Phiên họp thứ 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Tiếp tục theo dõi chặt diễn biến dịch bệnh để có phương án ứng phó kịp thời

- Thứ Ba, 11/10/2022, 14:21 - Chia sẻ

Thảo luận về Báo cáo về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2022, dự kiến Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023 tại phiên họp sáng nay, 11.10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao nội dung báo cáo của Chính phủ, với nhiều điểm mới, cân đối giữa kinh tế và xã hội. Đồng thời yêu cầu, báo cáo cần bổ sung kinh nghiệm trong thực hiện "mục tiêu kép", nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế ngay sau khi cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, sự phối hợp nhuần nhuyễn để đạt được cả hai mục tiêu trong điều kiện khó khăn.

Tiếp tục theo dõi chặt diễn biến dịch bệnh để có phương án ứng phó kịp thời -0
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

GDP 9 tháng đầu năm tăng cao nhất giai đoạn 2011 - 2022

Tiếp theo chương trình Phiên họp thứ Mười sáu, sáng nay, 11.10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về: tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022, kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023; dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 (tỷ lệ phần trăm phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương giai đoạn 2023-2025); kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022; dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2023.

Tiếp tục theo dõi chặt diễn biến dịch bệnh để có phương án ứng phó kịp thời
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Theo báo cáo thẩm tra đánh giá thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022 do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày, bối cảnh, tình hình thế giới năm 2022 có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường, vượt khỏi khả năng dự báo của các nước và tổ chức quốc tế.

Trong nước, thực hiện Chương trình tiêm chủng và áp dụng các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, cùng các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, đời sống người dân và các hoạt động sản xuất, kinh doanh dần trở lại trạng thái bình thường, KT-XH cả nước phục hồi tích cực. GDP 9 tháng đầu năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011 - 2022, nhất là quý III tăng 13,67%.

Tiếp tục theo dõi chặt diễn biến dịch bệnh để có phương án ứng phó kịp thời -0
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng cho biết, đà phục hồi tăng trưởng được ghi nhận ở cả 3 khu vực của nền kinh tế; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng với tốc độ tăng 10,69%. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, CPI 9 tháng tăng 2,73%; lạm phát cơ bản tăng 1,88%. Các cân đối lớn được bảo đảm; thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, đồng Việt Nam được đánh giá là một trong những đồng tiền ổn định nhất trong khu vực. Các lĩnh vực của đời sống xã hội tiếp tục phát triển toàn diện hơn. Công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường được tăng cường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, thực hiện tốt các cam kết COP26. Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức thành công, có tác động rất lớn, tạo sự chuyển biến tích cực trong toàn ngành văn hóa.

Tiếp tục theo dõi chặt diễn biến dịch bệnh để có phương án ứng phó kịp thời -0
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế tiếp tục được đẩy mạnh; công tác thi hành án dân sự, nhất là xử lý các vụ việc phức tạp, kéo dài, xử lý thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế tiếp tục được quan tâm, tập trung chỉ đạo quyết liệt; quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, cục diện đối ngoại được giữ thuận lợi.

Việt Nam là quốc gia duy nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và là một trong 4 quốc gia trên thế giới được Moody’s nâng hạng tín nhiệm kể từ đầu năm đến nay. Ước thực hiện cả năm 2022 có 14/15 chỉ tiêu về phát triển KT-XH đạt và vượt mục tiêu, trong đó tăng trưởng GDP ước khoảng 8%; CPI khoảng 4%.

Về dự kiến Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ, tình hình kinh tế thế giới sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; đà suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu trở nên rõ rệt hơn trong khi lạm phát được dự báo vẫn duy trì ở mức cao. Liên quan đến các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2023, cần làm rõ hơn việc nới chỉ tiêu tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân năm 2023 lên 4,5%. Đồng thời, đề nghị tập trung vào một số trọng tâm, trọng điểm, cụ thể: kiên định, kiên trì thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; nghiên cứu mở rộng hơn không gian chính sách tài khóa gắn với hiệu quả của đầu tư công; đối với các chính sách an sinh xã hội, nghiên cứu mở rộng đối tượng và chú trọng tới nhóm lao động thuộc khu vực phi chính thức; tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch bệnh trên thế giới để có kịch bản, phương án ứng phó kịp thời; coi trọng công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế.

Tiếp tục theo dõi chặt diễn biến dịch bệnh để có phương án ứng phó kịp thời -0
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Thể hiện rõ nét cả về kinh tế và xã hội

Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá nội dung báo cáo rất đầy đủ, toàn diện, sâu sắc, có nhiều điểm mới, cân đối cả về kinh tế và xã hội, thể hiện rõ nét những khó khăn, tồn tại, hạn chế, yếu kém, đưa ra các đề xuất cụ thể, khả thi.

Về các bài học kinh nghiệm rút ra, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị báo cáo bổ sung thêm kinh nghiệm trong việc thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch bệnh, vừa giữ vững ổn định kinh tế, nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế ngay sau khi cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, phối hợp nhuần nhuyễn để đạt được cả hai mục tiêu trong điều kiện khó khăn. Đây là một kinh nghiệm quý giá cần phân tích kỹ, các bài học trong công tác phòng, chống dịch cần được áp dụng trong điều hành kinh tế, ứng phó các tình huống khẩn cấp, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Tiếp tục theo dõi chặt diễn biến dịch bệnh để có phương án ứng phó kịp thời -0
Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, báo cáo cần phân tích rõ nguyên nhân, đặc biệt là nguyên nhân của những kết quả, thành tựu đạt được trong thời gian qua. Cụ thể, cần làm rõ nét nguyên nhân của những kết quả đạt được là từ sự lãnh đạo sâu sát, sáng suốt của Đảng từ Trung ương đến địa phương, sự tham gia, đồng hành của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong công việc xây dựng thể chế, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị bổ sung các bài học kinh nghiệm về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nêu cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu, tăng cường kỷ luật, kỷ cương. Trong phương hướng phục hồi, phát triển nền kinh tế cần tập trung vào quy hoạch, tháo gỡ đầu tư công để đẩy mạnh tăng trưởng...

Đồng tình với nội dung báo cáo của Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ làm rõ thêm nguyên nhân khách quan, chủ quan, đề xuất giải pháp với các vấn đề: không đạt chỉ tiêu về tăng năng suất lao động xã hội; đầu tư công tiếp tục là điểm nghẽn; tình hình kết nối doanh nghiệp trong nước với đầu tư nước ngoài; vấn đề cải thiện chất lượng các dự án FDI, thu hút công nghệ cao, công nghệ nguồn, chuyển giao công nghệ.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng nêu rõ, năm 2023, Chính phủ cần bám sát tình hình thực tế, chú trọng công tác dự báo, sẵn sàng phản ứng kịp thời, đưa ra các giải pháp phù hợp cho các vấn đề phát sinh. Tập trung giải quyết các vấn đề nan giải, cấp thiết để từ đó bảo đảm đạt được những mục tiêu phát triển KT-XH đã đề ra.

Báo cáo, giải trình tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu tiếp thu hoàn chỉnh, rà soát lại số liệu và tiếp thu các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tư tới.

Tiếp tục theo dõi chặt diễn biến dịch bệnh để có phương án ứng phó kịp thời -0
Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Báo cáo, tiếp thu giải trình thêm những vấn đề Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu tại Phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nêu rõ, trong thời gian qua, đặc biệt là năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có sự hỗ trợ, hợp tác và đặc biệt là phối hợp rất tốt với Chính phủ trong việc giải quyết những vấn đề chung, trong đó có các vấn đề về KT-XH, ngân sách nhà nước. Thời điểm hiện nay có nhiều vấn đề phát sinh, do đó nội dung báo cáo về tình hình thực hiện KT-XH năm 2022, định hướng kế hoạch năm 2023 còn chậm. Bên cạnh đó, các báo cáo phải trình Quốc hội cũng nhiều hơn, như việc thực hiện chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội; công tác phòng, chống dịch Covid-19… là những vấn đề phát sinh mới nên có ảnh hưởng đến công việc chung.

Phó Thủ tướng Chính phủ cũng cho biết, các báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội lần này có chất lượng tốt hơn; nội dung rõ hơn; nêu những tồn tại, hạn chế trong điều hành thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH. Tuy nhiên, tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị làm rõ và phân tích sâu hơn, đặc biệt là trong công tác chỉ đạo điều hànhthực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.

Tiếp tục theo dõi chặt diễn biến dịch bệnh để có phương án ứng phó kịp thời -0
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Liên quan đến lĩnh vực văn hóa, giáo dục, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, nội dung trong báo cáo cơ bản đánh giá được toàn diện về tình hình thực hiện, kết quả đạt được và các tồn tại, hạn chế. Tuy nhiên, cần quan tâm hơn đến các giải pháp về văn hóa, thông tin tuyên truyền, khoa học công nghệ, thanh niên trẻ em.

Tiếp tục theo dõi chặt diễn biến dịch bệnh để có phương án ứng phó kịp thời -0
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho biết, trong lĩnh vực Ủy ban phụ trách, vấn đề giải ngân vẫn là tồn tại lớn nhất. Hiện, tốc độ giải ngân trong lĩnh vực văn hóa - xã hội rất thấp do công tác chuẩn bị đầu tư chưa tốt dẫn đến quy trình thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư chậm, từ đó ảnh hưởng đến việc tổ chức, triển khai dự án. Do đó, đề nghị thời gian tới, các cơ quan bám sát kết luận Hội nghị Văn hóa toàn quốc và Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội khóa XV để quan tâm nghiên cứu, thực hiện chủ trương xây dựng chương trình, mục tiêu về văn hóa.

Tiếp tục theo dõi chặt diễn biến dịch bệnh để có phương án ứng phó kịp thời -0
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Kết luận nội dung Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình và đánh giá cao Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Song, đề nghị báo cáo cần phân tích rõ hơn nguyên nhân, bài học kinh nghiệm của các kết quả đạt được, trong đó đề cập đến vai trò lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chính quyền các cấp; vai trò của đổi mới thể chế, giám sát, cải cách thủ tục hành chính; sự tham gia của các ngành, địa phương và người dân, doanh nghiệp; sự hỗ trợ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế.

Tiếp tục theo dõi chặt diễn biến dịch bệnh để có phương án ứng phó kịp thời -0
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê KĐăm phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023 như Chính phủ trình. Tuy nhiên, đề nghị làm rõ hơn căn cứ xác định chỉ số CPI; chỉ tiêu bác sĩ, giường bệnh/dân số; chỉ tiêu bảo hiểm xã hội chưa đạt; đồng thời, tiếp tục tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ đã đề ra trong Kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2021 - 2025.

Minh Trang
#