Đại hội đồng IPU-142:

Thông điệp mạnh mẽ về hợp tác Nghị viện trong đại dịch

- Thứ Bảy, 29/05/2021, 05:17 - Chia sẻ
Diễn ra từ ngày 24 - 27.5 vừa qua, Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 142 (Đại hội đồng IPU-142) đã thu hút sự tham dự của hơn 1.000 nghị sĩ và chuyên gia đại diện cho 135 quốc gia thành viên IPU. Đại hội đồng IPU-142 đã gửi đi thông điệp mạnh mẽ về tình đoàn kết và hợp tác quốc tế nhằm vượt qua thách thức hiện tại, hướng đến tương lai tốt đẹp hơn thông qua các nỗ lực thúc đẩy hòa bình, phát triển bền vững, bình đẳng giới, trao quyền cho thanh niên, bảo đảm dân chủ và quyền con người. Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm Trưởng đoàn tham dự Đại hội đồng; cử thành viên tham dự tích cực các hoạt động trong khuôn khổ Đại hội đồng và có những đóng góp thiết thực, cụ thể.

Cần chống lại "chủ nghĩa dân tộc" trong tiếp cận vaccine phòng Covid-19

Trong hơn một năm qua, thế giới đã trải qua biến động lớn do đại dịch Covid-19 mang lại, tác động sâu rộng tới các lĩnh vực y tế, chính trị, kinh tế, xã hội. Trên toàn cầu đã có ít nhất 160 triệu ca nhiễm Covid-19 và khoảng 3,5 triệu người bị tử vong do dịch bệnh này. Đại dịch Covid-19 đã tác động tới sức khỏe con người, làm gián đoạn các hoạt động kinh tế, xã hội; làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng vốn đã ở mức cao và nới rộng khoảng cách giữa các quốc gia phát triển - đang phát triển. Đại dịch cũng làm bộc lộ rõ hơn những rạn nứt trong hệ thống đa phương về quản trị toàn cầu, song cũng làm nổi bật năng lực của các quốc gia trong việc bảo vệ người dân của họ. Bên cạnh đó, các thách thức khác như xung đột, khủng hoảng môi trường, biến đổi khí hậu tiếp tục đẩy những người yếu thế ở nhiều nơi trên thế giới lâm vào tình trạng càng dễ bị tổn thương hơn.

Trong bối cảnh đó, Đại hội đồng IPU-142 với chủ đề chung “Vượt qua đại dịch hôm nay và xây dựng ngày mai tốt đẹp hơn: Vai trò của các Nghị viện” đã gửi đi một thông điệp chung, kêu gọi các Nghị viện trên thế giới đồng tâm hiệp lực để có cách tiếp cận chiến lược chung nhằm đối phó với những ảnh hưởng trước mắt của đại dịch và giải quyết những vấn đề về cấu trúc, xem xét lại nền tảng của thế giới trước đại dịch cũng như mở đường cho một thế giới sau đại dịch: kiên cường, bền vững, bình đẳng và công bằng hơn.

Chủ tịch IPU Duarte Pacheco cho rằng, Đại hội đồng IPU-142 là kỳ Đại hội đồng chưa từng có tiền lệ của IPU khi lần đầu tiên được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Ông cũng kêu gọi, các nghị sĩ cần nắm bắt cơ hội, tranh thủ động lực được tạo ra từ Đại hội đồng IPU-142 nhằm bảo đảm các Nghị viện đóng góp vào quá trình phục hồi hệ thống đa phương toàn cầu, tiếp tục xây dựng các Nghị viện quốc gia dân chủ và vững mạnh, mang lại lợi ích cho người dân.

Tổng Thư ký IPU Martin Chungong nhấn mạnh, bất kể các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội và hạn chế đi lại giữa các quốc gia được thiết lập trong hơn một năm qua, việc Đại hội đồng IPU-142 được tổ chức bằng hình thức trực tuyến đã tái khẳng định vai trò của IPU là cơ chế toàn cầu hàng đầu về đối thoại và hợp tác Nghị viện.

Với khoảng 30 cuộc họp trực tuyến được tổ chức trong khuôn khổ Đại hội đồng IPU-142, các Nghị viện thành viên đạt được nhận thức chung về sự cần thiết phải củng cố đoàn kết và hợp tác quốc tế, phản ứng mạnh mẽ hơn nhằm chấm dứt đại dịch và hành động nhằm thúc đẩy hòa bình, phát triển bền vững, bình đẳng giới, trao quyền cho thanh niên, bảo đảm dân chủ và quyền con người.

Đại hội đồng IPU-142 đưa ra thông điệp về bảo đảm tiếp cận vaccine công bằng và bình đẳng. Các nghị sĩ chia sẻ nhận thức chung về việc đại dịch Covid-19 sẽ chưa kết thúc chừng nào đại đa số người dân ở mỗi quốc gia chưa được tiêm vaccine phòng Covid-19. Việc người dân ở mọi quốc gia đều có thể tiếp cận vaccine công bằng và bình đẳng là yếu tố quan trọng đối với hợp tác quốc tế và sẽ quyết định mức độ nhanh chóng của các quốc gia bước vào giai đoạn phục hồi sau Covid-19. Các nghị sĩ nhấn mạnh vaccine phòng Covid-19 cần được xem như một loại hàng hóa công cộng - tức là phải dễ tiếp cận đối với mọi người dân trên hành tinh này, kể cả những đối tượng yếu thế và dễ bị tổn thương nhất. Các đại biểu kêu gọi các nghị viện cần chống lại chủ nghĩa dân tộc đối với vaccine và vận động để ai cũng có thể được tiêm vaccine dễ dàng và miễn phí chứ không phải chỉ ở những quốc gia giàu có.

Xây dựng ngày mai tốt đẹp hơn

Một trong các kết quả nổi bật của Đại hội đồng IPU-142 là hai nghị quyết về tăng cường hòa bình chống lại các mối đe dọa xung đột do biến đổi khí hậu gây ra và về lồng ghép số hóa và kinh tế tuần hoàn nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) được Đại hội đồng thông qua với sự đồng thuận cao. Trước đó, hai dự thảo nghị quyết đã được đưa ra bàn thảo tại các phiên họp trực tuyến của Ủy ban thường trực về Phát triển bền vững và Ủy ban thường trực về Hòa bình và an ninh thế giới của IPU. Tại các phiên họp này, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đều tham gia tích cực và có những đóng góp thiết thực, cụ thể. 

Cả hai nghị quyết trên được thiết kế để trở thành kế hoạch chi tiết cho hành động của Nghị viện ở cấp quốc gia. Trong đó, nghị quyết về lồng ghép số hóa và kinh tế tuần hoàn nhằm đạt được SDGs được Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Dương Quốc Anh đánh giá là nghị quyết rất toàn diện, tham vọng nhưng cũng cực kỳ cần thiết, nhất là trong bối cảnh đại dịch hiện nay. Nghị quyết của IPU khẳng định, số hóa là công cụ quan trọng để củng cố nền kinh tế tuần hoàn. Ở chiều ngược lại, các nguyên tắc tuần hoàn cũng cần phải được coi là trọng tâm của số hóa.

Để Nghị quyết của IPU có thể thúc đẩy và dẫn dắt các công việc và hành động của Nghị viện trong lĩnh vực số hóa và nền kinh tế tuần hoàn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Dương Quốc Anh đại diện cho Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đề xuất, các Nghị viện thành viên cần nâng cao nhận thức chung của toàn xã hội về Nghị quyết này, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, trước hết là với các cơ quan của Quốc hội, sau đó là Chính phủ và người dân nhằm hình thành nền kinh tế tuần hoàn với sự hỗ trợ của số hóa. IPU cần củng cố quan hệ hợp tác với các nghị viện thành viên và các tổ chức khác, bao gồm cả các tổ chức Nghị viện khu vực nhằm thu thập chứng cứ, thông tin về nền kinh tế tuần hoàn, môi trường và số hóa, xây dựng khung hướng dẫn cho các hành động của Nghị viện. Bên cạnh đó, IPU cần chủ động tạo diễn đàn chính thức cho các Nghị viện thành viên tiếp tục học hỏi thực tiễn, kinh nghiệm của nhau và đẩy mạnh hơn nữa sự ủng hộ từ phía các nghị viện của các quốc gia là nhà tài trợ cho các quốc gia khác.

Với việc tích cực tham gia Đại hội đồng IPU-142 và các phiên họp liên quan, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò là thành viên trách nhiệm của IPU và các diễn đàn Nghị viện quốc tế, khu vực; đồng thời, thể hiện sự ủng hộ đối với sự phát triển của IPU cũng như các định hướng chiến lược mới của IPU trong giai đoạn 2022 - 2026.

Phát biểu tại phiên họp toàn thể của Đại hội đồng IPU-142, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn - Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Đại hội đồng IPU-142 hoan nghênh IPU đã chủ động chuyển đổi linh hoạt thích ứng với bối cảnh mới, minh chứng là việc tổ chức Đại hội đồng IPU-142 theo hình thức trực tuyến với một chủ đề mang tính thời sự, phản ánh ý nguyện của 179 Nghị viện thành viên trong ứng phó với đại dịch nghiêm trọng này. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội bày tỏ hy vọng, sự cam kết chính trị mạnh mẽ, sự cố gắng, nỗ lực, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau của tất cả các Nghị viện thành viên IPU sẽ giúp chúng ta “Vượt qua đại dịch hôm nay và xây dựng một ngày mai tốt đẹp hơn”.

Nhật An