Quản trị khủng hoảng thông tin trong bối cảnh đại dịch Covid-19

Thông tin chân xác, trách nhiệm

- Thứ Tư, 10/11/2021, 04:27 - Chia sẻ
Song song với diễn biến của đại dịch Covid-19, một “cơn hỗn loạn thông tin” liên quan đến Covid-19 cũng diễn ra trên mạng xã hội, gây nhiều hậu quả xã hội nghiêm trọng, ảnh hưởng đến việc chống dịch ở các quốc gia. Trong bối cảnh đó, quản trị khủng hoảng thông tin là vấn đề nóng bỏng trên cả phương diện lý luận và thực tiễn, đồng thời cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động kiểm chứng thông tin. “Cần phải coi kiểm chứng thông tin là trách nhiệm xã hội và nghiệp vụ của cơ quan báo chí” - Tổng biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh nhấn mạnh.

Phát biểu đề dẫn hội thảo khoa học quốc tế “Quản trị khủng hoảng thông tin trong bối cảnh đại dịch Covid-19” do Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Báo Nhân dân và Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) phối hợp tổ chức sáng 9.11, PGS.TS. Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, quản trị khủng hoảng thông tin là nhiệm vụ song song, không kém phần cấp bách so với nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay. “Nếu như các y, bác sĩ đang xung phong trên tuyến đầu chống dịch thì các nhà báo, nhà truyền thông đang có mặt trên mặt trận thông tin đầy phức tạp nhằm đẩy lùi, ngăn chặn thông tin sai lệch, xấu độc, phản khoa học về dịch bệnh”.

Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh phát biểu tại hội thảo
Ảnh: AJC

Hậu quả nghiêm trọng

Ngày 15.2.2020, khoảng 3 tháng sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc), tại Hội nghị An ninh Munich, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố: “Chúng ta không chỉ chiến đấu với một đại dịch; chúng ta còn phải chiến đấu với một nạn dịch thông tin. Tin giả lan nhanh hơn và dễ dàng hơn loại virus này và không kém phần nguy hiểm”. Trong phát biểu này, ông đã sử dụng thuật ngữ “infodemic” với ý nghĩa là “khủng hoảng thông tin” hay “nạn dịch thông tin”.  

Cuộc khủng hoảng thông tin mà Tổng Giám đốc WHO nói đến đã gây ra những trở ngại to lớn cho công tác phòng, chống dịch ở nhiều quốc gia. Thông tin sai lệch, phản khoa học về dịch bệnh gây thêm sự hoang mang cho công chúng đồng thời kích động những hành vi sai lầm, thậm chí cực đoan. Khi hiểu biết về dịch bệnh chưa đầy đủ, chính xác, công chúng có thể không biết bảo vệ bản thân và cộng đồng đúng cách. Công chúng cũng có thể bị đánh lừa, dẫn dụ đến mức tiếp tục phát tán thông tin sai lệch qua truyền thông truyền miệng hay mạng xã hội.

Nhiều ví dụ đã được các tham luận nêu ra để chứng minh cho điều này. Sau khi có thông tin trên mạng khẳng định uống rượu là phương pháp giúp phòng ngừa Covid-19, hơn 300 người Iran đã tử vong và hơn 1.000 người phải nhập viện do ngộ độc rượu. Ở Ấn Độ, hàng trăm “bài thuốc” thiếu cơ sở khoa học, thậm chí có hại cho sức khỏe đã được đưa lên mạng, từ dùng cây đinh hương tới uống nước tiểu và phân bò. Tháng 2.2020, khoảng 200 tín đồ Hindu giáo ở Ấn Độ đã tổ chức sự kiện uống nước tiểu bò vì tin rằng nó có thể chữa được Covid-19…

Tại Việt Nam cũng xuất hiện nhiều tin giả, như thông tin bác sĩ phụ sản chia sẻ việc rút ống thở của mẹ để nhường cho sản phụ; hình ảnh xác chết do Covid-19 tại TP. Hồ Chí Minh nhưng thực chất là tại Myanmar; thông tin người tự thiêu ở TP. Hồ Chí Minh để phản đối biện pháp phòng, chống Covid-19… Nguy hiểm nhất là lợi dụng tình hình dịch bệnh, các thế lực thù địch, phản động đã phát tán nhiều thông tin sai sự thật, xuyên tạc tình hình dịch bệnh và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương trong nỗ lực phòng, chống dịch bệnh, gây hoang mang, lo sợ trong quần chúng Nhân dân, gây bất ổn, chia rẽ trong nội bộ, tiềm ẩn nguy cơ làm mất ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội.

Báo chí chính thống - lực lượng chủ lực

Đại dịch Covid-19 kích động cuộc khủng hoảng thông tin luôn chực bùng phát trong môi trường truyền thông xã hội hỗn loạn, chính sách quản lý và biện pháp kiểm soát chưa đạt hiệu quả mong muốn. Tin giả, thông tin sai lệch về dịch bệnh lan tràn, gây hoang mang cho xã hội và làm suy giảm niềm tin của người dân vào các thiết chế xã hội. “Chúng ta có trách nhiệm làm rõ, phân tích các vấn đề này và xây dựng một môi trường truyền thông tốt hơn. Đó chính là lý do KOICA, Học viện Báo chí và Tuyên truyền và Báo Nhân Dân phối hợp tổ chức hội thảo quan trọng này” - Giám đốc quốc gia KOICA Việt Nam Cho Han Deog chia sẻ.

Các tham luận tại hội thảo đều nhấn mạnh, chính trong bối cảnh phức tạp hiện nay, báo chí chính thống phải khẳng định và làm tốt vai trò chủ lực của mình. Theo TS. Vũ Thanh Vân, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, “vai trò chủ lực của báo chí cách mạng trong cuộc chiến chống Covid-19 thể hiện trên các phương diện: Cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh và các giải pháp của Chính phủ; điều hòa dư luận và thúc đẩy đồng thuận xã hội như nguồn lực xã hội cho công tác phòng, chống dịch và tăng cường niềm tin của người dân vào hệ thống chính trị… Ở mức độ cao hơn, báo chí cần thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội với các giải pháp phòng, chống dịch”.

PGS.TS. Đinh Thị Thu Hằng cho rằng, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, báo chí nổi lên vai trò là người nhận diện, phát hiện, kiểm chứng, vạch trần những thông tin sai lệnh, ngụy tạo, đấu tranh mạnh mẽ và có hiệu quả với các đối tượng tung tin gây nhiễu, đầu độc công chúng. Báo chí đính chính, xác thực thông tin, giúp công chúng nhận biết nguồn tin đúng, giảm thiểu sự lan truyền của tin giả. “Cần phải xác định nhà báo và cơ quan báo chí chính thống là nhân tố quan trọng, đóng vai trò chủ động trong cuộc chiến chống tin giả. Các nhà báo và cơ quan báo chí cần phối hợp với nhau để cùng đưa ra những thông điệp nhất quán xung quanh những thông tin sai trái, tạo sức mạnh tổng hợp của dòng thông tin chính thống”, PGS.TS. Đinh Thị Thu Hằng nhấn mạnh.

“Thông tin phải đem lại niềm tin cho công chúng, lấy mục tiêu chân xác, nhanh nhạy, đúng đắn, có trách nhiệm, vì niềm tin của bạn đọc làm lẽ tồn tại. Đó chính là chìa khóa để quản trị khủng hoảng thông tin nói chung, khủng hoảng thông tin trong bối cảnh cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 hiện nay nói riêng”, Tổng Biên tập Báo Nhân dân Lê Quốc Minh khẳng định.

Ảnh: Quang Khánh

Phát biểu tại phiên thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch chiều 9.11, đại biểu Quốc hội Phạm Nam Tiến (Đắk Nông) nhận định, vượt lên mọi khó khăn, thách thức, các cơ quan báo chí, thông tin truyền thông đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Phóng viên, nhà báo không quản ngại hiểm nguy, đưa tin kịp thời, nhanh nhạy về tình hình phòng, chống dịch bệnh đến đông đảo công chúng. “Trong cuộc chiến với Covid-19, chúng ta còn phải đối mặt với một loại dịch bệnh khác có tốc độ lây lan nhanh không kém, đó là tin giả, tin sai sự thật. Báo chí chính thống chính là lực lượng tích cực góp phần vạch trần tin giả, cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về tình hình dịch bệnh, góp phần ổn định đời sống và tâm lý cho người dân”.

Tuy nhiên, đại biểu cũng chỉ ra rằng, một vài địa phương chưa làm tốt công tác thông tin tuyên truyền khi ban hành văn bản hướng dẫn làm cho người dân bị động, bất ngờ, không có thời gian thích ứng, thông tin xấu độc, thiếu chính xác trên các mạng xã hội còn khó kiểm soát. "Qua phản ánh từ cơ quan báo chí truyền thông, tôi nhận thấy dù cơ quan chức năng đã rất nỗ lực trong phòng, chống dịch bệnh nhưng vẫn còn một số vấn đề tồn tại trong việc cung cấp thông tin cho báo chí. Đó là sự chưa thống nhất giữa một số bộ, ngành liên quan đến chính sách, văn bản ban hành biện pháp chống dịch. Việc chậm thay đổi một số văn bản quan trọng hướng dẫn các tiêu chí chống dịch, xác định nguy cơ, quy mô vùng dịch và các biện pháp hành chính tương ứng đã khiến nhiều địa phương gặp khó, không có phương án sau giãn cách"...

Thời gian tới có thể dịch bệnh sẽ tiếp diễn và thậm chí phức tạp hơn, nếu truyền thông không có sự thống nhất giữa bộ, ngành, giữa địa phương thì rất khó để ngăn chặn, khống chế dịch bệnh. Vì thế, cùng với giải pháp thống nhất trong các chính sách, văn bản, biện pháp chống dịch, đại biểu kiến nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm quy định về phát ngôn, cung cấp thông tin để báo chí đưa tin thống nhất, chính xác, tránh sai sót, bảo đảm cung cấp thông tin theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Hương Linh