Thông tư hướng dẫn - tắc càng thêm tắc

- Thứ Ba, 29/06/2021, 06:14 - Chia sẻ
Thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, trong 5 năm (2016 - 2020), các bộ, ngành đã ban hành hơn 2.530 thông tư và thông tư liên tịch hướng dẫn các luật, nghị định. Số lượng thông tư được các bộ, ngành ban hành lớn hơn nhiều so với các văn bản quy phạm pháp luật khác. Và, dù là văn bản hướng dẫn nhưng không hiếm thông tư khi ban hành lại khiến việc đưa pháp luật vào cuộc sống bị tắc vì chính sự hướng dẫn của nó; thậm chí có thông tư còn cài cắm, "đẻ" thêm quy định, điều kiện gây khó cho đối tượng được điều chỉnh.

Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thông tư là hình thức văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành để hướng dẫn thực hiện văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên. Với tư cách là văn bản hướng dẫn, hình thức văn bản này không quy định thêm các nội dung, các thủ tục hành chính... Tuy vậy, vì nhiều lý do khác nhau, tình trạng thông tư quy định thêm thủ tục, "đẻ" quy định vẫn còn. Đơn cử, Thông tư 02/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT ngày 29.5.2020 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ đã quy định lắp camera phải theo dõi khoang hành khách, trong khi Nghị định 10/2020/NĐ-CP kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô không có quy định này.

Không những thêm thủ tục, thông tư còn mâu thuẫn với văn bản được hướng dẫn. Đơn cử, Thông tư 40/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá  nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, có hiệu lực từ 1.8.2021 đã nhận rất nhiều ý kiến của doanh nghiệp khi họ cho rằng, thông tư chưa nhất quán với các luật về thuế, là yêu cầu sàn thương mại điện tử phải kê khai, nộp thuế thay người kinh doanh.

Vì sao có thực tế trên, nhất là khi quy trình soạn thảo, ban hành thông tư được quy định rất rõ ràng tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đơn cử, liên quan đến lấy ý kiến dự thảo thông tư, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định: Trong quá trình soạn thảo Thông tư, cơ quan chủ trì soạn thảo phải lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản; đăng tải toàn văn dự thảo trên Cổng thông tin điện tử trong thời gian ít nhất là 60 ngày. Không chỉ lấy ý kiến các đối tượng liên quan, mà quá trình thẩm định thông tư cũng được quy định chặt chẽ với sự tham gia của các bộ, ngành.

Nếu thực hiện đúng quy định trên, thì liệu còn có tình trạng thông tư làm tắc nghị định, luật; thông tư cài cắm thêm thủ tục hành chính; thông tư "đẻ" thêm quy định? Cứ đặt giả thiết quá trình lấy ý kiến đó đã được thực hiện nghiêm túc, đối tượng chịu sự điều chỉnh đã có ý kiến, nhưng cơ quan chủ trì soạn thảo không tiếp thu, dẫn đến quy định không vào cuộc sống thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho những hậu quả xảy ra (nếu có)? Cơ chế nào để xác định lỗi? Nếu vấn đề này không được giải quyết thì thông tư mắc lỗi, gây ách tắc vẫn được ban hành và quá trình thi hành luật cứ tiếp tục nghẽn; các doanh nghiệp, hiệp hội đại diện vẫn chỉ dừng lại ở ý kiến sau khi văn bản ban hành. Một sự lãng phí khổng lồ. 

Nguyễn Minh