Thu phương tiện cũ nát, căn cứ pháp lý nào?

- Thứ Sáu, 29/01/2021, 07:31 - Chia sẻ
Gần đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa đề nghị Hà Nội, TP Hồ Chí Minh thực hiện thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu, không bảo đảm tiêu chuẩn lưu hành gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, phản ánh từ các địa phương và ý kiến chuyên gia cho thấy, hiện chưa có căn cứ pháp lý để thực hiện thu hồi, loại bỏ phương tiện là mô tô, xe gắn máy, máy kéo...

Hiện, Thông tư 70/2015 ngày 9.11.2015 của Bộ Giao thông Vận tải quy định về kiểm định kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chỉ áp dụng được với ô tô, không áp dụng đối với xe mô tô, xe gắn máy, máy kéo và các loại xe tương tự; xe cơ giới của quân đội, công an sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh. Trong khi đó, quy định tiêu chuẩn khí thải theo Quyết định số 49/2011 về việc quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô, xe mô tô hai bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới thì chỉ áp dụng với xe sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới chứ không phải với xe chạy trên đường. Như vậy, hiện chưa có căn cứ pháp lý để xác định là xe máy không đủ tiêu chuẩn khí thải khi lưu thông.

Điều này tồn tại như một nghịch lý tại các thành phố lớn, nơi có số lượng xe máy lưu thông không đạt tiêu chuẩn về khí thải ra môi trường. Kết quả triển khai chương trình “Nghiên cứu thí điểm kiểm tra khí thải xe máy, hướng tới thí điểm kiểm soát khí thải xe máy đang lưu hành trên địa bàn thành phố” do Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh triển khai tại các quận 1, 3, Phú Nhuận và Tân Bình cho thấy, trong gần 6 tháng, gần 11.000 xe được kiểm tra miễn phí, nhiều xe sau 5 năm sử dụng không đạt chuẩn khí thải. Hiện TP Hồ Chí Minh có hơn 7,4 triệu xe máy (chiếm 93% tổng lượng xe tại thành phố), chưa kể xe vãng lai. Trong trường hợp thành phố không thực hiện kiểm soát khí thải xe máy, hàng năm lượng khí thải gia tăng thêm từ loại phương tiện này với khí CO (Cacbon monoxit) là 68.479 tấn/năm (tương ứng với mức gia tăng là 15,88%/năm) và khí HC (Hydrocarbon) là 4.475 tấn/năm (tương ứng với mức gia tăng là 12,85%/năm).

Từ thực tế này, TP Hồ Chí Minh đã đề nghị nhân rộng chương trình thí điểm. Theo đó, giai đoạn 2021 - 2022, thành phố cần xây dựng các khung chính sách, pháp lý liên quan, tổ chức tuyên truyền...; trong hai năm 2023 - 2024, thành phố sẽ kiểm tra khí thải toàn bộ xe máy để xây dựng cơ sở dữ liệu, đầu tư 88 trạm kiểm định. Phí kiểm định mỗi xe được đề xuất 50.000 đồng/năm, người nghèo được miễn phí. Tuy nhiên, mọi việc đành phải chờ hướng dẫn của bộ, ngành liên quan vì thiếu căn cứ pháp lý.

Trước kiến nghị của địa phương, cuối tháng 12.2020, Thủ tướng đã giao Bộ Giao thông Vận tải hướng dẫn cụ thể. Được biết, hiện Bộ này đang nghiên cứu, bổ sung quy định kiểm soát khí thải các loại xe vào Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi. Trong khi chờ các bộ, ngành liên quan hoàn thiện khung pháp lý, hay chăng tại các thành phố lớn nên triển khai các hoạt động tuyên truyền cho người dân về tác hại khí thải do sử dụng các phương tiện cũ nát gây ra; để có sự chuẩn bị trước, không dẫn đến trình trạng kiểm soát khí thải đột ngột, ảnh hưởng đến người dân, và hiệu quả chấp hành quy định không cao. Bởi, khảo sát cho thấy, có đến 70 - 80% người dân sinh sống dùng xe gắn máy để đi lại, mưu sinh. 

Phạm Hải