Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị của Chính phủ về xây dựng và thi hành pháp luật

- Thứ Ba, 24/11/2020, 17:11 - Chia sẻ
Ngày 24.11, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến về công tác xây dựng, hoàn thiện và thi hành pháp luật.

Cùng dự có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia…

 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị

Đề xuất xây dựng luật về tổ chức thi hành pháp luật

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, trong giai đoạn 2016 – 2020, Chính phủ đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 71 luật, 2 pháp lệnh, 39 nghị quyết. Chính phủ đã ban hành 745 nghị định, tăng 24 nghị định so với giai đoạn 2011 – 20215. Thủ tướng ban hành 232 quyết định. Các bộ, cơ quan ngang bộ ban hành 2.422 thông tư, 110 thông tư liên tịch. Các địa phương ban hành tổng số 92.799 văn bản. Các văn bản pháp luật do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng ban hành trong giai đoạn vừa qua không chỉ giảm về số lượng so với giai đoạn trước mà còn được nâng cao về chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước. Các văn bản pháp luật của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ cũng tăng so với giai đoạn trước cho thấy trách nhiệm, vai trò của các tư lệnh ngành được đề cao. Văn bản của chính quyền địa phương giảm, đặc biệt cấp huyện, xã giảm rõ rệt, các cấp này tập trung vào việc triển khai tổ chức thi hành pháp luật. Bộ Tư pháp khẳng định, mặc dù khó lượng hóa nhưng việc hoàn thiện hệ thống pháp luật trong giai đoạn này đã trực tiếp hoặc gián tiếp góp phần phát triển đất nước.

Cũng theo báo cáo của Bộ Tư pháp, công tác thi hành pháp luật đã được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm thực hiện và đạt kết quả bước đầu. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có nhiều đổi mới, tiến bộ hơn và bước đầu áp dụng khoa học, công nghệ. Vai trò của pháp luật, ý thức thượng tôn pháp luật trong tổ chức, hoạt động của Nhà nước, trong quản lý xã hội ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cũng đánh giá hệ thống pháp luật chưa thực sự đồng bộ, tính thống nhất chưa cao, còn cồng kềnh với nhiều hình thức văn bản, do nhiều cơ quan có thẩm quyền ban hành, một số nội dung còn có sự mâu thuẫn. Bên cạnh đó, tính dự báo, khả thi của hệ thống pháp luật chưa thực sự đáp ứng yêu cầu thực tiễn, chi phí tuân thủ pháp luật nhìn chung còn cao. Tình trạng nợ văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh chưa được khắc phục triệt để. Theo Bộ Tư pháp, những tồn tại, hạn chế này có nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.

Trong giai đoạn 2021 – 2030, Bộ Tư pháp đề nghị, cần tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật, bảo đảm xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận với chi phí tuân thủ thấp, có sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế, lấy quyền và lợi ích hợp pháp của người dân là trung tâm. Trên tinh thần này, Bộ Tư pháp kiến nghị cần thực hiện nghiêm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; ứng dụng tối đa các thành tựu của khoa học, kỹ thuật nhằm đổi mới phương pháp, bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả xây dựng pháp luật; củng cố, kiện toàn đơn vị pháp chế tại các bộ, địa phương; đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; nghiên cứu từng bước chuyển dần cách thức phổ biến, giáo dục pháp luật từ mô hình Nhà nước chịu trách nhiệm chính sang mô hình người dân tự tìm hiểu pháp luật là chính. Bộ Tư pháp cũng đề nghị cần xây dựng Luật Tổ chức thi hành pháp luật để thực hiện thống nhất công tác này. 

 

Toàn cảnh hội nghị

"Bệ đỡ" cho phát triển bền vững

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, một quốc gia thành công hay không thì khâu đột phá đầu tiên là thể chế, pháp luật. Hiện nay, các cơ quan chức năng thường hay lo các vấn đề mang tính sự vụ, dự án này, dự án kia mà chưa quan tâm nhiều đến công tác xây dựng thể chế. Do vậy, phải sửa lại thói quen làm việc, quan tâm nhiều hơn nữa đến xây dựng chính sách, pháp luật. 

Thủ tướng nhất trí với nhận định hệ thống pháp luật nước ta hiện nay đã cơ bản đầy đủ trên các lĩnh vực, bảo đảm tính thống nhất, minh bạch, khả thi; thể chế hóa được các chủ trương của Đảng về cải cách pháp luật, cải cách tư pháp; bảo đảm sự đồng bộ giữa thể chế kinh tế và thể chế chính trị; sự vận hành thông suốt của bộ máy nhà nước theo nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa; đặt trọng tâm vào việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong tổ chức thi hành. Thủ tướng khẳng định, xây dựng pháp luật là bệ đỡ cho đất nước phát triển bền vững.

Về các nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai trong thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, Bộ Tư pháp, ngành tư pháp cần tiếp tục phát huy vai trò “nhạc trưởng”, cơ quan “gác cửa” trong việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật của Chính phủ và chính quyền địa phương. Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình và hiện đại hóa kỹ thuật xây dựng pháp luật. Trong đó, cần quy định rõ trách nhiệm, đặc biệt là sự phối hợp có trách nhiệm và hiệu quả giữa các cơ quan được giao chủ trì soạn thảo, lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động. Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu giúp Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội dự án Luật Tổ chức thi hành pháp luật nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc thực hiện các giải pháp có tính đột phá trong việc nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật trong xã hội.

Với các bộ, ngành, Thủ tướng yêu cầu phải kịp thời ban hành các văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh, kiên quyết chấm dứt tình trạng nợ đọng các văn bản này để sớm đưa pháp luật vào cuộc sống. Tại phiên họp thường kỳ hàng tháng của Chính phủ, các Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ phải báo cáo về công tác này, công khai những bộ, cơ quan có liên quan nợ đọng văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải là người trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng, thi hành pháp luật, bố trí nguồn lực thích đáng; tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương; phân công rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác này.

P.Thủy