Thúc đẩy chuyển đổi số từ chính sách

- Thứ Ba, 14/12/2021, 05:21 - Chia sẻ

Tại “Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam”, được tổ chức chiều ngày 11.12 vừa qua có nhiều ý kiến rất tâm huyết với mong muốn góp tiếng nói cùng với Nhà nước tìm ra chính sách cụ thể, rõ ràng, hỗ trợ thiết thực cho công cuộc “chuyển đổi số” vận hành nhanh hơn, mạnh mẽ hơn. Đây được coi là xu hướng tất yếu để các doanh nghiệp nước ta nâng cao hiệu quả sản xuất và năng lực cạnh tranh, để có thể tham gia tích cực vào chuỗi giá trị toàn cầu, thúc đẩy nền kinh tế tăng tốc và phát triển bền vững.

Trong số hơn 3.000 doanh nghiệp tiếp cận Chương trình “chuyển đổi số”, chúng ta nhận thấy, có khoảng hơn 500 doanh nghiệp quy mô nhỏ, vừa và lớn có nhu cầu thực tiễn cao để áp dụng Chương trình thành hiện thực cuộc sống. Như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh tại diễn đàn: “Chuyển đổi số” là một cuộc cách mạng về chính sách và thể chế, hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ”. Theo Thủ tướng, các doanh nghiệp nhỏ sẽ có khả năng thay đổi linh hoạt nhanh hơn, thích ứng cao hơn, phù hợp cụ thể cá nhân hóa, địa phương hóa các sản phẩm đang diễn ra trong bối cảnh hiện nay. Bên cạnh đó, nước ta cũng có những doanh nghiệp công nghệ số lớn có đủ tiềm năng, khát vọng và nội lực để sẵn sàng cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, trong năm 2021, dù gặp đại dịch, nhưng số lượng doanh nghiệp và doanh thu của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam vẫn tăng trưởng gần 70%, đạt hơn 135 tỷ USD. Cộng đồng hơn 64.000 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cũng có nhiều hơn các sản phẩm số tiêu biểu; thứ hạng Việt Nam về công nghệ số đã tăng lên. Theo các chuyên gia kinh tế thế giới, từ nay đến năm 2030, Việt Nam có sự phát triển nhanh nhất khu vực, nền kinh tế sẽ mở rộng gấp 11 lần so với hiện nay. Sự tăng trưởng này diễn ra đồng đều ở tất cả các ngành, như thương mại điện tử, logitics thông minh, du lịch. Đặc biệt từ 2020 - 2021, thương mại điện tử đã tăng trưởng khoảng 30%.

Những con số nêu trên cho thấy, tác động tích cực của “chuyển đổi số” là rõ ràng. nhưng làm thế nào để tiềm năng đó nhanh chóng thành hiện thực? Tại diễn đàn, nhiều doanh nghiệp, nhiều nhà khoa học, quản lý… đều đề cập thực trạng hiện nay là các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về chi phí, thiếu cơ sở hạ tầng và nhân lực công nghệ thông tin, trong khi sự đầu tư của Nhà nước còn có hạn. Từ thực tế đó, một số doanh nghiệp kiến nghị cần có chính sách rõ ràng hơn với các lĩnh vực công nghệ mới, hình thành các tổ chức có vai trò hỗ trợ, phát triển, đào tạo kiến thức công nghệ cho các chương trình đào tạo nhân lực cũng như tuyên truyền về tài sản số… Bên cạnh đó, nhiều ý kiến nhấn mạnh, để “chuyển đổi số” thành công thì điều quan trọng nhất vẫn là vấn đề con người. 

Được biết, Bộ Thông tin và Truyền thông trong nhiều năm qua đã tập trung công sức và trí tuệ nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ nhiều cơ chế, chính sách để thực hiện “chuyển đổi số”. Hy vọng, sau diễn đàn này, chắt lọc nhiều đề xuất, kiến nghị từ các đại biểu, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ trình Chính phủ bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp thực tiễn hơn. Việc đặt niềm tin vào sản phẩm make in Việt Nam, vào các doanh nghiệp công nghệ số sẽ khích lệ tinh thần, động lực cho doanh nghiệp sáng tạo, phát triển các nền tảng số quốc gia thống nhất, đồng bộ, tạo ra quy mô người dùng đủ lớn, nâng cao sức cạnh tranh với các nền tảng số nước ngoài…

Từ “mệnh lệnh cuộc sống” nảy ra ý tưởng lớn; từ ý tưởng lớn hình thành tiền đề các chính sách cụ thể. Cuộc sống luôn vận động nảy sinh nhiều vấn đề mới nên không thể chờ đợi một chủ trương, chính sách ra đời sau hàng năm. Chúng ta cần có nhiều “cú hích” để “con tàu kinh tế” nước ta chạy nhanh hơn. Vì vậy, điều quan trọng hàng đầu trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội là cần sớm có những chính sách đúng và trúng, mang tính khoa học và đột phá.

PGS.TS. Nguyễn Hồng Vinh