại tại thời điểm quý I.2021 (tăng 5,92%).

Với kết quả này, áp lực rất lớn đang đặt vào các tháng cuối năm. Tuy vậy, theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, trong bối cảnh Nghị quyết Đại hội XIII bắt đầu vào cuộc sống, nhân sự mới kiện toàn, đất nước có nhiều khí thế mới, động lực mới, khát vọng mới, chúng ta đang triển khai chương trình tiêm vaccine phòng Covid - 19, dư địa các ngành còn nhiều, Bộ đã kiến nghị Chính phủ kiên định mục tiêu tăng trưởng, không điều chỉnh vội. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết đã xây dựng kịch bản tăng trưởng rõ hơn; quý III và quý IV từng ngành, từng lĩnh vực sẽ làm gì. “Chúng tôi thấy có dư địa để đạt được mục tiêu tăng trưởng (Quốc hội giao 6%, Chính phủ đề ra 6,5% - PV) nhưng phải quyết tâm cao vì mọi diễn biến rất khó lường”.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh, Ủy viên Ủy ban Kinh tế đồng tình với nhận định lạc quan trong báo cáo của Chính phủ về tình hình 6 tháng cuối năm. Cụ thể, kinh tế thế giới tiếp tục xu hướng phục hồi, dẫn đầu là các nền kinh tế lớn cũng là các thị trường chính của Việt Nam như Mỹ, Anh… “Các khu chế xuất ở TP. Hồ Chí Minh có số đơn hàng rất lớn. Doanh nghiệp lo bị đóng cửa vì dịch bệnh sẽ không bảo đảm các đơn hàng”, đại biểu Ngân cho biết.

Do vậy để đạt mục tiêu kép, trước mắt Chính phủ cần ưu tiên đẩy nhanh kiểm soát dịch, hỗ trợ nguồn lực (cả tài chính, con người, thiết bị y tế, thuốc men…) cho khu vực đang phải kiểm soát dịch bệnh. Trong trung và dài hạn, tốc độ tiêm vaccine phải nhanh hơn để sang giai đoạn mới - sau quý I.2022, chúng ta sẽ sống chung với Covid, xây dựng môi trường kinh doanh mới trong điều kiện Covid vẫn tồn tại. “Nếu làm tốt việc này, chúng ta sẽ đạt các mục tiêu đặt ra”, đại biểu Trần Hoàng Ngân tin tưởng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp

Ảnh: Quang Khánh 

“Giai đoạn này phải thay đổi!”

Theo Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế, trong 6 tháng cuối năm, Chính phủ rất cần xác định rõ phương thức hành động để thực hiện mục tiêu kép. “Giai đoạn này phải thay đổi, khác với 2020. Nếu năm 2020 chúng ta thực hiện mục tiêu kép trong tình thế tương đối e ngại với dịch bệnh thì giờ xác định rõ phải sống chung với dịch bệnh”.

Đại biểu Hoàng Văn Cường phân tích: Bắc Giang vừa qua mức độ dịch bệnh nặng nhất trong các địa bàn từ trước đến nay nhưng hành động chống dịch đúng mực, không cách ly xã hội tuyệt đối, nhờ đó tiêu thụ được nông sản, duy trì được hoạt động nhà máy. Một số tỉnh lại hốt hoảng, mới có vài ca bệnh đã cách ly toàn tỉnh; có tỉnh tuyên bố cấm người từ vùng có dịch. Cách thức hành động như vậy giống năm 2020. Đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất, trong 6 tháng cuối năm, Chính phủ phải chỉ đạo thống nhất trên toàn quốc về truy vết nhanh, cách ly đúng đối tượng, phong tỏa hẹp. Chúng ta chuyển hướng sang chấp nhận có dịch trong cộng đồng thay vì loại trừ tuyệt đối như trước. Như vậy sẽ nới lỏng được các điều kiện phát triển kinh tế như bình thường.

Đồng tình với quan điểm chống dịch như chống giặc, song đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng cũng phải “nghĩ đến cứu trợ doanh nghiệp như cứu người”. Việc cứu doanh nghiệp phải đạt được 2 mục tiêu. Trước mắt là hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, không bị phá sản, không phải rút lui khỏi thị trường. Về lâu dài, trong tác động của đại dịch, nhiều doanh nghiệp không thể duy trì hướng làm ăn cũ và thấy được rằng cần phải bắt tay, liên kết với nhau mới tạo được sức mạnh. “Vì vậy mục tiêu thứ hai là hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ, hướng sản xuất, liên kết để tạo chuỗi vì sau đại dịch cạnh tranh sẽ rất khốc liệt”.

Muốn xây dựng được chính sách hỗ trợ mới hiệu quả, các ý kiến tại phiên họp của Ủy ban Kinh tế cho rằng, Chính phủ cần có báo cáo đánh giá kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ trong thời gian qua. Hơn thế, Chính phủ cũng cần đánh giá lại toàn diện các nguồn lực tài chính mà Chính phủ có được để “liệu cơm gắp mắm” trước khi xác định quy mô gói cứu trợ lần này. Cần phải tính đến nguồn thu ngân sách không chỉ riêng năm 2021 mà còn căn cứ vào kịch bản nguồn thu những năm tới. Nợ công cũng là yếu tố phải “soi”, bởi kể cả khi cần tiền để hỗ trợ doanh nghiệp, thì kỷ luật tài khóa vẫn cần được duy trì, ngưỡng nợ công/GDP cần thiết phải được giữ vững nhằm bảo đảm ổn định vĩ mô và an toàn tài chính cho dài hạn.

Hà Lan