Thực chất và hiệu quả

- Thứ Sáu, 19/03/2021, 06:13 - Chia sẻ
Qua 3 năm, chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (APCI) cho thấy một phương thức dẫn đến thành công về cải cách của một số nhóm như thuế, giao dịch thương mại qua biên giới, đầu tư, khởi sự doanh nghiệp, môi trường… là chuyển phương thức quản lý nhà nước từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”. Đó là khẳng định được đưa ra tại buổi họp báo công bố báo cáo chỉ số APCI 2020 do Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng vừa tổ chức.

Khác với những chỉ số đánh giá hoạt động cải cách khác, APCI được thiết kế với kỳ vọng đo lường gánh nặng chi phí thực tế về tuân thủ thủ tục hành chính và tính sáng tạo, tính chủ động và trách nhiệm giải trình của các cơ quan trong bộ máy hành chính từ Trung ương đến địa phương. Thông tin từ khảo sát APCI xuất phát từ những “trải nghiệm thực tế” của các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính để phục vụ hoạt động đầu tư kinh doanh. Kết quả của APCI 2020 có sự cải thiện đáng kể so với kết quả APCI 2018, 2019, không chỉ phản ánh nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan Nhà nước từ Trung ương đến địa phương nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, mà còn cho thấy việc chuyển từ phương thức quản lý nhà nước từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” đã góp phần làm nên thành công trong cải cách thủ tục hành chính.

Lấy Nghị định 15 thay thế Nghị định 38 về quản lý an toàn thực phẩm làm thí dụ. Việc thay đổi tư duy quản lý để doanh nghiệp tự công bố và chịu trách nhiệm về chất lượng trong Nghị định này đã giúp tiết kiệm 3.700 tỷ đồng/năm. Hay việc áp dụng Thông tư số 07/2017/TT-BKHCN về kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu thuộc trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ cũng giúp doanh nghiệp giảm thời gian và chi phí. Giai đoạn 2017 - 2020, chi phí đối với gần 280.000 lô hàng nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ chuyển sang cơ chế hậu kiểm đã giảm khoảng 3.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp (bao gồm chi phí lưu kho, bãi; chi phí cho người đi làm thủ tục nhập khẩu). Riêng năm 2020, chi phí đối với hàng hóa nhập khẩu cho hơn 84.000 lô hàng thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ chuyển sang cơ chế hậu kiểm đã giảm hơn 832 tỷ đồng cho doanh nghiệp.

Không thể phủ nhận những nỗ lực của cơ quan quản lý khi chuyển đổi phương thức từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, vậy nhưng, có một thực tế được các chuyên gia chỉ ra là việc chuyển đổi này chưa hoàn toàn tương xứng với mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp cũng như kỳ vọng từ Chính phủ vì còn nhiều hoạt động hậu kiểm vẫn đơn giản là điều chuyển các điều kiện, yêu cầu chứng minh đối với doanh nghiệp từ giai đoạn trước “cấp phép” sang sau “cấp phép”, vì thế không giúp được gì cho mục tiêu cắt giảm chi phí của doanh nghiệp... Liên quan đến hậu kiểm trong kiểm tra chuyên ngành, các doanh nghiệp đều mong muốn đơn giản hóa thủ tục hành chính, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm nhưng nếu các thủ tục trong hậu kiểm không đoán định được thì lại tạo rủi ro khác cho doanh nghiệp, gia tăng chi phí tiêu cực. Đó là một trong những khuyến nghị được nêu trong báo cáo APCI năm 2020.

Rõ ràng, để thực hiện triệt để tư duy quản lý chuyển hẳn từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm" của Chính phủ, cần nhiều việc phải làm hơn nữa và chính các cơ quan quản lý phải hiểu rõ ràng về nội dung này. Nói như các chuyên gia, điều kiện kinh doanh thông thường chính là tiền kiểm, nghĩa là Nhà nước cấp giấy phép, cấp chứng nhận cho phép doanh nghiệp hoạt động. Khi đó, gánh nặng tuân thủ quản lý và thực thi luật pháp phần lớn đè nặng lên doanh nghiệp. Còn với phương thức quản lý bằng các quy chuẩn, tiêu chuẩn hậu kiểm, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ luôn phải đồng hành, hướng dẫn, giám sát việc doanh nghiệp tuân theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn đã ban hành. Nếu quản lý theo tư duy hậu kiểm, thì ngay cả thủ tục hỏi ý kiến các sở, ngành cũng không cần thiết; bộ các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy hoạch phải được xây dựng minh bạch, đầy đủ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng không ít lần khẳng định, hậu kiểm làm không tốt thì doanh nghiệp còn lo hơn, khổ hơn. Hậu kiểm phải minh bạch, rõ ràng, không phát sinh thủ tục, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp chứ không phải để bắt lỗi doanh nghiệp, như thế mới là cắt giảm chi phí không chính thức, tạo ra cân bằng giữa lợi ích, tiếp tục cải thiện công tác quản lý dịch vụ công, duy trì năng lực cạnh tranh. Minh chứng rõ nét cho khẳng định đó là khi Cục Thuế tỉnh Bình Định chủ trương không kiểm tra mà chủ động hướng dẫn, cảnh báo cho doanh nghiệp, không hề khiến số thuế thu bị giảm, mà ngược lại thu thuế tăng 32,6%, dù cho phạt hành chính đã giảm hơn 20%.

Đỗ Quyên