Đại hội đồng lần thứ 41 Hội đồng Liên nghị viện ASEAN:

Thúc đẩy vai trò của nữ nghị sĩ trong bảo đảm việc làm và thu nhập của lao động nữ

- Thứ Hai, 07/09/2020, 05:47 - Chia sẻ
Sáng mai, 8.9, Hội nghị Nữ nghị sĩ AIPA với chủ đề “Thúc đẩy vai trò của Nữ nghị sĩ trong bảo đảm việc làm và thu nhập của lao động nữ” sẽ được tổ chức trong khuôn khổ Đại hội đồng AIPA 41. Đại dịch Covid-19 đã khiến cho bất bình đẳng giới về lao động, việc làm và thu nhập trở nên trầm trọng hơn. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội NGUYỄN THÚY ANH cho biết, trên cơ sở đề xuất của Quốc hội Việt Nam, dự kiến, hội nghị sẽ thông qua nghị quyết chung, thể hiện quyết tâm của các nữ nghị sĩ AIPA thúc đẩy giải quyết vấn đề này ở phạm vi từng quốc gia và trong khu vực.

Diễn đàn cởi mở, hiệu quả của các nữ nghị sĩ AIPA

- Chủ đề và các nội dung nghị sự của Hội nghị Nữ nghị sĩ AIPA lần này có ý nghĩa như thế nào, thưa bà?

- Chủ đề Hội nghị Nữ Nghị sĩ AIPA (WAIPA) lần này do Quốc hội nước ta đề xuất và nhận được sự đồng thuận của các nghị viện thành viên AIPA. Việc làm và thu nhập đối với lao động nữ luôn là vấn đề mang tính thời sự và thu hút sự quan tâm của AIPA cũng như các nữ nghị sĩ AIPA, bởi khu vực ASEAN có tới 600 triệu dân, trong đó có hơn 300 triệu phụ nữ.

Thời gian qua, cộng đồng khu vực ASEAN và quốc tế đã có rất nhiều nỗ lực nhằm bảo đảm bình đẳng giới. Nhiều văn kiện, tuyên bố đã được đưa ra, chúng ta cũng đã đạt được những tiến bộ nhất định nhưng vẫn còn nhiều bất cập và rất nhiều việc phải làm. Trong điều kiện bình thường, tình trạng bất bình đẳng về việc làm, thu nhập đối với lao động nữ đã tồn tại. Đại dịch Covid-19 càng khiến cho tình trạng bất bình đẳng trở nên trầm trọng hơn, đòi hỏi phải gia tăng quyết tâm của các nữ nghị sĩ trong việc thúc đẩy giải quyết các vấn đề này ở phạm vi từng quốc gia và trong khu vực.

Dự kiến WAIPA sẽ thông qua nghị quyết chung về thúc đẩy vai trò của nữ nghị sĩ trong bảo đảm việc làm và thu nhập của lao động nữ. Nghị quyết sẽ đề cập đến trách nhiệm và kêu gọi nỗ lực của Chính phủ các nước ASEAN, trách nhiệm của các nghị viện thành viên thể hiện qua việc thực hiện các chức năng của cơ quan lập pháp, cơ quan đại diện cho người dân, quyết định các vấn đề quan trọng và phân bổ ngân sách quốc gia nhằm thúc đẩy vấn đề này, từ đó, đạt được những kết quả tốt hơn trong việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới nói chung và bảo vệ quyền lợi chính đáng của lao động nữ trong lĩnh vực việc làm, thu nhập nói riêng.

           

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thúy Anh
Nguồn: Zing

- Với vai trò là người đứng đầu Ủy ban về các vấn đề Xã hội với lĩnh vực phụ trách có thể nói là “ăn khớp” với các lĩnh vực mà WAIPA quan tâm thúc đẩy như lao động, việc làm, bình đẳng giới, quyền của phụ nữ và trẻ em gái... bà đánh giá như thế nào về WAIPA?

            - Được tổ chức lần đầu tiên tại kỳ họp Đại hội đồng AIPO lần thứ 19 năm 1998, theo sáng kiến của Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Malaysia, từ đó đến nay, WAIPA đã trở thành một cơ chế hoạt động thường niên và hiệu quả của AIPA.

            Tham dự các WAIPA, tôi nhận thấy, đây là một diễn đàn rất cởi mở, rất chân thành để nữ nghị sĩ các nước thành viên bày tỏ quan điểm, chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau về các vấn đề quan tâm trong khu vực, đặc biệt là vấn đề bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.

            Các lĩnh vực mà WAIPA thảo luận, thúc đẩy rất đa dạng, vừa cụ thể lại vừa toàn diện và có ý nghĩa sâu sắc đối với sự phát triển bền vững ở mỗi quốc gia cũng như của khu vực. Có thể thấy rõ điều này qua các nghị quyết đã được WAIPA thông qua, từ việc làm bền vững cho phụ nữ trong ASEAN thông qua thúc đẩy bảo trợ xã hội và cơ hội bình đẳng; tăng cường năng lực và bồi dưỡng kỹ năng phù hợp, cụ thể cho phụ nữ ở nông thôn; chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em; tăng cường vai trò của nữ nghị sĩ trong xây dựng Cộng đồng ASEAN; tăng cường các nỗ lực phòng, chống các hình thức phân biệt đối xử và bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em; trao quyền cho phụ nữ trong ASEAN để khai thác tiềm năng của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đến tăng cường sức khỏe cho lao động nữ di cư; thúc đẩy phụ nữ khởi nghiệp vì sự phát triển...

            Các nghị quyết của AIPA nói chung và WAIPA nói riêng, dù không mang tính chất bắt buộc nhưng trên thực tế, các nghị viện thành viên, các nữ nghị sĩ đều rất tích cực triển khai, đưa tinh thần của các nghị quyết vào hoạt động của nghị viện. Tại WAIPA lần này, trong quá trình điều hành, chúng tôi cũng khuyến khích các nữ nghị sĩ báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết WAIPA trước đó, đặc biệt là việc rà soát, hài hòa hóa pháp luật, chia sẻ thông tin, trao đổi và lan tỏa những kinh nghiệm thực hành chính sách tốt tại mỗi nước để cùng nhau thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ trên tất cả các lĩnh vực đạt được những kết quả tích cực và thực chất hơn nữa.

            Chủ động và gương mẫu hiện thực hóa các nghị quyết của WAIPA

            - Như bà nói, WAIPA hình thành từ sáng kiến của Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Malaysia. Trong suốt 25 năm là thành viên của AIPO/AIPA, Quốc hội Việt Nam cũng đã đưa ra rất nhiều sáng kiến, thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm, vai trò dẫn dắt trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, thưa bà?

            - Có thể nói rằng, Việt Nam rất “có duyên” với các sáng kiến trong lĩnh vực bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tại các diễn đàn nghị viện đa phương như Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Diễn đàn Liên nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF) và đặc biệt là tại AIPA.

            Từ sáng kiến của Đoàn Việt Nam và Nghị viện Malaysia, WAIPA đã được tổ chức thành một cơ chế thường xuyên của AIPA. Không chỉ đặt nền móng cho WAIPA, Quốc hội Việt Nam còn tham gia rất tích cực các hoạt động của WAIPA, chủ động đề xuất, bảo trợ và đồng bảo trợ nhiều nghị quyết của WAIPA. Các đề xuất của Việt Nam có cơ sở và rất thuyết phục, được các đoàn ghi nhận và đưa vào nghị quyết.

           

Phát huy cơ chế Nữ Nghị sĩ AIPA, thành lập và vận hành có hiệu quả Nhóm Nữ nghị sĩ trong các nghị viện thành viên AIPA, tăng cường sự hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm giữa các Nhóm Nữ nghị sĩ trong khu vực là nhu cầu chính đáng và tất yếu trong bối cảnh thế giới và khu vực đang đứng trước nhiều khó khăn, bất ổn do dịch bệnh, các nguy cơ an ninh phi truyền thống hiện nay để thúc đẩy tiếng nói và hành động chung về bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ trong các lĩnh vực.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội NGUYỄN THÚY ANH

Ngay trong Năm Chủ tịch AIPA 2020, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch AIPA 41 Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Trưởng đoàn Việt Nam tại AIPA 41 Tòng Thị Phóng đã tham dự Phiên đối thoại cấp cao giữa các nhà lãnh đạo AIPA - ASEAN, Phiên họp đặc biệt về “tăng quyền cho phụ nữ trong thời đại số” và khẳng định những cam kết mạnh mẽ của AIPA, của Quốc hội Việt Nam trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ trong bối cảnh dịch bệnh, cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang tạo ra những cơ hội và cả những thách thức, sức ép mới đối với các quốc gia trong khu vực.

            Trước đó, từ những năm đầu mới trở thành thành viên AIPO, chúng ta cũng đã có nhiều sáng kiến đem lại hiệu quả thiết thực. Tiêu biểu như, năm 2002, tại Đại hội đồng AIPO 23 tổ chức ở Việt Nam, Quốc hội nước ta đã có sáng kiến tổ chức cuộc gặp thân mật giữa các nữ nghị sĩ AIPO với các đại biểu tiêu biểu của phụ nữ Việt Nam. Sáng kiến này được các đoàn đại biểu nhiệt liệt hoan nghênh và đã thành công tốt đẹp.

            Tại Đại hội đồng 24 năm 2003, chúng ta đưa ra sáng kiến thành lập tiểu ban nghiên cứu nhằm tìm ra những biện pháp thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong lãnh đạo chính trị và đặc biệt trong các cơ quan lập pháp các nước thành viên AIPO.

            Tại Đại hội đồng AIPO 26 năm 2005, trên cơ sở kiến nghị của Đoàn Việt Nam tại Hội nghị Nữ nghị sĩ WAIPO, các đại biểu đã nhất trí tổ chức Hội nghị triển khai dự án nghiên cứu hợp tác pháp lý trong phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em. Tháng 7.2006, Việt Nam đăng cai tổ chức thành công hội nghị này tại TP Hồ Chí Minh và Báo cáo của hội nghị đã được trình Đại hội đồng AIPO 27.

            Thực hiện Nghị quyết về tăng cường năng lực nghị sĩ trong quá trình xây dựng pháp luật của Đại hội đồng AIPA 29 tại Singapore theo sáng kiến của Việt Nam, Quốc hội nước ta đã tổ chức thành công Hội nghị AIPA về “Vai trò của nữ nghị sĩ trong quá trình xây dựng pháp luật” cuối năm 2009. Hội nghị đã đạt được sự đồng thuận rất cao của các đại biểu về sự cần thiết phải lồng ghép giới trong quá trình xây dựng pháp luật và hoạch định chính sách...

            - Các sáng kiến của Việt Nam đều nhận được sự đồng thuận cao của nghị viện các nước thành viên. Có thể lý giải sự “có duyên” và thuyết phục này như thế nào, thưa bà?

            - Thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ là vấn đề hết sức quan trọng đối với các nước ASEAN. Khu vực ASEAN rất đa dạng về văn hóa, xã hội, ngôn ngữ, thể chế, pháp lý, tôn giáo... Trong đó, một vấn đề luôn tìm được tiếng nói chung trong AIPA, theo tôi chính là sự đồng cảm và thấu hiểu về vấn đề bình đẳng giới. Các sáng kiến của Việt Nam luôn đề cập đến những vấn đề cốt lõi, cần ưu tiên hành động tại mỗi nước và trong khuôn khổ AIPA để cùng thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ nên nhận được sự đồng thuận cao của các nghị viện thành viên.

Sự thuyết phục còn thể hiện ở việc chúng ta luôn nỗ lực biến những khuyến nghị, đề xuất và nghị quyết của WAIPA thành hiện thực. Ví dụ như việc lồng ghép giới trong quy trình xây dựng pháp luật và hoạch định chính sách đã được luật hóa và bắt buộc thực hiện ở nước ta nhiều năm nay. Chúng ta cũng đã đạt được những kết quả rất tích cực cả trong xây dựng chính sách, pháp luật và trong thực tế về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ ở tất cả các lĩnh vực chính trị, lao động, việc làm, y tế, giáo dục...

Chúng ta cũng đã thành lập Nhóm Nữ đại biểu Quốc hội từ năm 2008, tạo diễn đàn để các nữ đại biểu Quốc hội trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng hoạt động và chia sẻ quan điểm về các vấn đề cùng quan tâm; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động với Nhóm Nữ nghị sĩ các nước. Thực tế hoạt động cho thấy, các nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam đã ngày càng phát huy vai trò tích cực, tăng cường tiếng nói và hiệu quả hoạt động trong Quốc hội, cũng như trong các hoạt động quốc tế, tại các diễn đàn nghị viện đa phương.

- Xin trân trọng cảm ơn bà!

Quỳnh Chi thực hiện