Thu gom, chế biến phụ phẩm gia tăng giá trị cho hoạt động sản xuất nông nghiệp

- Thứ Bảy, 11/09/2021, 12:01 - Chia sẻ
Tại Hội thảo “Hiện trạng phụ phẩm nông, lâm, thủy sản ở vùng Nam Bộ và đề xuất giải pháp" do Tổ công tác 970 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa tổ chức, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam khẳng định, phụ phẩm nông nghiệp là nguồn nguyên liệu có giá trị cần được khai thác, sử dụng hiệu quả trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, xanh và bền vững. Việc đẩy mạnh thu gom, chế biến phụ phẩm nông nghiệp có thể hình thành nên một ngành nghề mới ở nông thôn, thu hút nhiều lao động.

Khối lượng phụ phẩm khổng lồ

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong quá trình sản xuất, bảo quản, sơ chế, chế biến các nông sản, tỷ lệ phụ phẩm từ ngành lâm nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản là rất lớn. Tổng khối lượng phụ phẩm theo lý thuyết ở nước ta năm 2020 là trên 156,8 triệu tấn, bao gồm 88,9 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ cây trồng và quá trình chế biến nông sản của ngành trồng trọt; 61,4  triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi; 5,5 triệu tấn củi, mùn cưa, dăm gỗ từ ngành lâm nghiệp và khoảng gần 1 triệu tấn phụ phẩm từ ngành thủy sản

Phụ phẩm trồng trọt sau thu hoạch các cây trồng chính có khối lượng lớn, bao gồm rơm lúa khoảng 43 triệu tấn, thân cây ngô 10 triệu tấn, rau và quả 3,6 triệu tấn, thân cây sắn 3,1 triệu tấn, quả giả đào lộn hột 3,1 triệu tấn và các loại khác khoảng 6 triệu tấn. Bên cạnh đó quá trình chế biến nông sản trồng trọt cũng tạo ra lượng lớn các loại phụ phẩm như vỏ trấu 8,6 triệu tấn, bã mía 3,5 triệu tấn, lõi ngô 1,4 triệu tấn, vỏ củ sắn 1,3 triệu tấn và các loại khác là 2 triệu tấn.

Trong tổng số phụ phẩm trồng trọt thì khu vực Nam bộ chiếm gần khoảng 70%, với 58,9 triệu tấn, riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long là 33,3 triệu tấn, lớn nhất cả nước. Đáng chú ý, trong khi ở một số nơi thuộc miền Bắc, miền Trung, một lượng đáng kể rơm được đốt ngay tại ruộng gây ô nhiễm không khí, gây cản trở giao thông, ảnh hưởng đến sức khỏe con người thì thị trường thu gom, đóng gói, vận chuyển và buôn bán rơm lúa ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng phát triển.

Vụ Đông Xuân năm 2021 ở tỉnh Đồng Tháp, giá bán rơm khoảng từ 55 ngàn đến 75 ngàn trên 1.000 m2 ruộng rơm, giá rơm tại ruộng khoảng gần 400 đồng/kg, giá rơm cạnh đường giao thông liên xã là 1.250 đồng/kg. Vì vậy, người nông dân trồng lúa, ngoài thu thóc thì sau khi gặt xong có thể thu thêm bình quân 550.000 đồng/ha.

Về phụ phẩm chăn nuôi, năm 2020 vùng Đông Nam bộ có khoảng 6,1 triệu tấn phân gia súc, gia cầm, Đồng bằng sông Cửu Long có 6,2 triệu tấn phân vật nuôi các loại. Tỷ lệ thu gom, sử dụng phụ phẩm chăn nuôi tại nông hộ đạt từ 30-50%, trong khi trang trại đạt khoảng 73% thông qua các hình thức như sản xuất khí sinh học, làm phân bón, nuôi trùn quế…

Đối với thủy sản, tổng lượng phụ phẩm từ chế biến khoảng 1 triệu tấn/năm. Các phụ phẩm thủy sản chủ yếu là cá, tôm nuôi hoặc đánh bắt nhưng bảo quản chưa phù hợp nên bị loại thải hoặc là phụ phẩm từ quá trình chế biến ở các cơ sở chế biến thủy sản chủ yếu tập trung ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. So với nguồn phụ phẩm từ trồng trọt, chăn nuôi thì tỷ lệ phụ phẩm thủy sản đươc thu gom xử lý, chế biến cao nhất, gần 90%.

Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi thông tin một số nhà máy đầu tư công nghệ cao, hiện đại đã tách chiết được các hợp chất sinh học cho công nghiệp mỹ phẩm, dược phẩm từ phụ phẩm thủy sản như tách chiết chitin, chitosan từ vỏ tôm, collagen và gelatin từ da cá tra. Phần còn lại được sử dụng sản xuất bột protein, dầu cá, dịch protein thủy phân làm thức ăn cho chăn nuôi và phân bón hữu cơ.

Theo ông Tống Xuân Chinh, mặc dù là ngành có tỷ lệ thu gom, chế biến phụ phẩm cao nhất trong nông nghiệp, song việc khai thác nguồn lợi từ phụ phẩm thủy sản vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Năm 2020, ngành chế biến phụ phẩm thủy sản ở nước ta mới đạt khoảng 275 triệu USD, nhưng nếu khai thác hết nguồn phụ phẩm gần 1 triệu tấn của ngành thủy sản bằng các công nghệ cao thì có thể thu về 4-5 tỷ USD.

Thúc đẩy chế biến phụ phẩm

Các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, khối lượng phế phẩm tạo ra từ sản xuất nông nghiệp và chế biến nông, lâm, thủy sản của Việt Nam chính là nguồn nguyên liệu có giá trị kinh tế rất lớn. Ở góc độ nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn gắn với tăng trưởng xanh, phụ phẩm phải được xem là nguồn tài nguyên tái tạo, là nguồn đầu vào quan trọng của quá trình tuần hoàn khác nhằm kéo dài chuỗi giá trị gia tăng trong nông nghiệp và nâng cao thu  nhập cho người nông dân.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Thành Phụng, Phó chủ tịch Hiệp hội trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam cho rằng, nâng cao hiệu quả sử dụng phụ phẩm từ nông nghiệp là vấn đề cấp thiết hiện nay để giải quyết tình trạng lãng phí nguồn nguyên liệu sẵn có, nâng cao giá trị kinh tế cho sản xuất nông nghiệp.

Vì vậy, ngành nông nghiệp cần phải có kế hoạch hành động cụ thể và rõ ràng, chú ý vấn đề truyền thông nâng cao nhận thức cho người nông dân về giá trị, lợi ích trong việc chủ động thu gom, sử dụng phụ phẩm. Các cơ quan quản lý cần rà soát và xây dựng bổ sung cơ chế chính sách để thu hút doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực chế biến phụ phẩm thành các sản phẩm giá trị cao. Các nhà khoa học nghiêm cứu, phát triển quy trình chế biến phụ phẩm, xây dựng các tài liệu hướng dẫn nông dân tham gia chế biến phụ phẩm thành sản phẩm phục vụ trở lại cho sản xuất và đời sống.

Cùng quan điểm, ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai cho rằng, có một nghịch lý tồn tại nhiều năm qua là trong khi nguồn phụ phẩm nông nghiệp trong nước, đặc biệt là phụ phẩm từ chăn nuôi chưa được sử dụng hết nhưng hàng năm Việt Nam phải nhập khẩu một lượng lớn phân bón được sản xuất chủ yếu từ phụ phẩm chăn nuôi từ nước ngoài. Chính việc này khiến chí phí sản xuất nông nghiệp Việt Nam tăng cao, thu nhập của người nông dân không được cải thiện là bao.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam khẳng định, phụ phẩm nông nghiệp là nguồn nguyên liệu có giá trị cần được khai thác, sử dụng hiệu quả trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, xanh và bền vững. Việc đẩy mạnh thu gom, chế biến phụ phẩm nông nghiệp có thể hình thành nên một ngành nghề mới ở nông thôn, thu hút nhiều lao động.

Chính vì vậy, ngành nông nghiệp sẽ chủ động xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư đủ hấp dẫn các doanh nghiệp. Cụ thể như, tạo mặt bằng đất nông nghiệp sạch, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm thuế nhập khẩu trang thiết trị, công nghệ cao, công nghệ sinh học trong lĩnh vực thu gom, đóng gói, vận chuyển, bảo quản, chế biến các phụ phẩm trồng trọt, chăn nuôi nhằm nối dài chuỗi giá trị gia tăng trong nông nghiệp.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, Bộ Nông nghiệp sẽ ban hành quy định pháp luật về ngưỡng tối đa cho phép về sử dụng cân bằng giữa phân bón vô cơ và phân bón hữu cơ áp dụng đối với canh tác nông nghiệp để thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch và nông nghiệp dựa trên cộng đồng. Song song đó là nâng cao hiệu quả nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ trong chế biến phụ phẩm nông nghiệp; xây dựng cơ sở dữ liệu về phụ phẩm nông nghiệp và chuẩn bị nguồn nhân lực phục vụ lĩnh vực chế biến phụ phẩm một cách bài bản, chuyên nghiệp để đạt được hiệu quả cao nhất.

CTV