Thủ tướng Nhật Bản thăm Mỹ

Thu hẹp khoảng cách nhận thức liên minh

- Thứ Năm, 15/04/2021, 08:24 - Chia sẻ
Khi Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide trở thành nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên được Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp đón ngày 16.4 tới, việc khôi phục lòng tin vào liên minh Mỹ - Nhật và hợp tác song phương sâu rộng sẽ là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự. Điều này bao gồm việc đối phó với Trung Quốc đang trỗi dậy, vấn đề vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, biến đổi khí hậu hay đại dịch Covid-19…

Đối phó Trung Quốc, chế ngự Triều Tiên

Sau những vết rạn do chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump gây ra, trọng tâm hợp tác của chính quyền Tổng thống Joe Biden đã được các đồng minh của Mỹ, bao gồm cả Nhật Bản, hoan nghênh. Tuy nhiên, trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục trỗi dậy và Mỹ khuyến khích các đồng minh nỗ lực chia sẻ gánh nặng lớn hơn, nguy cơ sẽ xuất hiện khoảng cách nhận thức nghiêm trọng giữa đất nước hoa anh đào và xứ sở cờ hoa.

Cuộc họp giữa các quan chức cấp cao Mỹ - Trung tại Alaska ngày 18.3 cho thấy, lưỡng đảng ở Mỹ đều muốn thực hiện chính sách cứng rắn đối với đất nước Gấu trúc. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã lên tiếng chỉ trích người đồng cấp Trung Quốc về nhân quyền ở Tân Cương và Hong Kong, sự cứng rắn của nước này đối với các vấn đề liên quan đến Đài Loan và Biển Đông, cũng như các cuộc tấn công mạng và hành động ép buộc kinh tế để thiết lập những thông tin này…

Trong khi Nhật Bản đặc biệt lo ngại về hành vi của Trung Quốc, những năm gần đây cách tiếp cận của xứ sở Phù Tang mang tính hợp tác hơn là đối đầu. Tháng 10.2018, khi cựu Thủ tướng Shinzo Abe đến thăm Bắc Kinh, Nhật Bản đã ký nhiều biên bản ghi nhớ với Trung Quốc về hơn 50 dự án cơ sở hạ tầng chung ở các nước thứ ba. Bản thân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng dự kiến có chuyến thăm cấp nhà nước tới Nhật Bản vào tháng 4.2020, nhưng đã bị hoãn do đại dịch Covid-19.

Dưới thời Thủ tướng đương nhiệm Suga Yoshihide, những quan chức theo chủ nghĩa ôn hòa và cứng rắn đối với Trung Quốc trong đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền của Nhật Bản đang tranh giành ảnh hưởng. Những người theo chủ nghĩa cứng rắn tìm cách hủy bỏ chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình vì diễn biến ở Tân Cương và Hong Kong. Tổng Thư ký LDP Toshihiro Nikai, nhân vật ủng hộ quan trọng của Thủ tướng Suga, đã chống lại việc hủy bỏ, nhưng chuyến thăm dự kiến sẽ không diễn ra trong năm 2021. Trong khi Bộ trưởng Ngoại giao Toshimitsu Motegi hối thúc Trung Quốc giải quyết nhân quyền ở Tân Cương, Nhật Bản né tránh áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế, với lý do nước này thiếu khung pháp lý cho hành động đó.

Theo các nhà phân tích Nhật Bản, Mỹ nên chuẩn bị cho việc Nhật Bản có cách tiếp cận ôn hòa hơn đối với Trung Quốc. Nhật Bản có thể sẽ nỗ lực tiếp tục từng bước nhằm tăng cường vai trò và sứ mệnh của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) trong khuôn khổ Hiến pháp “hòa bình” và liên minh Mỹ - Nhật. Họ cũng cho rằng, đất nước mặt trời mọc sẽ tiếp tục tìm kiếm cam kết rõ ràng từ Mỹ để ngăn chặn các hành động khiêu khích quân sự của Trung Quốc, đặc biệt là xung quanh quần đảo Senkaku (mà Trung Quốc tuyên bố là quần đảo Điếu Ngư) sau khi Trung Quốc thông qua luật mới vào tháng trước cho phép Lực lượng Cảnh sát biển nước này sử dụng vũ khí rộng hơn.

Tuy nhiên, một số nhà bình luận nhận định, mong muốn của Mỹ để Nhật Bản đóng vai trò quân sự quan trọng hơn trong kiềm chế Trung Quốc có thể sẽ kết thúc trong thất vọng. Mặc dù Nhật Bản đã thông qua Luật về an ninh năm 2015 cho phép SDF tham gia các hình thức tự vệ tập thể hạn chế, nhưng những hạn chế của Hiến pháp về cơ bản vẫn cấm lực lượng này sử dụng vũ lực cho các mục đích không chỉ nhằm phòng vệ. Hơn nữa, dư luận vẫn ủng hộ “điều khoản hòa bình” của Điều 9 Hiến pháp và tỏ ra không mấy mặn mà với việc SDF tham gia các nhiệm vụ chiến đấu có nguy cơ gây thương vong.

Đối với vấn đề Triều Tiên, cả hai nhà lãnh đạo Mỹ và Nhật Bản đều ủng hộ cách tiếp cận cứng rắn. Tổng thống Biden đã cho thấy sự khác biệt về lập trường bằng cách phê phán người tiền nhiệm quá thân thiện với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Trong khi đó, Thủ tướng Suga muốn thể hiện thái độ cứng rắn của mình đối với Triều Tiên cho "khán giả" trong nước, bằng cách yêu cầu sự hỗ trợ của Mỹ đối với việc trao trả công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc. Hiện Tổng thống Biden tìm cách phục hồi hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Hàn mà ông Donald Trump từng bỏ qua, nhưng điểm nghẽn chính ở đây là căng thẳng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc về vấn đề phụ nữ mua vui và lao động cưỡng bức. Điều này làm giảm nhiệt tình hợp tác của các nước bất chấp lợi ích chung là chế ngự vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.

Biến đổi khí hậu, chống Covid-19 - "cơ hội" thúc đẩy quan hệ hợp tác

Về vấn đề biến đổi khí hậu, Tổng thống Biden đã nhanh chóng đưa Mỹ trở lại Thỏa thuận Paris và sẽ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu trực tuyến với 40 nhà lãnh đạo thế giới vào ngày 22 - 23.4. Thủ tướng Suga cam kết, Nhật Bản không phát thải carbon ròng vào năm 2050. Do các tổ chức tài chính của Nhật Bản và Mỹ dẫn đầu thế giới về cho vay tư nhân để hỗ trợ lĩnh vực than đá và Nhật Bản là một trong những nước cho vay công hàng đầu ủng hộ than, vì vậy với các nhà lãnh đạo mới, cả hai quốc gia có tiềm năng thúc đẩy chuyển đổi năng lượng khỏi nhiên liệu hóa thạch, hướng tới năng lượng tái tạo, đồng thời thiết lập mối quan hệ đối tác năng lượng sạch.

Đối với đại dịch Covid-19, trong bối cảnh Nhật Bản và Mỹ có lịch sử hợp tác lâu dài về y tế quốc tế, tình trạng thiếu hợp tác của họ trong việc chống lại đại dịch là rất đáng ngạc nhiên. Rất nhiều người lo sợ rằng Thế vận hội Tokyo sẽ trở thành sự kiện siêu lây nhiễm. Phần lớn dư luận Nhật Bản không đồng tình với việc Chính phủ của Thủ tướng Suga xử lý đại dịch sau khi tình trạng khẩn cấp của Nhật Bản được dỡ bỏ đúng lúc bắt đầu lễ rước đuốc Thế vận hội. Chính phủ dường như kiên quyết đăng cai mặc dù hơn 80% dư luận Nhật Bản ủng hộ hủy hoặc hoãn sự kiện quan trọng này.

Việc trao đổi thông tin nhiều hơn để chống lại đại dịch cũng là một kênh cần phát huy. Điều này bao gồm việc Nhật Bản sử dụng siêu máy tính nghiên cứu Covid-19 dựa trên AI, kết hợp với kinh nghiệm của các bác sĩ Mỹ trong điều trị bệnh nhân Covid-19 và vấn đề hậu cần cho triển khai vaccine của chính quyền Tổng thống Biden. Nhật Bản và Mỹ cũng có thể hỗ trợ nhiều hơn cho các nỗ lực đa phương, chẳng hạn như Tổ chức Y tế Thế giới và dự án đối tác toàn cầu mang tên “Access to Covid-19 Tools (ACT) Accelerator” nhằm thúc đẩy sử dụng các công cụ giúp ngăn chặn sự lây lan toàn cầu và tăng tốc chiến dịch tiêm chủng trước khi xuất hiện các đột biến kháng thuốc.

Có thể nói, Hội nghị Thượng đỉnh sắp diễn ra giữa Tổng thống Biden và Thủ tướng Suga sẽ tạo cơ hội quan trọng để đưa hợp tác đồng minh Mỹ - Nhật trở lại đúng hướng sau 4 năm đi chệch dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Nhưng để tăng cường hợp tác một cách tốt nhất và ngăn chặn khoảng cách nhận thức, cả hai cần thảo luận thẳng thắn về nhiều vấn đề, kể cả những nội dung không mấy thoải mái.

Linh Anh