Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì Phiên khai mạc Hội nghị lần thứ 10 Vùng châu Á - Thái Bình Dương trong APF

- Thứ Hai, 28/11/2022, 16:19 - Chia sẻ

Chiều nay, 28.11, tại TP. Đà Nẵng đã diễn ra Phiên khai mạc Hội nghị lần thứ 10 Vùng châu Á - Thái Bình Dương trong Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF) do Phân ban Việt Nam trong APF tổ chức.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì và phát biểu khai mạc Hội nghị.

Cùng dự và chủ trì Hội nghị có: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh - Chủ tịch Phân ban Việt Nam trong APF, Phụ trách Vùng châu Á - Thái Bình Dương trong APF; Chủ tịch Nghị viện lãnh thổ Polynésie francaise, Chủ tịch Phân ban, Phó Chủ tịch APF Gaston Tong Sang; Tồng Thư ký hành chính của Liên minh nghị viện Pháp ngữ Damien Cesselin; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP. Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì Phiên khai mạc Hội nghị lần thứ 10 Vùng châu Á - Thái Bình Dương trong APF
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn với các đại biểu tham dự Hội nghị

Tham dự Hội nghị lần này có các đại biểu Quốc hội thành viên Phân ban Việt Nam trong APF, đại diện Thường trực Ủy ban Đối ngoại, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, Bộ Ngoại giao, Đại học Đà Nẵng, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) và một số các cơ quan liên quan.

Về phía đại biểu quốc tế có, Đoàn đại biểu Phân ban Campuchia do Chủ nhiệm Ủy ban Nội vụ, Quốc phòng và Công vụ của Quốc hội Campuchia Chuck Tema KEP làm Trưởng đoàn; Đoàn đại biểu Phân ban Lào do đại biểu Lào Viengvilay Thiengchanhxay làm Trưởng đoàn; Đoàn Phân ban Nouvelle-Calédonie do Chủ tịch Nghị viện lãnh thổ Nouvelle-Calédonie Roch Wamytan làm Trưởng đoàn; Đoàn Phân ban Polynésie francaise do Chủ tịch Nghị viện lãnh thổ Polynésie francaise, Chủ tịch Phân ban, Phó Chủ tịch APF Gaston Tong Sang làm Trưởng đoàn; Ban Tổng thư ký APF do Tổng Thư ký hành chính của APF Damien Cesselin dẫn đầu; Trưởng đại diện lâm thời khu vực châu Á - Thái Bình Dương OIF, Giám đốc khu vực AUF, đại diện Tổ chức Y tế thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương, đại diện Quỹ Dân số phát triển Liên Hợp Quốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương...

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì Phiên khai mạc Hội nghị lần thứ 10 Vùng châu Á - Thái Bình Dương trong APF -0
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Nguồn: quochoi.vn

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh - Chủ tịch Phân ban Việt Nam trong APF, Phụ trách Vùng châu Á - Thái Bình Dương trong APF cho biết, Hội nghị lần này đón hơn 30 đại biểu đến từ các Phân ban thành viên Vùng châu Á - Thái Bình Dương và đại diện các tổ chức quốc tế. “Đây là Hội nghị có sự tham gia đông đảo nhất của đại biểu tính đến nay nhờ sự mở rộng của Vùng từ 4 lên 7 thành viên. Sự có mặt của quý vị đại biểu tại đây ngày hôm nay là sự ủng hộ đối với hoạt động của APF vì sự phát triển chung của Cộng đồng Pháp ngữ trong khu vực và cũng thể hiện sự quan tâm, ủng hộ đối với đất nước và Nhân dân Việt Nam”, Chủ tịch Phân ban Việt Nam trong APF khẳng định.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, thay mặt Quốc hội Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhiệt liệt chào mừng các nghị sĩ đến từ các Phân ban khu vực châu Á - Thái Bình Dương của APF, đại diện các tổ chức quốc tế trong khu vực và các đại biểu khách quý tới tham dự Phiên Khai mạc Hội nghị lần thứ 10 Vùng châu Á - Thái Bình Dương trong APF, được tổ chức tại TP. Đà Nẵng từ ngày 27 - 30.11.2022.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ: Vùng châu Á - Thái Bình Dương trong APF, kể từ Hội nghị thành lập tại Huế năm 2006 với sự tham gia của 4 phân ban: Campuchia, Lào, Vanuatu, Việt Nam đã có sự mở rộng rất ấn tượng kể từ năm 2019 với sự tham gia của các Phân ban: Nouvelle-Calédonie, Polynésie francaise và Wallis-Futuna. Vượt qua trở ngại về mặt địa lý, sự có mặt tham dự đầy đủ của các nghị sĩ, đặc biệt là Chủ tịch Quốc hội Polynésie và Chủ tịch Hội đồng Nouvelle-Calédonie khẳng định sự tham gia mạnh mẽ của Vùng đối với các hoạt động đa phương, vào các cơ chế của APF; đồng thời, tăng cường để hoạt động của Vùng là cơ hội trao đổi kinh nghiệm thực tiễn, thúc đẩy hợp tác, có những đóng góp tích cực đối với với APF và Tổ chức quốc tế Pháp ngữ.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì Phiên khai mạc Hội nghị lần thứ 10 Vùng châu Á - Thái Bình Dương trong APF -0
Nguồn: quochoi.vn

Điểm lại những thành tựu quan trọng của Việt Nam đạt được sau hơn 35 năm Đổi mới, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho biết, về đối ngoại, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở vì hòa bình, hợp tác và phát triển, thực thi chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, Việt Nam đã phát huy vai trò thành viên tích cực và có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng, như Liên Hợp Quốc, ASEAN, APEC, ASEM, WTO... Trong đó, Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ và các nước thành viên trong Cộng đồng Pháp ngữ luôn giữ một vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Việt Nam luôn chia sẻ và ủng hộ các giá trị và mục tiêu cao cả của Cộng đồng Pháp ngữ, đó là hòa bình, dân chủ và đa dạng văn hóa - ngôn ngữ, đoàn kết, hợp tác và phát triển. Đây cũng là những mục tiêu mà Nhà nước và Nhân dân Việt Nam đang nỗ lực thực hiện trong công cuộc đổi mới toàn diện hiện nay và đã đạt được những thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng cho biết, với chức năng lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, là người đại diện cao nhất của Nhân dân, Quốc hội Việt Nam đã và đang tích cực đổi mới các hoạt động theo hướng hiệu quả, thiết thực trên tinh thần dân chủ và pháp quyền. Trong những năm qua, với sự nỗ lực, đoàn kết và gắn bó mật thiết với Nhân dân, Quốc hội Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống pháp luật đủ về số lượng, ngày càng nâng cao về chất lượng trên tất cả các lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội. Trên kênh ngoại giao liên nghị viện, Quốc hội Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của các tổ chức liên nghị viện khu vực và thế giới như Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Liên minh nghị viện Pháp ngữ (APF), Diễn đàn nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF), Hội đồng liên nghị viện các nước Đông Nam Á (AIPA) và nhiều tổ chức liên nghị viện khác.

“Quốc hội Việt Nam đánh giá cao vai trò của APF với các mục tiêu thúc đẩy và bảo vệ dân chủ, nhà nước pháp quyền, tôn trọng quyền con người, duy trì và phát triển sự đa dạng ngôn ngữ và văn hóa. APF đã tham gia ngày càng tích cực vào các hoạt động quốc tế, khởi xướng và triển khai các hoạt động thúc đẩy hợp tác liên nghị viện, tăng cường mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết giữa các thể chế nghị viện, đặc biệt là trong Cộng đồng Pháp ngữ”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khẳng định.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì Phiên khai mạc Hội nghị lần thứ 10 Vùng châu Á - Thái Bình Dương trong APF -0
Toàn cảnh Hội nghị. Nguồn: quochoi.vn

Trong những năm gần đây, thế giới đã trải qua những biến động khó lường, biến đổi khí hậu, khủng hoảng y tế, các cuộc xung đột kéo theo những hệ lụy chưa từng có về kinh tế, xã hội… đã ảnh hưởng trực tiếp đến từng quốc gia, chính vì vậy, sự đoàn kết, hợp tác chặt chẽ của cộng đồng quốc tế là vô cùng cần thiết để vượt qua những khó khăn, trở ngại.

Nêu bật bối cảnh tình hình này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, Hội nghị lần này diễn ra ngay sau Hội nghị Thượng đỉnh Pháp ngữ Djerba, Tunisie với những định hướng chiến lược mới, mở ra triển vọng kết nối trong đa dạng, ứng dụng công nghệ số, tăng cường sử dụng ngôn ngữ tiếng Pháp, nâng cao vai trò của phụ nữ và thanh niên, hướng tới phát triển và đoàn kết trong không gian Pháp ngữ vì một tương lai tốt đẹp hơn. Cùng với đó, Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP27) vừa bế mạc đã thông qua thỏa thuận khí hậu tổng quát cuối cùng, theo đó nhất trí thành lập Quỹ "Tổn thất và Thiệt hại" sẽ bao gồm các khoản chi trả cho những tổn thất và thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu gây ra.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội hoan nghênh Hội nghị lần này sẽ trao đổi thảo luận về tổ chức, hoạt động của Vùng nhằm tăng cường vai trò của khối Pháp ngữ tại khu vực; đồng thời, thảo luận bàn tròn về nhiều nội dung. Đó là tính cấp thiết của hợp tác quốc tế có trách nhiệm và bền vững trong lĩnh vực biến đổi khí hậu; vai trò của nghị viện trong kiểm soát khủng hoảng y tế, tái thiết và phát triển kinh tế - xã hội. “Đây là những chủ đề rất thời sự và vô cùng cần thiết đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương chúng ta, đặc biệt trong bối cảnh khu vực chịu tác động nặng nề đại dịch Covid-19 cùng tình hình biến đổi khí hậu hết sức phức tạp tại Campuchia, Lào, Việt Nam cũng như các quần đảo Nam Thái Bình Dương”. Nhấn mạnh điều này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các nghị sĩ tham dự Hội nghị sẽ có những trao đổi cởi mở, đối thoại và tham vấn, đồng thời tăng cường hợp tác nhằm tìm ra các giải pháp sáng tạo cho những thách thức đa chiều mà các nước Pháp ngữ đang phải đối mặt. 

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì Phiên khai mạc Hội nghị lần thứ 10 Vùng châu Á - Thái Bình Dương trong APF
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu tham dự Hội nghị

Trong khuôn khổ Hội nghị lần này, cũng trong nỗ lực đổi mới, thúc đẩy hợp tác kinh tế trong Cộng đồng Pháp ngữ, tiếp nối thành công của chuyến thăm của bà Tổng Thư ký Pháp ngữ cùng Đoàn xúc tiến thương mại đầu tiên của Pháp ngữ với hơn 100 doanh nghiệp Pháp ngữ diễn ra vào tháng 3.2022 tại Việt Nam và Campuchia, Ban Tổ chức Hội nghị tổ chức hoạt động thăm thực địa tại Tập đoàn Viễn thông - Quân đội Viettel. Đây là Tập đoàn đã có các dự án hợp tác rất thiết thực tại nhiều quốc gia như Campuchia, Lào, Burundi, Cameroun, Haiti, Tanzanie....

Thông qua hoạt động này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các nghị sĩ Pháp ngữ sẽ tăng cường vai trò cầu nối đóng góp vào việc thiết lập và củng cố các mối quan hệ đối tác thương mại hiệu quả giữa các thành phần kinh tế trong không gian Pháp ngữ, góp phần hiện thức hóa ý tưởng về một Pháp ngữ kinh tế sâu rộng - ý tưởng khởi nguồn từ chủ đề của Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 7 tại Việt Nam năm 1997 về “Tăng cường hợp tác và tình đoàn kết Pháp ngữ vì hòa bình và phát triển kinh tế, xã hội”.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe Thông điệp của Tổng Thư ký Nghị viện APF và phát biểu chào mừng của Lãnh đạo TP. Đà Nẵng.

Hằng Nga
#