Nhiều điển hình khai thác phụ phẩm
Đồng Nai là một trong những cánh chim đầu đàn trong thu hút doanh nghiệp, HTX, nông dân tham gia triển khai kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông nghiệp với những mô hình sản xuất khép kín, các phế phẩm nông nghiệp trở thành nguyên liệu đầu vào của quy trình sản xuất khác, vừa tăng giá trị sản phẩm, vừa hạn chế tối đa lượng chất thải ra môi trường.
Từ năm 2019, Công ty TNHH Trang Trại Việt đã nghiên cứu, hoàn thiện quy trình thu gom, xử lý phân và xác hữu cơ từ các trang trại chăn nuôi gà để sản xuất phân bón hữu cơ với quy trình khép kín từ khâu chăn nuôi với mô hình trang trại nuôi gà không mùi hôi, không chất thải được làm khô, xử lý ngay trong trại nuôi. Khi đi vào hoạt động, nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ từ nguồn phân và chất thải trong lĩnh vực chăn nuôi này sẽ cho công suất đạt 200 tấn/ngày. Với tổng lượng phụ phẩm trang trại chăn nuôi gà trên địa bản tỉnh Đồng Nai gần 1,5 triệu tấn/năm cộng thêm những hiệu quả ban đầu đã đạt được, dự án đang được nghiên cứu, nâng cấp lên quy mô đạt 500 tấn/ngày.
Một mô hình khác sản xuất phân hữu cơ từ chất thải chăn nuôi gà trang trại của Công ty TNHH Một thành viên Trịnh Đăng Khôi (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) cũng thu hút được sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Với quy mô sản xuất khoảng 150.000 con gà đẻ trứng, đẩy ra môi trường khoảng 50 - 60 tấn phân gà mỗi ngày, doanh nghiệp này đã ủ lên men tự nhiên ở nhiệt độ 70 - 80oC, sử dụng hệ thống đảo phân và dây chuyền hiện đại cho ra sản phẩm phân hữu cơ chứa nhiều dưỡng chất hữu ích cho cây, giúp làm tăng độ phì nhiêu của đất, cải tạo đất, giảm mặn, giảm chua và giữ ẩm tốt. Giá bán phân hữu cơ cũng rất cạnh tranh, chỉ khoảng 3.000 đồng/kg, rẻ hơn so với các loại phân khác trên thị trường.
Với lĩnh vực trồng trọt, Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (huyện Định Quán) là doanh nghiệp tiên phong trong sản xuất nông nghiệp tuần hoàn. Sản phẩm nổi bật của đơn vị này là rượu vang ca cao được ủ từ thịt của trái ca cao trước đó vốn bị đổ bỏ trong quá trình sản xuất. Vỏ trái ca cao cũng được đưa vào xay nhỏ, ủ thành phân bón hữu cơ tái sử dụng cho các vườn cây ca cao.
Ngoài ra, nhiều HTX, nông dân trên địa bàn tỉnh cũng rất quan tâm làm nông nghiệp tuần hoàn. Cụ thể, HTX Thanh Bình (huyện Trảng Bom) là đơn vị tiên phong tham gia kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông nghiệp với mô hình xuất khẩu trái chuối tươi, sản phẩm chế biến từ chuối cho đến sản xuất bẹ chuối khô xuất khẩu. Trước đây, nông dân sau khi thu hoạch chuối phải tốn tiền thuê nhân công chặt bỏ cây chuối thì nay họ có thể trực tiếp bán cây chuối tươi hoặc bỏ công tách bẹ chuối, phơi khô bán cho HTX. Sản phẩm bẹ chuối khô của HTX là nguyên liệu làm được rất nhiều mặt hàng thủ công thân thiện với môi trường, xuất khẩu tốt vào các thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản…
Cần thêm cơ chế chính sách trong thu hút đầu tư
Số liệu của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy, tổng sản lượng phụ phẩm trong nông nghiệp của Việt Nam mỗi năm khoảng 156,8 triệu tấn, trong đó, chiếm nhiều nhất là trồng trọt (88,9 triệu tấn); chăn nuôi (61,4 triệu tấn); lâm nghiệp (5,5 triệu tấn); thủy sản (1 triệu tấn).
Riêng với nguồn rơm rạ sau thu hoạch lúa mỗi năm mới chỉ được khai thác hiệu quả 50%, phần còn lại đang bị đốt bỏ sau mỗi mùa vụ gây ô nhiễm môi trường. Mặc dù tiềm năng là rất lớn nhưng việc tận dụng các phế phụ phẩm trong nông nghiệp để phát triển kinh tế tuần hoàn còn hết sức khiêm tốn. Nguyên nhân việc chuyển từ tiềm năng thành giá trị kinh tế cho người nông dân còn nhiều khó khăn phần lớn nằm ở quy hoạch vùng nguyên liệu, vùng sản xuất tập trung chưa thống nhất, dẫn đến các mô hình sử dụng phụ phẩm hiện tại vẫn phân tán, nhỏ, tự phát chưa đồng bộ nên khó triển khai trên diện rộng.
Ngoài ra, phế phụ phẩm nông nghiệp từ trước tới nay chủ yếu được tận dụng, tái sử dụng theo phương thức canh tác truyền thống, chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Lĩnh vực đầu tư vào phế phụ phẩm nông nghiệp quy mô lớn vẫn còn khá mới tại Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng, do đó, chưa có khung pháp lý về tái chế phế phụ phẩm nông nghiệp và thực hiện nông nghiệp tuần hoàn dẫn đến việc thu hút đầu tư vào sử dụng nguyên liệu phế phụ phẩm nông nghiệp để phát triển kinh tế tuần hoàn còn nhiều rào cản.
Cụ thể: chưa kết nối được các mô hình sử dụng phụ phẩm với chuỗi giá trị nông sản; thiếu hệ thống tiêu chuẩn, công cụ đánh giá việc sử dụng phế phụ phẩm nông nghiệp; thiếu tài liệu hướng dẫn phân loại, xử lý và hiệu quả sử dụng của từng phụ phẩm; chưa có đơn vị, tổ chức chuyên trách theo sát thống kê dữ liệu, đánh giá về trữ lượng, chủng loại phụ phẩm nông nghiệp nên chưa đánh giá được hết về tiềm năng của phế phụ phẩm nông nghiệp và đặc biệt chưa có chính sách riêng để thu hút các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân tham gia đầu tư xử lý, sử dụng phế phụ phẩm.
Tiên phong trong mời gọi nhà đầu tư UBND huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai đã quy hoạch một khu thu gom và xử lý những chất thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp để tái sử dụng và tái chế thành nguyên liệu, nhiên liệu và các sản phẩm thân thiện môi trường. Khu thu gom và xử lý chất thải hữu cơ có diện tích khoảng 5ha này đã được giới thiệu đến nhiều doanh nghiệp nhưng hiện vẫn chưa có doanh nghiệp tham gia đầu tư.
Theo các chuyên gia, phế phụ phẩm trong nông nghiệp được coi là tài nguyên và việc xử lý, chế biến phế, phụ phẩm trong nông, lâm, thủy sản là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Đồng thời, việc thu hút đầu tư vào xử lý, chế biến phế phụ phẩm trong nông, lâm, thủy sản còn phù hợp với định hướng phát triển chung của nền kinh tế và toàn ngành. Do đó, các chuyên gia cho rằng cần ưu tiên thu hút đầu tư đối với dự án đáp ứng ít nhất 2 trong các tiêu chí: sử dụng phụ phẩm của các ngành phát thải lớn; ứng dụng công nghệ cao trong chế biến; tạo ra sản phẩm mới từ phụ phẩm; phụ phẩm sau chế biến là đầu vào cho sản xuất; giảm ô nhiễm môi trường ở các vùng sản xuất.
Nhiệm vụ đặt ra là thu hút tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư chế biến phế phụ phẩm trong nông nghiệp nhằm góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Trong đó, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về sử dụng phế phụ phẩm nông nghiệp nhằm phấn đấu tỷ lệ phế phụ phẩm của các ngành trồng trọt 90%, chăn nuôi 95%, lâm nghiệp 70%, thủy sản 100% khâu chế biến và 50% khâu sản xuất; thu hút được 30 dự án xử lý, chế biến phế phụ phẩm từ hoạt động sản xuất nông, lâm, thủy sản; thu hút và xây dựng được 15 mô hình kinh tế tuần hoàn của các ngành trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp.
Để đạt được mục tiêu trên, bên cạnh việc hoàn thiện cơ chế chính sách, cần hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, kỹ thuật sản phẩm chế biến từ phế, phụ phẩm. Đồng thời, xây dựng tài liệu hướng dẫn kỹ thuật theo ngành hàng; rà soát, hoàn thiện chính sách bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu, chính sách; miễn giảm tiền thuê đất cho các dự án đầu tư chế biến phế phụ phẩm nông nghiệp...