Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường:

Thúc đẩy nhanh nhất tiến trình phục hồi và phát triển bền vững

- Chủ Nhật, 05/12/2021, 05:10 - Chia sẻ
Trao đổi với PV Báo Đại biểu Nhân dân trước thềm Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 “Phục hồi và phát triển bền vững” sẽ chính thức khai mạc sáng nay, 5.12, ỦY VIÊN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, TỔNG THƯ KÝ QUỐC HỘI, CHỦ NHIỆM VĂN PHÒNG QUỐC HỘI BÙI VĂN CƯỜNG cho biết, ngay từ kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ Khóa XV, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, xây dựng và thực thi Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Qua Diễn đàn lần này, Lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội mong muốn các chuyên gia, nhà nghiên cứu, đại diện các tổ chức trong nước và quốc tế tiếp tục đóng góp ý kiến chuyên môn, độc lập, khách quan, tư vấn, hiến kế cho Quốc hội xem xét, quyết định các chính sách hiệu quả nhất, khả thi nhất nhằm thúc đẩy nhanh nhất tiến trình phục hồi và phát triển bền vững đất nước.

Mở rộng cả về nội dung và quy mô
- Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021 với chủ đề “Phục hồi và phát triển bền vững” được tổ chức theo chủ trương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ở thời điểm này có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

 

- Chủ trương tổ chức Diễn đàn Kinh tế được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ giao cho Ủy ban Kinh tế nghiên cứu đề xuất từ giữa năm 2021. Được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, đầu tháng 11, Ủy ban Kinh tế đã chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tích cực chuẩn bị cho việc tổ chức Diễn đàn. Trên cơ sở kết luận chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại cuộc họp ngày 25.11.2021, Ủy ban Kinh tế chủ trì, phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam hoàn thiện các bước cuối để đồng tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 “Phục hồi và phát triển bền vững”.

Diễn đàn mở rộng cả về nội dung, quy mô, không chỉ về các vấn đề kinh tế, mà còn đề cập sâu sắc về các vấn đề xã hội, môi trường với sự tham dự của hơn 500 đại biểu đại diện cho các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các địa phương, đại diện giới doanh nghiệp và đặc biệt là các học giả, chuyên gia, nhà nghiên cứu trong các lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân sách, xã hội… ở cả trong và ngoài nước với gần 60 điểm cầu trong nước và các điểm cầu quốc tế tại Pháp, Mỹ. 

Việc tổ chức Diễn đàn trong thời điểm hiện nay có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm góp phần làm rõ thêm các căn cứ khoa học và thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế để Quốc hội xem xét quyết định gói chính sách, giải pháp về tài khóa, tiền tệ trên cơ sở đề xuất bước đầu của Chính phủ, nhằm cụ thể hóa chủ trương, kết luận của Hội nghị Trung ương lần thứ Tư, Khóa XIII và Nghị quyết Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV về chiến lược tổng thể phòng, chống dịch bệnh Covid-19, phục hồi kinh tế, thích ứng an toàn với mọi diễn biến của dịch bệnh. 

Theo yêu cầu của Trung ương, chúng ta phải thiết kế gói giải pháp chính sách tài khóa, tiền tệ bảo đảm các nguyên tắc “liều lượng hợp lý, thời điểm phù hợp, bảo đảm an toàn kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát”. Nhưng để tính toán được một gói chính sách như vậy trong điều kiện hiện nay khi tiềm lực, quy mô kinh tế của chúng ta còn nhỏ, trong khi dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nội lực, sức chống chịu của cả doanh nghiệp và người dân đều đã bị bào mòn sau 2 năm chống chọi với đại dịch, rồi trọng tâm chính sách, tài khóa tiền tệ vào lĩnh vực nào để thúc đẩy phát triển nhanh nhất, hiệu quả nhất cả về kinh tế và xã hội là không đơn giản. Chính vì thế, ngay sau Hội nghị Trung ương lần thứ Tư, Khóa XIII, Lãnh đạo Quốc hội đã chủ động chỉ đạo làm việc với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, giới chuyên gia để bàn thảo về vấn đề này. Quốc hội cũng sẵn sàng tổ chức thêm một kỳ họp bất thường trong thời gian còn lại của năm nay để xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng, trong đó có quyết định gói chính sách tài khóa, tiền tệ nếu Chính phủ chuẩn bị bảo đảm yêu cầu.

Vì thế, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần này cũng nằm trong chuỗi hoạt động để Lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tiếp tục lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, các nhà quản lý, đại diện giới doanh nghiệp, bạn bè quốc tế, hình thành các luận cứ khoa học, thực tiễn có chất lượng, là đầu vào quan trọng để các cơ quan của Quốc hội tham vấn trong quá trình xem xét, quyết định các chính sách hỗ trợ nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, thúc đẩy sự phát triển, sớm trở lại trạng thái bình thường mới, không bị “lỡ nhịp” xu thế phục hồi, phát triển của thế giới, đồng thời có các chính sách bảo đảm tốt hơn an sinh xã hội, việc làm, lao động cho người dân trong bối cảnh dịch bệnh sẽ vẫn còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới.

- Không phải đến thời điểm này mà có thể thấy rằng ngay khi bắt đầu nhiệm kỳ Khóa XV, Quốc hội đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với các chính sách nhằm phục hồi và phát triển bền vững đất nước trong và sau đại dịch, thưa ông?

- Đúng vậy, bắt đầu nhiệm kỳ mới trong khi làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư bùng phát và gây ra những tác động nặng nề không chỉ về kinh tế mà còn về xã hội, không chỉ trong ngắn hạn mà còn cả về trung hạn, dài hạn nên ngay tại Kỳ họp thứ Nhất, tại Nghị quyết số 16/2021/QH15 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, xây dựng và thực thi Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế khả thi và hiệu quả. Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 30/2021/QH15, chủ động cho phép Chính phủ được “xé rào” áp dụng các biện pháp đặc biệt, đặc thù, đặc cách khác với quy định của luật hiện hành hoặc chưa được pháp luật hiện hành quy định nhằm đáp ứng nhanh nhất, hiệu quả nhất yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế - xã hội. Từ nghị quyết chưa có tiền lệ này đã “mở đường” cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ ban hành rất nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt nhằm hỗ trợ nền kinh tế, người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn của đại dịch, từng bước phục hồi, phát triển trong điều kiện bình thường mới.

Trước thềm Kỳ họp thứ Hai, ngày 27.9.2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc Tọa đàm tham vấn chuyên gia kinh tế đầu tiên của nhiệm kỳ Khóa XV, lắng nghe ý kiến chuyên sâu, độc lập của các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế để có thêm nguồn thông tin khoa học và thực tiễn phục vụ Quốc hội nghiên cứu, tìm lời giải tốt nhất cho bài toán vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vừa phục hồi kinh tế - xã hội trong và sau đại dịch.

Mới đây nhất, tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và Nghị quyết về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025. Cả hai nghị quyết này đều tiếp tục nhấn rất mạnh đến việc phải nhanh chóng ban hành và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Trong đó, Nghị quyết số 32/2021/QH15 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 xác định rõ mục tiêu “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của Nhân dân cùng với tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả người dân và doanh nghiệp. Tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên cả nước, trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương và duy trì các động lực tăng trưởng trong dài hạn. Kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế”.

Toàn cảnh cuộc họp báo về chương trình Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và phát triển bền vững
Ảnh: Hồ Long

Phải đề xuất được những chính sách hiệu quả nhất, khả thi nhất

- Tại Kỳ họp thứ Hai vừa qua, các đại biểu Quốc hội nhất trí rất cao về việc cần thiết phải có những chính sách tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển. Tuy nhiên, quy mô, liều lượng, lĩnh vực hỗ trợ… vẫn còn ý kiến khác nhau. Đơn cử như đề xuất tăng trần nợ công, bội chi ngân sách, tăng quy mô gói hỗ trợ có hai luồng quan điểm rất rõ ràng: một bên thận trọng vì e ngại những tác động tiêu cực trong dài hạn; một bên cho rằng phải có những quyết sách táo bạo, đặc biệt trong bối cảnh đặc biệt. Ông mong đợi các vấn đề này sẽ được thảo luận như thế nào tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021?

- Đúng là tại Kỳ họp thứ Hai, tại các phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, chất vấn và trả lời chất vấn, các đại biểu Quốc hội dành sự quan tâm đặc biệt đối với việc tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển trong năm 2022 nói riêng và các năm tới như thế nào. Cả hai luồng quan điểm đều có cơ sở. Bởi chúng ta có bài học kinh nghiệm đắt giá khi thực hiện gói chính sách hỗ trợ nền kinh tế giai đoạn 2008 - 2009.

Vì thế, ngay trong Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ, trực tiếp là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2021 khẩn trương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành và triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, gắn với nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế, kế hoạch tài chính, kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025. Quốc hội cũng nêu rõ, Chương trình này phải có sự điều hành linh hoạt, hiệu quả, kết hợp giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và phối hợp với các chính sách vĩ mô khác, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, chú trọng cả về tổng cung và tổng cầu, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các khu vực thực sự cấp bách và cần thiết, có khả năng hấp thụ vốn, theo lộ trình phù hợp trong giai đoạn 2022 - 2023. Đồng thời, xây dựng các chương trình quản lý rủi ro, bảo đảm việc huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực được công khai, minh bạch, đúng mục đích, hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí, chống lợi ích nhóm, tiêu cực và tham nhũng.

Tôi cho rằng, về quan điểm, định hướng, yêu cầu của Quốc hội như vậy là rất rõ ràng, chính xác. Nhưng để cụ thể hóa thành quy mô, liều lượng, tập trung vào lĩnh vực nào, phân bổ vốn vào đâu, phương thức huy động nguồn lực, các giải pháp thực hiện... như thế nào thì phải tính toán hết sức thận trọng, xem xét ở nhiều góc độ khác nhau, có tính chuyên môn, chuyên sâu rất cao. Chủ tịch Quốc hội cũng luôn nhấn mạnh yêu cầu kể cả chính sách ngắn hạn cũng phải đặt trong tổng thể dài hạn, không đưa ra những chính sách có thể tác dụng ngay, hiệu quả tức thì nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ lớn trong trung hạn và dài hạn. Chính vì thế, qua Diễn đàn lần này, chúng tôi cũng mong muốn các chuyên gia, nhà nghiên cứu, đại diện các tổ chức trong nước và quốc tế đóng góp ý kiến chuyên môn, độc lập, khách quan tư vấn, hiến kế cho Quốc hội. Mục tiêu cao nhất của chúng ta là phải có được những chính sách hiệu quả nhất, khả thi nhất nhằm thúc đẩy nhanh nhất tiến trình phục hồi và phát triển bền vững đất nước trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 dự báo vẫn còn diễn biến phức tạp.

- Được biết Diễn đàn Kinh tế Việt Nam sẽ được tổ chức thường niên. Theo ông, điều này có ý nghĩa như thế nào đối với hoạt động của Quốc hội trong thời gian tới?

- Theo dự kiến ban đầu, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam về Phục hồi và phát triển bền vững sẽ được tổ chức vào đầu năm 2022. Tuy nhiên, trước yêu cầu của thực tiễn, Chủ tịch Quốc hội đã chỉ đạo tổ chức Diễn đàn sớm hơn, sau Kỳ họp thứ Hai khoảng 20 ngày để khẩn trương triển khai các yêu cầu của Quốc hội tại Kỳ họp và để tham vấn ý kiến trước khi Quốc hội xem xét, quyết định các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tại kỳ họp bất thường dự kiến sẽ được tổ chức cuối tháng 12 này. Việc tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam thường niên sẽ giúp Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tập hợp đông đảo và phát huy tối đa trí tuệ, tâm huyết của giới chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức đại diện cho người dân đóng góp cho hoạt động của Quốc hội, cung cấp thêm cơ sở khoa học và thực tiễn để Quốc hội quyết đáp đúng, trúng, hiệu quả, đáp ứng cao nhất yêu cầu thể chế hóa nghị quyết của Đảng nhằm thúc đẩy phát triển đất nước nhanh và bền vững.

- Xin cảm ơn ông!

Phạm Thúy thực hiện