Thống nhất mô hình tổ chức y tế cơ sở

- Thứ Bảy, 21/09/2013, 08:46 - Chia sẻ
Tuyến y tế cơ sở bao gồm các đơn vị y tế tuyến huyện và trạm y tế xã, phường được xác định là tuyến thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Tuy vậy, về mặt tổ chức của tuyến này hiện không thống nhất, chồng chéo quản lý nên chưa phát huy được vai trò và chức năng, nhiệm vụ của mình.

Nguồn: alobacsi.vn
Lắm mối… rối chuyên môn

Theo Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế, trước đây mạng lưới y tế cơ sở chỉ có một đầu mối ở tuyến huyện là Trung tâm Y tế huyện và các Trạm Y tế xã, phường có chức năng trực tiếp sàng lọc bệnh tật, khám chữa bệnh (KCB) và đảm bảo y tế dự phòng trên địa bàn. Từ năm 2004, thực hiện Nghị định 171 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; và Nghị định 172 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh của Chính phủ, hệ thống y tế cơ sở được tổ chức lại gồm Trung tâm Y tế dự phòng huyện; Bệnh viện Đa khoa huyện; Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình; Trung tâm An toàn vệ sinh thực phẩm; Phòng Y tế huyện và dưới là Trạm Y tế xã.

Thực tế qua nhiều năm thực hiện các quy định của Chính phủ về tổ chức lại hệ thống y tế cơ sở cho thấy, việc có nhiều đơn vị sự nghiệp y tế cấp huyện và Phòng Y tế huyện có chức năng quản lý nhà nước đã dẫn đến tình trạng chồng chéo chỉ đạo chuyên môn, quản lý điều hành, khó khăn bố trí nguồn lực. Nhiều nơi không xem xét đến các điều kiện để bảo đảm ổn định hoạt động, nhất là các huyện, khu vực miền núi, vùng khó khăn. Quy định Phòng Y tế quản lý Trạm Y tế xã làm gián đoạn tính hệ thống chuyên môn của ngành y tế; đó là khả năng giám sát hỗ trợ và hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật đối với y tế xã, thôn bản bị hạn chế. Phòng Y tế quản lý Trạm Y tế xã nhưng bị hạn chế bởi năng lực và điều kiện; trong khi Trung tâm Y tế dự phòng huyện hướng dẫn, giám sát về chuyên môn, kỹ thuật nhưng không quản lý về con người, trong khi không có cơ chế phối hợp, điều hành.

Theo các chuyên gia, với mô hình không thống nhất như hiện nay thì khổ nhất là Trạm Y tế xã vì do lắm đầu mối quản lý, chồng chéo chỉ đạo. Ở tuyến này, nhân lực, vật lực có hạn nhưng buộc phải căng ra thực hiện chỉ đạo của nhiều cơ quan quản lý, chuyên môn cấp trên; riêng việc họp hành theo chỉ đạo đã chiếm phần lớn thời gian công việc. Với điều kiện về nguồn nhân lực ở tuyến huyện thì việc tăng thêm tổ chức bộ máy trong giai đoạn hiện nay sẽ là vấn đề rất khó khăn. Nhưng quan trọng nhất là do có nhiều đầu mối nên hoạt động hướng dẫn, giám sát chỉ đạo chuyên môn các trạm y tế xã, phường thì lại có phần lỏng lẻo, trách nhiệm không rõ ràng, dẫn đến hiệu quả hoạt động của y tế tuyến xã giảm sút, nhất là khi trạm y tế được giao là nơi đăng ký KCB ban đầu cho các đối tượng có BHYT.

Cần thống nhất mô hình tổ chức

Nhận thấy bất cập của hệ thống y tế cơ sở hiện nay, Liên bộ Y tế và Nội vụ đã ban hành Thông tư liên tịch 03/2011 điều chỉnh hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của hệ thống y tế cơ sở. Đó là thực hiện chuyển trả việc quản lý Trạm Y tế xã, phường, thị trấn về Trung tâm Y tế huyện để tạo thuận lợi trong quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, ban đầu cho người dân ngay tại cộng đồng, phù hợp điều kiện, năng lực. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện Thông tư 03 không triệt để, có địa phương thực hiện, có nơi lại không.

Những địa phương không thực hiện Thông tư liên tịch 03 lý giải, thông tư này không đảm bảo cơ sở pháp lý vì trái với Nghị định Chính phủ và trên nữa là các luật liên quan. Bởi vậy tổ chức đơn vị sự nghiệp ở tuyến huyện hiện nay vẫn còn nhiều đầu mối và không thống nhất về mô hình tổ chức quản lý. Tại hội nghị của ngành y tế vừa qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng đã thừa nhận rằng, y tế cơ sở đang có mô hình tổ chức, quản lý không thống nhất, nảy sinh nhiều bất cập nhưng Bộ Y tế chưa có hướng xử lý trong tương lai gần. Vấn đề là phải chờ sửa các các văn bản pháp luật liên quan từ trên xuống và như thế thời gian không thể một sớm một chiều là xong. Bởi vậy, Bộ Y tế đưa ra quan điểm là trên cơ sở thực lực của mình từng địa phương lựa chọn mô hình y tế cơ sở phù hợp, nhưng không khuyến khích tách, lập thêm các đơn vị y tế tuyến huyện vì càng tách, lập mới các đơn vị thì càng yếu nguồn lực.

Được biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư TƯ Đảng Bộ Y tế đang gấp rút xây dựng Đề án Tăng cường y tế cơ sở và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh để huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tập trung mọi nguồn lực cho phát triển y tế cơ sở. Trong đó, có đề xuất các giải pháp để thống nhất lại cơ cấu tổ chức, quản lý mạng lưới y tế cơ sở.

Theo các chuyên gia, Đề án Tăng cường y tế cơ sở mà Bộ Y tế đang xây dựng là rất cần thiết trong nhu cầu phát triển, củng cố và phát huy năng lực của mạng lưới này trước nhu cầu KCB và đảm bảo chăm sóc sức khỏe người dân trực tiếp từ cơ sở. Đặc biệt cần phải có một mô hình thống nhất cho y tế cơ sở để tập trung quản lý, chỉ đạo chuyên môn, cung cấp các dịch vụ y tế có chất lượng cho người dân. Bên cạnh đó, nếu Bộ Y tế nhận thấy quản lý đơn vị sự nghiệp theo ngành là cơ chế phù hợp thì phải trình cấp có thẩm quyền cho phép triển khai thực hiện triệt để Thông tư liên tịch số 03. Đây là phạm vi rộng về tổ chức bộ máy quản lý nhà nước, Bộ Y tế, Bộ Nội vụ không thể thấy “tốt” là có thể tự làm được.

 Theo Bộ Y tế, hiện tất cả các huyện trong cả nước đã thành lập Phòng Y tế, nhân lực có nơi được bố trí 10 cán bộ, nhưng hầu hết mới bố trí được 1-3 cán bộ. Tất cả các huyện có Trung tâm Y tế; trong đó có 233 trung tâm, khoảng 33% thực hiện chức năng y tế dự phòng và KCB; 460 huyện, khoảng trên 66% đã chia tách thành lập riêng Bệnh viện Đa khoa huyện và Trung tâm Y tế dự phòng. 55 tỉnh, thành giao Trung tâm Y tế huyện quản lý Trạm Y tế xã; các tỉnh, thành còn lại giao Phòng Y tế huyện quản lý Trạm Y tế xã. Có 3/63 tỉnh đã thành lập Trung tâm An toàn vệ sinh thực phẩm ở cấp huyện.

Quang Vũ