Thực hiện hiệu quả các nghị quyết của HĐND tỉnh

- Thứ Ba, 23/03/2021, 08:56 - Chia sẻ
Trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, với tinh thần trách nhiệm, UBND tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành. Thành quả của quá trình nỗ lực ấy thể hiện rõ nét qua sự phát triển ổn định của kinh tế - xã hội toàn tỉnh. Nhiệm kỳ tới, UBND tỉnh xác định sẽ tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế; tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả các mặt công tác. Đặc biệt, xây dựng hệ thống chính quyền các cấp vững mạnh; phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XIX đã đề ra.

Tập trung khắc phục các hạn chế, yếu kém

Nhiệm kỳ 2016 - 2021, với nhiệm vụ tổ chức thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong công tác chỉ đạo, điều hành. Đặc biệt, năm 2020 trong bối cảnh phải chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, song tập thể UBND đã kiên định với mục tiêu vừa bảo đảm phòng, chống dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Khép lại một năm đầy thách thức, kinh tế của tỉnh vẫn đạt mức tăng trưởng 6,13% và nằm trong nhóm 10 tỉnh đạt mức tăng trưởng cao nhất cả nước. Xét trong cả giai đoạn, các chỉ tiêu về phát triển kinh tế của tỉnh cơ bản đạt và vượt kế hoạch theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và Nghị quyết số 12/2016 của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 đề ra. 

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Ngọc Quỳnh: 5 năm qua, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn tiếp tục ổn định và có nhiều mặt phát triển; tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt trung bình 8,32%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; công nghiệp có bước phát triển khá. Hưng Yên đã và đang là sự lựa chọn của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước; thu ngân sách hàng năm vượt kế hoạch Trung ương giao, từ năm 2017 trở thành tỉnh tự cân đối thu chi và có đóng góp với ngân sách Trung ương. Đáng chú ý, năm 2020 Hưng Yên được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) với 28 xã hoàn thành tiêu chí xã NTM nâng cao, 5 xã cơ bản hoàn thành tiêu chí xã NTM kiểu mẫu. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa được nâng cao, phúc lợi xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được củng cố.

Dù đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, song trong quá trình điều hành phát triển kinh tế - xã hội, UBND tỉnh cũng thẳng thắn nhìn nhận, vẫn còn những mặt hạn chế cần tập trung khắc phục kịp thời. Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh tại Kỳ họp thứ 16 (tổng kết nhiệm kỳ 2016 - 2021) nhấn mạnh: Dù là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, nhưng công nghiệp và thương mại dịch vụ của Hưng Yên phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Hoạt động thu hút đầu tư trên địa bàn diễn ra mạnh mẽ nhưng công tác chỉ đạo đền bù, bồi thường GPMB còn chậm nên tiến độ thực hiện các dự án không bảo đảm dẫn đến khả năng phát huy hiệu quả dự án không cao, ảnh hưởng nhiều đến thu ngân sách và phát triển. Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt ô nhiễm nông thôn ngày càng gia tăng; các nguồn lực từ ngân sách dành để đầu tư phát triển và bảo đảm an sinh xã hội, phòng chống dịch bệnh còn hạn hẹp…

Xây dựng hệ thống chính quyền các cấp vững mạnh

Xuất phát từ những hạn chế, tồn tại và bài học kinh nghiệm rút ra, các Ban của HĐND tỉnh đề nghị: Nhiệm kỳ 2021 - 2026, UBND tỉnh cần tập trung xây dựng hệ thống chính quyền địa phương vững mạnh; thực hiện tốt Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 về vai trò của chủ thể được giám sát, nhất là việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát; thực hiện tốt hơn nữa quy chế phối hợp giữa Đoàn ĐBQH, Thường trực HĐND, UBND, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, có cơ chế liên thông để các Ban và Văn phòng HĐND tỉnh tham gia ngay từ khâu chuẩn bị xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là các dự thảo nghị quyết sẽ trình kỳ họp HĐND tỉnh. Đồng thời, tăng cường rà soát văn bản quy phạm pháp luật, hạn chế đến mức thấp nhất việc ban hành văn bản chưa đúng, chưa bảo đảm cơ sở thực hiện và khắc phục tình trạng chậm trình HĐND ban hành nghị quyết thực hiện nhiệm vụ khung của Trung ương giao.

Nhằm thực hiện tốt các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 2021 - 2026, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đề nghị: UBND tỉnh cần tập trung chỉ đạo, điều hành tập trung vào một số nội dung trọng điểm của địa phương. Trong đó, xây dựng và triển khai hiệu quả Chương trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030; vận động, thu hút các nhà đầu tư có năng lực, uy tín đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng các khu, cụm công nghiệp được quy hoạch, phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp đã được điều chỉnh, bổ sung quy hoạch. Đồng thời, xây dựng và triển khai hiệu quả Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; tăng cường các biện pháp xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu nông sản; xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh.

Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả thu - chi ngân sách, bảo đảm chủ động cân đối ngân sách; có biện pháp nuôi dưỡng nguồn thu phù hợp, từng bước cải thiện bền vững cơ cấu thu; đẩy mạnh cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công, phấn đấu tốc độ tăng thu ngân sách bình quân đạt trên 8,5%/năm; đến năm 2025 có tối thiểu 20% đơn vị tự chủ tài chính, tiếp tục giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2016 - 2020.

UBND tỉnh cũng cần tập trung hoàn thành phê duyệt Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng đất; tăng cường kiểm soát các hoạt động khai thác tài nguyên, sớm đẩy lùi tình trạng gia tăng ô nhiễm môi trường; tập trung xử lý dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, hoàn thành trước năm 2023.

BẢO TRÂM