Thông điệp từ những lá thư thời chiến

- Thứ Tư, 02/09/2020, 08:06 - Chia sẻ
PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh
Trong số những tài sản của gia đình tôi còn lưu giữ có một gói “những lá thư thời chiến” - báu vật của gia đình. Những lá thư viết bằng giấy pelure chi chít chữ - hình ảnh quen thuộc của hàng triệu gia đình Việt Nam suốt những năm đấu tranh thống nhất đất nước và bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc. Những lá thư không chỉ chất chứa tình yêu thương của con người với gia đình bè bạn, với quê hương đất nước, mà nó còn là thông điệp về ý chí, lý tưởng sống, chiến đấu của những người lính, là nhịp cầu thông tin nối liền tiền tuyến với hậu phương.

Một thời oanh liệt qua những trang thư

Bố tôi, ông Nguyễn Thế Tính, vừa học hết cấp III đã xung phong đi bộ đội. Ông “đi B” vào chiến trường Trị Thiên Huế khi vừa cưới mẹ tôi được 7 ngày. Bởi thế, bao nhiêu nhớ thương, hồi hộp đều được ông gửi gắm vào từng dòng thư.

Những lá thư ông gửi từ chiến trường luôn thấm đẫm hiện thực cuộc sống chiến đấu. Có khi đó là chuyện kể về một trận chống địch càn quét, đối đầu với xe tăng địch; về những năm tháng nằm hầm bí mật ở Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà (Thừa Thiên Huế); về sự hy sinh của đồng đội; giây phút được kết nạp Đảng giữa đạn bom… Cứ thế, bức tranh về một chiến trường ác liệt giữa cái sống và cái chết cứ hiện ra đầy đủ, chân thực mà khốc liệt.

Thư và ảnh của bà Nguyễn Thị Phương gửi ông Nguyễn Thế Tính

Thường thì mỗi khi nhận thư, cả xóm Tam Sơn, xã Thường Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Hà Bắc (nay là Bắc Giang) lại quây quần cùng nhau chong đèn đọc đi, đọc lại. Thời đó, tất cả thư từ chiến trường về đều đem đọc chung như thế, bởi hầu như nhà nào cũng có người ngoài tiền tuyến; cũng có chung nỗi mong ngóng, hy vọng...

Còn những lá thư của mẹ gửi cho bố tôi đơn giản chỉ là những tâm sự “ngày Bắc, đêm Nam”, những nỗi niềm tháng năm xa cách… nhưng điểm chung của mỗi bức thư bao giờ cũng là sự động viên, khích lệ chồng chiến đấu, lập công, để sớm thống nhất đất nước. Cũng có lá thư “trách khéo” vì thấy ông ít bày tỏ tình cảm: “Nhận thư anh, mấy đứa bạn em nó bảo, thư này anh viết vào mùa khô nên hơi bị khô khan…”. Bố tôi kể, lá thư mẹ tôi gửi vào chiến trường năm 1968, khi đến tay ông thì nó đã được các đồng đội trong đơn vị đọc trước. Nhưng ông không hề giận, bởi với những người lính thời ấy, mỗi lá thư từ hậu phương là “thần dược”, là động lực to lớn để họ tiếp tục sống, chiến đấu.

Câu chuyện gia đình tôi chỉ là một mảnh ghép nhỏ riêng biệt trong hàng vạn mảnh ghép chung của cuộc sống, của những con người đã vượt qua chiến tranh để mang độc lập, tự do và hạnh phúc về cho dân tộc. Sau này, khi đọc “Những lá thư thời chiến” do nhà văn Đặng Vương Hưng sưu tầm, biên soạn và xuất bản, tôi càng hiểu hơn những giá trị của cái riêng và cái chung đó.

Có lẽ, khi đặt bút viết vội những dòng nhắn nhủ từ chiến trường khốc liệt gửi về cho người thân yêu nơi quê nhà, những người lính không nghĩ rằng, đến một ngày, những lá thư ấy lại trở thành kỷ vật vô giá, cứ liệu lịch sử quý báu của dân tộc. Ngược lại, những người mẹ, người vợ, người con gái ở quê nhà cũng đâu thể ngờ được, sự nhung nhớ, động viên, mong ngóng và hy vọng gửi gắm qua mỗi lá thư cho người thân nơi chiến tuyến, đã làm nên sự vĩ đại của phụ nữ Việt Nam.

Đọc “Hai lá thư tình không gửi”, viết tại chiến trường B5 gửi cho thầy, mẹ của liệt sĩ Vũ Hùng Ngọc - người chiến sĩ bị địch thiêu sống nhưng quyết không hé răng khai nửa lời, mới thấy rõ khí tiết của người lính Cụ Hồ: “Hiện giờ, chúng con đang chuẩn bị cùng đồng đội đánh cho bọn Mỹ những quả đấm thép, những đòn quyết định cho lịch sử. Vì thế, chúng con, với tất cả sức lực, với sự hiểu biết và tinh thần của mỗi người, sẽ sẵn sàng hy sinh cống hiến tuổi xuân cho Cách mạng, cho gia đình, cho đồng lúa xanh tốt...” (Những lá thư thời chiến - trang 191).

Hay lá thư của liệt sĩ Phan Đồng gửi cha là Phan Thao - một lão thành cách mạng có đoạn viết: “Đại đội con nhiều đứa trốn về, con nhất định chẳng một lần làm thế. Trốn về, chẳng những bôi nhọ danh dự bản thân mà còn cả danh dự gia đình. Con đã được tuyên dương ở đại đội. Biết là nhiều gian khổ nhưng con sẽ vượt qua một cách chắc chắn” (Những lá thư thời chiến - trang 255).

Những lá thư thời chiến do nhà văn Đặng Vương Hưng cung cấp

Nguồn: ITN 

Những lá thư chan chứa tình cảm riêng dành cho người yêu, cho vợ, chồng, hay cha mẹ... luôn có tình yêu quê hương đất nước, luôn có ý thức trách nhiệm với công việc, nhiệm vụ được giao. Trong bức thư “Hãy nhìn lên lá cờ Tổ quốc ba má sẽ thấy hình bóng con” của liệt sĩ Nguyễn Ngọc Tấn gửi cho ba mẹ có đoạn: “Ba mẹ ạ! Con rất hiểu, người thanh niên sống dưới thế hệ Hồ Chí Minh vĩ đại đã đánh bại thực dân Pháp, giành lại chính quyền ta từ những năm đen tối, gian khổ, đem lại ruộng đất cho dân cày, đem lại hạnh phúc cho đồng bào ta ở miền Bắc. Còn hiện nay đế quốc Mỹ đang gây chiến tranh ở nước ta, đồng bào miền Nam yêu dấu của chúng ta đã chịu bao nhiêu năm tù đày chết chóc dưới bàn tay của chúng...” (Những lá thư thời chiến - trang 284).

Trên tất cả, những lá thư từ hai chiều nỗi nhớ ấy đã trở thành lý tưởng sống của cả một thế hệ những người cầm súng. Những bức thư ấy, đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị về ý chí, nghị lực phi thường và lý tưởng sống cao cả của cha anh với lớp lớp cháu con sau này. Đặc biệt hơn, những địa danh ghi trong thư, đã trở thành một địa chỉ cho những người đồng đội hôm nay tìm nhau.

Không chỉ là nỗi nhớ mong khắc khoải

Những bài học về lý tưởng sống, về chuẩn mực của những giá trị thời đại cứ hiện ra một cách tự nhiên và bình dị. Câu chuyện của một người anh trai khuyên bảo em gái đang học ở Triều Tiên là một ví dụ: “Vì những con người hôm nay đang lăn lộn trên chiến hào và trên mâm pháo mà Tổ quốc đã chắt chiu để gửi các em đi học và một số bạn em được học trong nước, quân thù sẽ phải rùng mình kinh sợ trong tương lai, không chỉ là sức mạnh bạo lực của chúng ta mà còn là sức vùng dậy mạnh mẽ của chúng ta sau trận chiến đấu...” (Những lá thư thời chiến - trang 63).

Hay, một bức thư của người anh trai viết cho em gái đang học tập tại nước ngoài không chỉ đơn thuần dừng lại ở việc nhắc nhở em phải học tập cho tốt... “Lâu không biết tình hình của em thế nào, nên không có gì để nói, chỉ nhắc em một số điểm: (1) Tình hình trong nước sẽ có nhiều sự kiện không thể lường trước được, vì mọi việc tiến triển rất nhanh, mặt khác kẻ thù sẽ tàn bạo và thâm hiểm hơn. Em nên xác định; dù thế nào nhân dân ta cũng sẽ đánh đến cùng và giành thắng lợi đến cùng, tuyệt đối không giao động hoặc lạc quan quá đáng. (2) Nên cố gắng nâng cao chất lượng học tập, chú ý học tiếng Nga, đã học là phải vận dụng được, muốn vận dụng được phải đọc nhiều sách Nga ngay từ bây giờ. (3) Nếu tình hình có những thay đổi, một mặt yên tâm học tập để học tốt, mặt khác phải sẵn sàng ứng phó với những thay đổi. Ví dụ: em về nước lúc đang học dở dang... Thương yêu nhiều, anh của em!”.

Chắc hẳn, tác giả của những lá thư ấy không thể biết có một ngày lại có những người đem những lá thư ấy công bố với quảng đại nhân dân như việc hôm nay chúng ta đang làm. Vì thế, sự chân thực cứ tự nhiên bộc lộ, không màu mè, hào nhoáng như thư của người chồng Quốc Lam gửi cho vợ là Đinh Thị Lan: “Em yêu thương nhớ của anh! Trước hết anh báo tin em mừng là anh vẫn bình yên, an toàn mạnh khỏe sau hai tháng chiến đấu liên tục suốt ngày đêm tại miền Tây tỉnh Thừa Thiên. Anh hãnh diện nói với em là mắt anh đã nhìn thấy giặc Mỹ phải chạy, phải khóc vì pháo của ta bắn rất trúng vào trận địa pháo, vào máy bay của chúng đang hạ cánh...” (Những lá thư thời chiến - trang 176).

Hay lá thư của anh Nguyễn Cường, gửi cho anh trai là Nguyễn Thế Tính: “Anh em mình cùng cố gắng trong Đại gia đình vệ quốc. Đang viết thì địch ném bom, phải ngừng vài phút, bây giờ lại tiếp tục. Em đã mở to tròn con mắt, đã biết suy nghĩ rồi. Em hiểu nhiệm vụ của một người lính tiên phong và cố thực hiện cho bằng được. Em đã hiểu lẽ sống hơn...” (Những lá thư thời chiến - trang 295).

Cũng có khi, bức thư chỉ giản dị là một lời chào trước lúc hành quân, được viết vội trên mảnh vải quần nhưng người lính Phạm Nho Nghĩa đã gửi cho vợ mình cả một bầu trời hy vọng vào tương lai tươi sáng: “Em Loan yêu, khi em nhận được những quần áo còn ấm hơi anh thì anh đã đi được chặng đường khá dài và đang tiếp tục cuộc hành quân tới đích. Chúc em và 3 con Bách, Hồng, Việt mạnh khỏe và tin tưởng ở ngày mai thắng lợi”. (Những lá thư thời chiến - trang 109).

Có thể thấy, dù trải qua vài thập kỷ nhưng giá trị và ý nghĩa giáo dục lý tưởng sống cho thanh niên qua những lá thư thời chiến vẫn còn nguyên vẹn. Thông điệp thật rõ ràng: Đó là lý tưởng sống cao cả vì mọi người, là sự hy sinh vì sự nghiệp chung của Tổ quốc; là tình yêu trong sáng và nghị lực vượt qua mọi thử thách gian lao; là cách thức đối đầu trước cái chết và trước quân thù… Và, đó là điều đã giúp dân tộc Việt Nam ta đánh bại mọi kẻ thù xâm lược!