Thúc đẩy hành động vì lợi ích chung

- Thứ Tư, 25/11/2020, 09:18 - Chia sẻ
Cho đến nay, các phiên chất vấn và trả lời chất vấn được truyền hình, phát thanh trực tiếp đã trở thành một trong những phiên họp được cử tri mong chờ nhất mỗi kỳ họp của Quốc hội; bởi đã thực sự phát huy vai trò giám sát của Quốc hội, thúc đẩy hoạt động của các cơ quan Nhà nước, người đứng đầu các cơ quan phải hành động thực chất vì lợi ích chung của Nhân dân, của đất nước.

Càng làm nhiều càng cần có người giám sát

Từ nhiệm kỳ Quốc hội Khóa VIII, Khóa IX, vấn đề truyền hình trực tiếp các phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc hội đã được đặt ra, nhưng ban đầu khó tránh khỏi tâm lý e ngại và bỡ ngỡ.

Những phiên chất vấn đầu tiên được truyền hình trực tiếp, nhiều đại biểu Quốc hội cũng chưa thật tự tin, còn e ngại chất vấn các bộ trưởng, trưởng ngành khi ống kính máy quay đang chiếu thẳng vào mình và phát trực tiếp cho cử tri theo dõi. Nhưng trong Quốc hội đã có những đại biểu đi tiên phong như đại biểu Nguyễn Quốc Thước, Nguyễn Ngọc Trân, Nguyễn Lân Dũng… trong chất vấn các bộ trưởng, trưởng ngành.

Thời kỳ đầu cũng là hỏi đâu trả lời đấy, hỏi ai người ấy trả lời. Những kỳ họp đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa X, Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh có chủ trương mở đường dây nóng trong những ngày tổ chức chất vấn, giao Vụ Công tác đại biểu bố trí cán bộ nghe trực tiếp ý kiến của Nhân dân phản ánh qua đường dây nóng, tập hợp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cứ 90 phút một lần để kết hợp với câu hỏi chất vấn trực tiếp, yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành trả lời nội dung mà cử tri và Nhân dân đặt ra.  

Đến Quốc hội Khóa XI và các khóa sau, khi số lượng các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ngày càng đông hơn, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp tại kỳ họp cũng trở nên sôi động hơn. Các đại biểu hoạt động chuyên trách có điều kiện nghiên cứu vấn đề kỹ hơn, chủ động chất vấn và theo dõi sát việc triển khai chương trình công tác, chấp hành pháp luật ở các bộ, ngành. Các phiên chất vấn và trả lời chất vấn được truyền hình, phát thanh trực tiếp đến cử tri và Nhân dân cả nước đã có tác động mạnh mẽ và kịp thời hơn tới đời sống xã hội.

Cũng qua các phiên chất vấn được truyền hình trực tiếp, đa số đại biểu Quốc hội từ chỗ còn e ngại đã ngày càng thể hiện đậm nét tinh thần trách nhiệm của mình trước cử tri và Nhân dân, tìm hiểu sâu, kỹ lưỡng các vấn đề để đặt các câu hỏi chất vấn đúng việc, đúng người chịu trách nhiệm. Có những đại biểu chất vấn mạnh mẽ, gay gắt làm cho không khí nghị trường có phần căng thẳng. Những trường hợp như vậy, Chủ tọa điều hành đã kịp thời lưu ý hoặc khéo léo tạo sự hài hòa.

Có lần một tờ báo đã bình luận Quốc hội chất vấn mạnh quá, làm khó Chính phủ. Chủ tịch Quốc hội Khóa XI Nguyễn Văn An đã chấn chỉnh ngay, đại ý là: Quốc hội và Chính phủ hoạt động cùng mục đích, cùng trách nhiệm trước Nhân dân; Chính phủ là cơ quan hành pháp, triển khai chủ trương của Nhà nước, chấp hành pháp luật; càng làm nhiều, làm mạnh càng cần có người giám sát, chấn chỉnh kịp thời những sơ suất dễ dẫn đến sai phạm mất cán bộ, mất tiền của của Nhân dân. Chất vấn của đại biểu Quốc hội là giúp Chính phủ làm đúng, là hỗ trợ Chính phủ. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An khi đó còn hóm hỉnh kể lại chuyện khi ông là thợ điện, trèo lên cột sửa chữa luôn có đồng nghiệp đứng dưới quan sát kịp nhắc: An ơi, chú ý không chạm vào dây lửa, nguy hiểm. Chuyện nhỏ, chuyện riêng nhưng thật chí lý, thật sâu sắc với việc thực thi pháp luật và quản trị đất nước.

Chuyển động thực sự “hậu chất vấn”

Quốc hội không ngừng cải tiến, đổi mới phương thức hoạt động. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn cũng vậy. Khóa XII rồi Khóa XIII, Khóa XIV, những cải tiến, đổi mới trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả và phát huy mạnh mẽ hiệu ứng lan tỏa từ việc truyền hình, phát thanh trực tiếp.

Thông thường, mỗi kỳ họp, Quốc hội tập trung chất vấn 4 - 5 bộ trưởng, trưởng ngành. Với mỗi bộ, ngành, Quốc hội cũng chọn ra một số nhóm vấn đề nổi cộm và được cử tri, Nhân dân quan tâm nhất. Các “tư lệnh” ngành khác sẽ được Chủ tọa mời phối hợp trả lời làm rõ thêm những nội dung liên quan. Thủ tướng, Phó Thủ tướng cũng trả lời chất vấn và kết hợp báo cáo làm rõ thêm nhiều nội dung mà đại biểu Quốc hội đặt ra. Từ Khóa XIII, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đã được tổ chức ở một số phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cũng được truyền hình, phát thanh trực tiếp, được cử tri và Nhân dân đồng tình, đánh giá cao.

Sau phiên chất vấn, Quốc hội đều đã có nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có kết luận làm cơ sở cho đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tiếp tục theo dõi, giám sát, các cơ quan, tổ chức, đơn vị và địa phương tổ chức thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và chức năng, nhiệm vụ của bộ, ngành. Điều này đã tạo ra sự chuyển động thực sự “hậu chất vấn”. Như phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Mười vừa qua, Quốc hội đã chất vấn các thành viên Chính phủ, các trưởng ngành về việc thực hiện các Nghị quyết về giám sát, chất vấn và trả lời chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Khóa XIV đến nay và cả một số Nghị quyết của Quốc hội Khóa XIII.

Một điểm thú vị và ấn tượng tại các phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Khóa XIV là tranh luận giữa các đại biểu Quốc hội với các bộ trưởng, trưởng ngành. Dù ở Trung ương hay địa phương, dù hoạt động chuyên trách hay kiêm nhiệm, các đại biểu Quốc hội đều đã nêu cao trách nhiệm, mạnh dạn và bản lĩnh trong việc chất vấn, tranh luận những vấn đề rất nóng, rất bức xúc với tinh thần cầu thị và xây dựng. Điều này không chỉ làm cho phiên chất vấn trở nên sôi động hơn mà sự tranh luận, cọ xát như vậy khiến cho các vấn đề được soi chiếu ở nhiều góc độ hơn, từ đó làm rõ được cả trách nhiệm và giải pháp.

Vì thế, cũng có thể nói rằng, các phiên chất vấn và trả lời chất vấn chính là biểu hiện sinh động nhất cho thấy hoạt động của Quốc hội Việt Nam rất dân chủ và ngày càng hiệu quả

Nguyễn Nhân Tỏ