Thực hành nghệ thuật “Xanh”

- Thứ Năm, 22/10/2020, 16:19 - Chia sẻ
Những ngày này, tại một số thành phố của Việt Nam, Nhật Bản, Singapore, Đức, Thụy Sĩ... các nghệ sĩ của Tháng thực hành nghệ thuật 2020 (MAP 2020) đang thực hành về đề tài Hà Nội. Màu xanh là nguồn cảm hứng để họ biểu đạt những gì thành phố này gợi ý trong quá trình sáng tạo, cùng suy nghĩ về lịch sử, văn hóa, con người… nơi đây.

Phía sau từng đám mây

Được khởi xướng bởi nghệ sĩ Trần Trọng Vũ từ năm 2015, do Heritage Space tổ chức đều đặn những năm qua, MAP vận hành với mục đích tạo dựng một không gian nuôi dưỡng sự sáng tạo và phát triển của nghệ thuật đương đại dựa trên sự hợp tác, trao đổi tri thức, kinh nghiệm thực hành nghệ thuật trong và ngoài nước. Theo Giám đốc nghệ thuật Heritage Space Nguyễn Anh Tuấn, dự án Tháng thực hành nghệ thuật phiên bản năm nay lấy chủ đề “dự án Xanh”. Chủ đề đó được đặt ra từ rất nhiều câu chuyện về Hà Nội.

Tháng thực hành nghệ thuật 2020 có chủ đề về Hà Nội
Tháng thực hành nghệ thuật 2020 lấy ý tưởng từ màu xanh ở Hà Nội

Hà Nội không có biển xanh. Hiếm khi người Hà Nội sơn tường nhà bằng màu xanh - màu của da trời, màu của biển - như thể bởi vì họ không có thói quen được thấy màu sắc thật của bầu trời ở phía trên thành phố. Vậy màu xanh, thứ màu sắc vốn được mỹ thuật gán cho cảnh yên bình và vĩnh hằng, tại sao lại ngày càng ít chỗ đến vậy giữa một nơi như Hà Nội? Và dưới con mắt nghệ sĩ, vấn đề được nhìn nhận một cách vừa trực diện, vừa đầy ẩn ý. Sự thiếu vắng của màu xanh ở Hà Nội lại trở thành lời giải thích cho nhiều vấn đề khác sâu sắc hơn.

Ba nghệ sĩ thành danh nước ngoài, và năm nghệ sĩ trẻ Việt Nam dưới sự hỗ trợ của bốn chuyên gia nghệ thuật là những giám tuyển, học giả, nhà nghiên cứu, nghệ sĩ giàu kinh nghiệm làm việc trên môi trường quốc tế sẽ sử dụng màu xanh “không có” ấy của Hà Nội để biểu đạt lại những gì Hà Nội gợi ý cho họ, cùng những suy nghĩ của mỗi cá nhân về một thành phố phức tạp có thể cho họ chất liệu thị giác, âm thanh, văn hóa, xã hội, chính trị, lịch sử… để làm tác phẩm.

Các nghệ sĩ phải vượt qua những thu nhận thị giác để đến với những gì không nhìn thấy được mà Hà Nội giấu vào bên trong cái bề ngoài muôn màu của nó. Nói cách khác, phải dùng màu xanh để kể những gì không xanh, dùng nghịch lý để kể những nghịch lý. Đó chính là mục đích của MAP 2020.

Nuôi dưỡng sáng tạo

Chung một điểm nhìn về Hà Nội khi tham gia MAP 2020 nhưng mỗi nghệ sĩ sẽ có cá tính sáng tạo riêng. Trong suốt giai đoạn sáng tác nghệ thuật và hoạt động trao đổi (từ ngày 12.10 - 20.11), họ cùng nhau suy nghĩ thông qua đối thoại và thực hành, từ đó bộc lộ phong cách, ý đồ nghệ thuật cá nhân. Như nghệ sĩ Masahiro Wada hiện sống và làm việc tại Tokyo, Nhật Bản, thường nghiên cứu về những điều lệ văn hóa được coi là hiển nhiên, bị ẩn giấu hoặc tách biệt, lấy đó làm chất liệu để tạo ra những tác phẩm trình diễn, điêu khắc, sắp đặt và video…

Nghệ sĩ thị giác Phương Linh là một trong năm nghệ sĩ Việt Nam tham gia MAP 2020
Nghệ sĩ thị giác Phương Linh là một trong năm nghệ sĩ Việt Nam tham gia MAP 2020

Hay nghệ sĩ Nhật Bản khác là Miho Shimizu lại quan tâm đến trang phục của các dân tộc và trang phục đô thị, đặt chúng vào bối cảnh mới của đời sống. Các tác phẩm của Miho thường có tính chất ảnh lồng trong ảnh, diễn tả sự lặp đi lặp lại, và khán giả cũng được xem như một thành tố chủ chốt trong tác phẩm. Còn nghệ sĩ thị giác Thụy Sĩ Katja Jug nghiêng về các thực hành dàn dựng, sắp đặt ảnh, sách… chạm tới chủ đề liên quan tới đời sống thường nhật như thực phẩm, khí hậu và nhận thức và ký ức…

MAP 2020 được thực hiện dưới sự hỗ trợ của Viện Goethe Hà Nội, Trung tâm Trao đổi Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam và Quỹ Pro Helvetia (Thụy Sỹ). Dự kiến, Dự án kết thúc bằng triển lãm giới thiệu các sáng tác của nghệ sĩ (sau ngày 20.11), tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.

Tham gia MAP 2020 còn có nghệ sĩ trẻ Lem TragNguyen, người sinh ra tại Đức, lớn lên ở Đức và Việt Nam. Đi từ câu chuyện danh tính của mình, các thực hành nghệ thuật của cô thể hiện sự chuyển đổi không ngừng từ bản sắc và văn hóa phương Đông, phương Tây. Gần đây, cô thực hành nhiều loại hình nghệ thuật trình diễn, sắp đặt, hình ảnh động, và âm thanh, từ đó đặt câu hỏi về các mối quan hệ giữa cá nhân và văn hóa, giữa lỗ hổng biên giới ngăn cách cộng đồng và cá nhân, sự thay đổi của cảm giác nguồn cội, nhận thức về thời gian, sự dịch chuyển... 

Tổng hợp công việc của những nghệ sĩ của MAP 2020 nhằm tạo dựng nên một không gian thực hành nghệ thuật sáng tạo trên một chủ đề chung, nhưng không gian sáng tạo của năm nay sẽ được thực hiện trực tuyến. Trong suốt 6 tuần thực hành nghệ thuật, nghệ sĩ chia sẻ việc phát triển ý tưởng, nhận đóng góp ý kiến từ đồng nghiệp và thảo luận trên facebook Tháng thực hành nghệ thuật MAP 2020. Sự hợp tác giữa nghệ sĩ từ xa, đưa các thực hành trao đổi lên nền tảng ảo cũng là gợi ý một cấu trúc chương trình thực hành nghệ thuật mới, nuôi dưỡng các thực hành sáng tạo.

Thái Minh