Xây dựng thương hiệu Hà Nội - Thành phố sáng tạo

- Thứ Bảy, 17/12/2022, 17:50 - Chia sẻ

Phát biểu tham luận tại Hội thảo Văn hóa 2022 chiều 17.12, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết Hà Nội đang tập trung định hướng, chính sách và nguồn lực cho phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng thương hiệu Thành phố sáng tạo. Việc Hà Nội tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO vì mục tiêu lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững.

Ngày 17.6.1999, Hà Nội đón nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” của UNESCO. Sau 20 năm, ngày 30.10.2019, Thành phố tiếp tục được vinh danh là thành viên “Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO” và là địa phương đầu tiên của Việt Nam tham gia mạng lưới này.
Xây dựng thương hiệu Hà Nội - Thành phố sáng tạo
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, Hà Nội đang tập trung định hướng, chính sách và nguồn lực cho phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng thương hiệu thành phố sáng tạo. Ảnh: Lâm Hiển

Tham gia Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO, Hà Nội vì mục tiêu lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững. Sự kiện này giúp xác lập mục tiêu phát triển văn hóa mới, truyền cảm hứng sáng tạo và định vị thương hiệu mới cho Hà Nội trên trường quốc tế; là bước tiến thuận lợi cho Thủ đô Hà Nội có điều kiện phát huy sức mạnh tổng hợp các nguồn lực kinh tế, chính trị, xã hội, nhất là khai thác, phát huy tối đa nguồn lực văn hóa và con người, đồng thời quyết tâm chuyển hóa cho nguồn lực ấy thành “sức mạnh mềm” văn hóa, bảo đảm thúc đẩy mạnh mẽ việc kế thừa và phát triển dòng chảy văn hóa sáng tạo của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Là nơi gặp gỡ Đông - Tây, Hà Nội là thành phố của sự đa dạng, có lịch sử ngàn năm văn hiến, nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào, đa dạng về loại hình và có giá trị cao về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật. Bên cạnh đó, Hà Nội có lợi thế với tỷ lệ dân số vàng với 51,7% dân số trẻ, có một cộng đồng sáng tạo mới mẻ, phong phú gồm các nhà thiết kế, nghệ sĩ, nhà khoa học, các không gian sáng tạo và hàng nghìn doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo và công nghiệp văn hóa. Đây chính là thế mạnh của thành phố trong kết nối quốc tế dựa trên sự sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ. 

Thực hiện nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, và giải pháp xây dựng, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong đó nhấn mạnh đến nội dung “Triển khai có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ thế giới”. Đây là cơ sở quan trọng để Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22.2.2022 về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Xây dựng thương hiệu Hà Nội - Thành phố sáng tạo
Các đại biểu dự Hội thảo. Ảnh: Lâm Hiển

Từ nhận thức tới hành động, phát huy tiềm năng, thế mạnh của mình thiết lập Hà Nội trở thành Thủ đô sáng tạo trong tương lai còn nhiều khó khăn, thách thức. Để trở thành một trong 3 trung tâm hàng đầu của cả nước về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, định vị thương hiệu “Thành phố Sáng tạo”, Hà Nội tập trung chỉ đạo thực hiện với 6 quan điểm. 

Thứ nhất, phát triển công nghiệp văn hóa được đặt trong tổng thể và dựa trên nền tảng phát triển văn hóa, con người Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. 

Thứ hai, phát triển công nghiệp văn hóa trên nguyên tắc đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, phát huy tối đa những tiềm năng, thế mạnh, giá trị văn hóa truyền thống mang bản sắc của Thủ đô ngàn năm văn hiến. 

Thứ ba, phát triển công nghiệp văn hóa là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của toàn xã hội trên tinh thần “đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển bền vững”. 

Thứ tư, quá trình phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với hoàn thiện thị trường văn hóa, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, lộ trình theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, phát huy cao nhất lợi thế của Thủ đô. 

Thứ năm, đảm bảo kết cấu hạ tầng, tạo lập môi trường và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cho các ngành công nghiệp văn hóa phát triển. 

Thứ sáu, hoàn thiện quy hoạch, cơ chế, chính sách phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa để huy động, đầu tư, khai thác tối đa và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô vừa bao trùm, đặc sắc, vừa bền vững, hiện đại.

Tám nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô Hà Nội đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 gồm: Thứ nhất, đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về công nghiệp văn hóa; Thứ hai, tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; Thứ ba, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp văn hóa; Thứ tư, tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại trong sáng tạo, sản xuất, phổ biến, lưu giữ các sản phẩm văn hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ văn hóa, phù hợp với thị trường trong và ngoài nước; Thứ năm, phát triển thị trường công nghiệp văn hóa chú trọng đến tiềm năng, lợi thế của Thủ đô; Thứ sáu, thu hút và hỗ trợ đầu tư; Thứ bảy, mở rộng giao lưu, hợp tác trong nước và quốc tế về văn hóa, tiếp tục thực hiện hiệu quả ngoại giao văn hóa; Thứ tám, thực hiện các cam kết của Hà Nội khi tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.

Hà Nội là Thành phố đầu tiên của Việt Nam gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO và cũng là Thành phố đầu tiên ban hành Nghị quyết riêng về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Để biến công nghiệp văn hóa thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô, Hà Nội đề xuất bốn vấn đề: Nghiên cứu, có chính sách đầu tư công, quản trị tư, đặc biệt đối với những thiết chế văn hóa; Cần có quy hoạch tổng thể về văn hóa và công nghiệp văn hóa của cả nước, để có thể điều tiết, quản lý phát huy thế mạnh của từng địa phương, lĩnh vực; Có chính sách phù hợp phát triển các loại quỹ văn hóa của công và tư. Đặc biệt, Hà Nội sẵn sàng nhận thí điểm các chính sách liên quan đến phát triển văn hóa nói chung, công nghiệp văn hóa nói riêng để làm tiền đề giúp thí nghiệm, nhân rộng ra cả nước. 

Thái Minh ghi
#