Thu hẹp khoảng cách giới tại nơi làm việc

- Thứ Ba, 17/11/2020, 18:09 - Chia sẻ
Báo cáo “Con đường dẫn đến thành công: Phụ nữ trong kinh doanh và quản lý tại Việt Nam” vừa được Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố cho thấy, đa dạng giới là một chiến lược kinh doanh thông minh, giúp tăng lợi nhuận, năng suất; tăng khả năng giữ chân nhân tài và thúc đẩy đổi mới, sáng tạo.

Tận dụng môi trường làm việc đa dạng giới

Báo cáo cho thấy, các doanh nghiệp ở Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân tài, và tình trạng này có thể được giải quyết bằng cách tuyển dụng, hỗ trợ nhiều phụ nữ hơn đảm nhận các vị trí quản lý. Tuy nhiên, Chuyên gia Kinh tế Lao động của ILO Valentina Barcucci, cho rằng: “Điều đáng mừng là phụ nữ Việt Nam ngày càng được chuẩn bị tốt hơn để đảm nhận những vị trí ra quyết định trong các doanh nghiệp. Cộng đồng nhân tài vẫn tiếp tục được mở rộng. Điển hình, trong số những phụ nữ đang tham gia thị trường lao động, 10% đã tốt nghiệp đại học, trong khi tỷ lệ này của nam thanh niên chỉ là 5%. Hiện tỷ lệ phụ nữ trong các ngành Khoa học, Kỹ thuật, Công nghệ và Toán học (STEM) là 37% và tỷ lệ này vẫn tiếp tục tăng lên.”

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần phải đạt được một tỷ lệ lãnh đạo nữ cao nhất định thì mới có thể tận dụng được các lợi ích từ môi trường đa dạng giới. Báo cáo cho thấy sự phát triển và thăng tiến trong sự nghiệp của phụ nữ ở Việt Nam vẫn còn bị ảnh hưởng bởi định kiến giới. Tỷ lệ phụ nữ nắm giữ các vị trí quản lý còn thấp và tỷ lệ này càng ít hơn ở các cấp quản lý cao nhất. Trong số các doanh nghiệp được khảo sát tại Việt Nam, 63% trả lời rằng công ty có phụ nữ tham gia cấp quản lý giám sát, 73% xác nhận rằng họ có phụ nữ tham gia quản lý cấp trung nhưng chỉ có 15% trả lời rằng có phụ nữ tham gia cấp quản lý, điều hành cao nhất.

Ngày càng có nhiều nữ giới giữ vị trí lãnh đạo.

Đáng quan tâm, Báo cáo cũng cho thấy, còn có những định kiến nhất định khi 54% số người trả lời phỏng vấn đồng tình với quan điểm rằng phụ nữ với kỹ năng và trình độ tương đương với nam giới khó được đề bạt hay bổ nhiệm lên cấp quản lý cao nhất hơn so với nam giới. Chuyên gia Kinh tế Lao động của ILO Valentina Barcucci cho rằng, những định kiến giới trong tư duy của các nhà quản lý có thể là rào cản đối với phụ nữ khi họ phấn đấu nắm giữ các vị trí lãnh đạo. Thêm vào đó, thực tế là phụ nữ trung bình dành nhiều thời gian gấp đôi so với nam giới để làm những công việc gia đình không được trả lương trong khi thời gian làm việc ngoài xã hội cũng tương đương với nam giới cũng khiến cho họ khó có thể theo đuổi được sự nghiệp của mình.

Còn nhiều phải làm

Mặc dù ngày càng có nhiều phụ nữ tài năng có nguyện vọng đảm nhận các vị trí quản lý, lãnh đạo nhưng các chủ lao động vẫn có xu hướng tuyển dụng nhiều nam giới hơn vào các vị trí quản lý và ra quyết định. Trong khi các doanh nghiệp vẫn sắp đặt nam giới vào các vị trí chiến lược cho phép họ phát triển và thăng tiến trong sự nghiệp thì phụ nữ lại được sắp đặt ở các vị trí mà cơ hội thăng tiến và phát triển hạn chế. Ở Việt Nam, những định kiến và quan điểm truyền thống về vai trò giới đã mặc định phụ nữ và nam giới ở các vị trí công việc nhất định và tạo cho nam giới nhiều lợi thế hơn để họ thăng tiến và phát triển trong sự nghiệp.

Khảo sát doanh nghiệp do ILO tiến hành đã cho thấy,  tuy phụ nữ và nam giới đều nắm giữ các vị trí quản lý cấp trung và cấp cao nhưng những vị trí quản lý đó khác nhau về bản chất. Những vị trí quản lý mang tính hỗ trợ như quản lý nhân sự, tài chính và hành chính chủ yếu do phụ nữ đảm nhận; còn nam giới phần lớn đảm nhận các vị trí quản lý mang tính chiến lược như quản lý lãi và lỗ, nghiên cứu và phát triển. Chính vì thế nên nam giới thường được thăng tiến lên các vị trí cao nhất – những vị trí có quyền ra quyết định. Tình trạng đa số phụ nữ chỉ đảm nhận các vị trí mang tính hỗ trợ đã hạn chế khả năng phát triển sự nghiệp của phụ nữ cũng như làm suy giảm khả năng các doanh nghiệp có thể tìm được những nhân tài thực sự để đảm nhận các vị trí điều hành, lãnh đạo cao nhất.

ILO khuyến nghị, cần đánh giá bình đẳng giới tại nơi làm việc. 

Từ thực tế nêu trên, ILO đã đưa ra các khuyến nghị nhằm tập trung vào việc tối ưu hóa cộng đồng nữ tài năng nguồn. Trong đó, cần đánh giá bình đẳng giới ở nơi làm việc để rà soát dữ liệu về nguồn nhân lực, dữ liệu về nhận thức của nhân viên và chính sách của công ty để hiểu về những rào cản đối với bình đẳng giới ở nơi làm việc. Đồng thời, tìm cách xóa bỏ tình trạng thiên vị giới vì nó ảnh hưởng đến vai trò của phụ nữ và nam giới tại nơi làm việc, ở nhà; tác động đến việc tuyển dụng và thăng tiến, phân công công việc, đào tạo,di chuyển. Đặc biệt, ILO đã khuyến nghị, Việt Nam cần thúc đẩy việc thực hiện các mô hình giờ làm linh hoạt để giúp phụ nữ và nam giới hoàn thành các trách nhiệm gia đình và cải thiện cân bằng cuộc sống - công việc. Theo khảo sát của ILO, 80% DN tại Việt Nam đã tăng năng suất nhờ thực hiện các mô hình giờ làm linh hoạt và/hoặc làm việc từ xa.

Box: Trong số các doanh nghiệp được khảo sát có 63% cho thấy phụ nữ tham gia cấp quản lý giám sát, 73% xác nhận rằng họ có phụ nữ tham gia quản lý cấp trung nhưng chỉ có 15% trả lời rằng phụ nữ tham gia cấp quản lý, điều hành cao nhất.

Phạm Hải