Thúc đẩy mạng lưới liên kết đẩy lùi bạo lực giới

- Thứ Tư, 15/12/2021, 20:08 - Chia sẻ
Trong đại dịch Covid-19, bạo lực giới ở phụ nữ và trẻ em có dấu hiệu gia tăng, song có tới 90% người bị bạo lực giới chưa tìm đến dịch vụ hỗ trợ. Đã đến lúc cần thúc đẩy sự phối hợp, liên kết chặt chẽ của các tổ chức để tạo thành một mạng lưới vững chắc về hỗ trợ cho người bị bạo lực giới.

Bạo lực giới gia tăng

Tại Hội thảo "Hỗ trợ người bị bạo lực giới trong bối cảnh Covid-19 - Thách thức và các giải pháp" do Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và  vị thành niên (CSAGA) tổ chức ngày 15.12, Giám đốc CSAGA Nguyễn Vân Anh cho biết, trong thời gian giãn cách vừa qua, các chuyên gia tư vấn của CSAGA làm việc 24/24, đặc biệt các ca gọi tới nhờ ứng cứu về đêm tăng vọt. Đáng chú ý, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, nạn nhân bạo lực giới đã gặp muôn ngàn khó khăn.

Trung tâm CSAGA phát hiện những người yếu thế trong đại dịch là những phụ nữ sống trong các khu chung cư khép kín, phụ nữ nước ngoài sống tại Việt Nam. Bên cạnh đó là những người khuyết tật, những phụ nữ bị mất việc... 

Toàn cảnh hội thảo ngày 15.12
Toàn cảnh hội thảo ngày 15.12

Chia sẻ khảo sát nhanh đánh giá thực trạng bạo lực giới với phụ nữ, trẻ em và hỗ trợ cần thiết do tác động của Covid-19 của Quỹ Nhi đồng của Liên Hợp Quốc; Cơ quan Liên Hiệp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) phối hợp mới đây, bà Lê Lan Phương, đại diện UN Women cho biết: qua triển khai khảo sát đối với 780 người ( gồm 381 phụ nữ và 399 trẻ em) với một số địa bàn như Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh... cho thấy, tình hình bạo lực đối với phụ nữ trong bối cảnh Covid-19 gia tăng, cụ thể bạo lực đối với phụ nữ chiếm tới 37,8%, tỷ lệ bạo lực ở nông thôn cao hơn tỷ lệ bạo lực ở thành thị, Nhóm tuổi bị bạo lực nhiều nhất là 48 - 60 tuổi, những phụ nữ khó khăn về kinh tế bị bạo lực nhiều hơn, và những phụ nữ có điều kiện kinh tế bình thường; hoặc những phụ nữ có bạn tình hoặc chồng thất nghiệp bị bạo lực nhiều hơn so với nhóm phụ nữ có chồng có công việc, thu nhập ổn định...

Phân tích nguyên nhân của việc gia tăng bạo lực giới trong thời gian Covid-19, các chuyên gia bình cho rằng có nhiều yếu tố, song khó khăn về kinh tế, tài chính vẫn là nguyên nhân chủ yếu. Bên cạnh đó là do định kiến giới, lâu nay người phụ nữ vẫn được coi là người giữ lửa, giữ vai trò nội trợ, bếp núc trong gia đình, nên khi xã hội giãn cách, trong khi người phụ nữ phải lo toan quá nhiều phần việc thì không ít người đàn ông lại ngồi chơi, do phân công lao động không đồng đều đã dẫn đến nguy cơ bạo lực giới gia tăng...

Bảo đảm tính sẵn có của dịch vụ hỗ trợ

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) Khuất Thu Hồng cho biết, bình thường có tới 90% nạn nhân bị bạo lực không tìm kiếm các dịch vụ hỗ trợ. Khi dịch Covid-19 xảy ra thì tỷ lệ này có khi còn lớn hơn nhiều bởi gặp nhiều rào cản, không ít nạn nhân bị bạo lực vô cùng lúng túng, họ chấp nhận bị bạo lực bởi "sợ dịch". Ngoài ra, các dịch vụ hỗ trợ chưa làm các nạn nhân hài lòng, nhiều người, nhiều vùng cũng chưa tiếp cận được các thông tin về dịch vụ hỗ trợ...

Đồng tình với quan điểm trên, bà Nguyễn Thu Hà, Tổ chức Care Quốc tế tại Việt Nam cũng cho biết, thực tế người dân chưa biết đến rõ về dự hiện diện của các dịch vụ hỗ trợ. Và có sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ biết đến các dịch vụ hỗ trợ theo nhóm tuổi và thu nhập: phụ nữ trên 40 tuổi viết đến dịch vụ cao hơn các nhóm trẻ. Đáng chú ý, hầu hết người sử dụng dịch vụ không hài lòng về chất lượng và hiệu qua của dịch vụ tại cộng đòng. Cụ thể, chủ yếu là hòa giải, cảnh cáo, nhắc nhỏ không thỏa đáng; thái độ của người cung cấp dịch vụ, thờ ơ, đổ lỗi cho người bị bạo lực; thủ tục trình báo rườm rà, cứng nhắc.

Khắc phục tình trạng trên, bà Hà cho rằng, tại địa phương, cần linh hoạt đầu mối xử lý tiếp nhận, hỗ trợ các ca bị bạo lực; tại khu công nghiệp, nên có một đầu mối để nhận tin báo; tăng cường giới thiệu, quảng bá thông tin về các dịch vụ; nâng cao năng lực cho cán bộ cung cấp dịch vụ các cấp; củng cố cơ chế phối hợp liên ngành; đẩy mạnh truyền thông về quyền tiếp cận dịch vụ thiết yếu của người bị bạo lực giới, phá bỏ định kiến giới về việc mặc định phụ nữ là người giữ vai trò nội trợ.

Hiện các dịch vụ hỗ trợ như hỗ trợ pháp lý, tâm lý cho người bị bạo lực giới đã có từ cấp Trung ương tới cấp phường, xã, song thực tế ngành nào biết dịch vụ của ngành đó, các ngành rất ít liên kết, kết nối. Điều này gây không ít thiệt thòi và hạn chế cho người bị bạo lực giới trong quá trình tiếp cận dịch vụ. 

Bảo Hân