Thúc đẩy xuất khẩu nông sản bằng đường biển

- Thứ Năm, 13/01/2022, 06:49 - Chia sẻ
Tại cuộc họp về "Thúc đẩy xuất khẩu nông sản bằng đường biển" ngày 12.1, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN - PTNT) Trần Thanh Nam cho biết: Trung Quốc đã mở lại một số cửa khẩu nhưng có thể đóng bất cứ lúc nào nếu phát hiện Covid-19, vì vậy phải tính đến xuất khẩu nông sản bằng đường biển như là một hướng đi lâu dài.

Nhu cầu xuất khẩu bằng đường biển tăng

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Trần Thanh Nam thông tin, từ ngày 12.1, Trung Quốc đã khôi phục nhập khẩu thanh long qua cửa khẩu ở Lào Cai. Cửa khẩu Móng Cái thông quan trở lại cách đây 3 ngày, tuy nhiên hôm qua Trung Quốc phát hiện 1 lô hàng dính virus SARS-CoV-2 trên bao bì nên đã tạm dừng nhập khẩu để khử khuẩn sau đó sẽ mở lại. Đối với cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), Bằng Tường (Trung Quốc) cũng đang đề nghị tỉnh Quảng Tây cho phép thông quan trở lại. Phía bạn đề nghị phải kiểm soát chặt dịch Covid-19, không để nhiễm vào bao bì, nhãn mác.

"Tuy Trung Quốc đã mở lại một số cửa khẩu nhưng có thể đóng bất cứ lúc nào nếu phát hiện virus SARS-CoV-2. Hơn nữa, sắp đến nghỉ Tết nguyên đán, có cửa khẩu nghỉ 1 tuần, có cửa khẩu nghỉ 2 tuần, nếu dồn hàng hóa lên các cửa khẩu sẽ rất khó khăn. Vì vậy, phải tính đến xuất khẩu bằng đường biển, cùng với xuất khẩu bằng đường bộ để gỡ khó trong tiêu thụ nông sản", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Tổng Cục trưởng Cục Trồng trọt Lê Thanh Tùng cho biết, qua làm việc với ba tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang, trong quý I.2022, cần có 5.087 container để xuất khẩu hơn 101 nghìn tấn thanh long bằng đường biển. Nhu cầu xuất khẩu thanh long qua đường biển của doanh nghiệp rất cao, có nhiều doanh nghiệp đã đăng ký. Điển hình, Bình Thuận có hơn 10 doanh nghiệp và các doanh nghiệp nhỏ khác, Tiền Giang có trên 3 doanh nghiệp...

Thống kê của Tổng cục Hàng hải cũng cho thấy, trong tháng 11.2021, có 1.400 container lạnh chở hàng từ TP. Hồ Chí Minh sang Trung Quốc nhưng tháng 12 đã tăng gấp 3 lần, thể hiện sự dịch chuyển lớn từ đường bộ sang đường biển. Tại cảng Hải Phòng 3 tuần qua cũng có 1.000 container lạnh sang Trung Quốc.

Trước nhu cầu container để xuất khẩu nông sản bằng đường biển tăng cao, đa số hãng tàu cho biết sẽ tạo điều kiện hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Đại diện Hãng tàu Cosco Shipping Việt Nam thông tin, hãng đã trực tiếp liên hệ công ty bên Trung Quốc, chấp nhận chi phí cao để nhập container rỗng về nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Mỗi tuần, hãng tàu CMA có thể cung cấp 250 container lạnh gồm các tuyến từ TP. Hồ Chí Minh đi các nước, trong đó có Trung Quốc; hãng tàu OVCL có 130 container; Hãng tàu SITC Hồ Chí Minh có 150 - 200 container…

Thúc đẩy xuất khẩu nông sản tươi bằng vận tải đường biển

Nguồn: ITN 

Hướng đi lâu dài

Dù nhu cầu xuất khẩu đường biển rất cao nhưng thực tế vẫn còn nhiều khó khăn. Ông Lê Thanh Tùng chỉ rõ, chi phí vận chuyển bằng đường biển hiện tăng gấp 3 lần so với trước. Tình trạng thiếu container lạnh và tàu khiến thời gian vận chuyển kéo dài có thể ảnh hưởng đến chất lượng nông sản. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ dịch Covid-19 sẽ làm chậm quá trình bốc dỡ hàng ở cảng biển và rủi ro thanh long bị loại bỏ khi phát hiện Covid-19. Để tháo gỡ khó khăn, cần sự vào cuộc của cơ quan trung ương, địa phương, hiệp hội vận tải, các cảng vụ xuất khẩu và các doanh nghiệp càng sớm càng tốt.

Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VLA) Lê Quang Trung cho biết để hỗ trợ theo chương trình giải cứu sẽ giảm, miễn phí tại cảng; cước phí vận chuyển cũng sẽ giảm mức thấp nhất. "Muốn tạo ra tuyến vận tải biển ổn định, Bộ NN - PTNT cần là đầu mối thu gom hàng để đi chung một tuyến. Chúng tôi sẵn sàng tham gia tổ công tác về chuyển đổi, sẽ là đầu mối để gặp gỡ đại diện chủ hàng xuất khẩu lớn", ông Trung cho biết. Ngoài ra, Bộ NN - PTNT cần quan tâm nâng chất lượng sản xuất bởi thực tế hàng hóa xuất khẩu chính ngạch mắc rất nhiều vấn đề về xuất xứ, truy xuất nguồn gốc, chất lượng".

Đồng tình với quan điểm trên Tổng thư ký Hiệp hội Logistics Việt Nam Nguyễn Duy Minh cho biết có những loại nông sản không cần container lạnh, do đó có thể gom hàng để đi chung chuyến thay vì chia nhỏ như trước. Về lâu dài, cần phát triển sàn thương mại điện tử nông sản để tìm kiếm các thị trường phù hợp hơn và không phụ thuộc vào thị trường Tung Quốc. Cùng với đó, cần phát huy vai trò của vận tải hàng không trong xuất khẩu nông sản.

Cục Hàng hải (Bộ Giao thông Vận tải) đang làm việc với các hãng tàu, khuyến khích đưa container rỗng vào Việt Nam. Đại diện đơn vị này cho biết, nếu doanh nghiệp có cam kết nhất định về khối lượng và thời gian giao hàng thì sẽ sớm tăng cường chuyển đổi tăng cường đường biển.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, tới đây Bộ NN - PTNT sẽ phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công thương để mở rộng xuất khẩu nông sản bằng đường biển như là một hướng đi lâu dài chứ không chỉ là giải pháp tình thế trước mắt.   

Hạnh Nhung