Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chủ trì làm việc với UBND TP. Hồ Chí Minh

- Thứ Sáu, 03/03/2023, 18:10 - Chia sẻ

Chiều 3.3, Đoàn giám sát của Quốc hội về "Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; việc thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Trưởng Đoàn giám sát dẫn đầu đã làm việc với UBND TP. Hồ Chí Minh.

Cùng dự buổi làm việc, về phía Đoàn giám sát có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường - Phó Trưởng đoàn thường trực; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh - Phó Trưởng đoàn; Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình - Phó Trưởng đoàn.

Về phía TP. Hồ Chí Minh có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Phan Văn Mãi…

Báo cáo với Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cho biết, từ khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên vào ngày 23.1.2020, đến nay thành phố đã trải qua 4 đợt dịch, trong đó 3 đợt dịch đầu tiên đã được kịp thời phát hiện và nhanh chóng khống chế, không để lây lan trong cộng đồng. Tuy nhiên, đợt dịch lần thứ tư, dù đã có nhiều biện pháp phòng bị nhưng với sự xuất hiện của biến chủng Delta nguy hiểm, lây lan nhanh, ngày 29.4.2021, thành phố ghi nhận ca nhiễm đầu tiên, sau đó là hàng loạt các chuỗi lây nhiễm. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đến ngày 30.9.2021, TP. Hồ Chí Minh đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, chuyển sang thực hiện Kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố.

Trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát lần thứ tư, Thành phố đã triển khai thực hiện nghiêm túc các giải pháp theo tinh thần Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28.7.2021 của Quốc hội, Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 6.8.2021 của Chính phủ, Công điện số 1099/CĐ-TTg ngày 22.8.2021 và Công điện số 1102/CĐ-TTg ngày 23.8.2021 của Thủ tướng Chính phủ. Việc giãn cách xã hội được thực hiện triệt để, nghiêm ngặt, quyết liệt và hiệu quả. Các Tổ công tác đặc biệt tại các phường, xã, thị trấn đã phát huy tác dụng trong việc kiểm tra, nhắc nhở, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện giãn cách, thực hiện an sinh xã hội cho người dân.

Công tác y tế đã huy động tối đa nguồn lực tại chỗ và sự chi viện của các bộ, ngành Trung ương, nhất là Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng. Công tác tiêm chủng vaccine sớm được quan tâm. Xác định tiêm vaccine có ý nghĩa quyết định chiến lược phòng, chống dịch từ bị động sang chủ động, Thành phố đã huy động, sử dụng tối đa mọi nguồn vaccine, tạo tiền đề quan trọng cho việc thực hiện các biện pháp nới lỏng giãn cách xã hội và phục hồi kinh tế.

Lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh cũng nêu một số tồn tại, hạn chế như: công tác dự báo chưa theo kịp với diễn biến thực tế của dịch bệnh dẫn đến số lượng người mắc Covid-19 bùng phát mạnh trong thời gian ngắn. Hệ thống y tế cơ sở và y tế dự phòng chưa được đầu tư nguồn lực đúng mức trong thời gian qua để sẵn sàng ứng phó khi dịch bệnh mới bùng phát và lan rộng trên toàn thành phố dẫn đến quá tải hệ thống y tế trong thời gian đầu.

Việc giãn cách xã hội thời gian đầu có lúc, có nơi còn chưa triệt để; một bộ phận người dân còn lơ là, chủ quan; công tác bố trí và điều phối nhân lực còn chưa hợp lý. Việc ứng dụng công nghệ thông tin tuy nhiều nhưng còn hạn chế, hiệu quả chưa cao. Quy định kiểm soát một số hoạt động liên tỉnh chưa có sự thống nhất giữa các địa phương, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong chấp hành quy định phòng, chống dịch…

UBND TP. Hồ Chí Minh kiến nghị, cần ban hành các chính sách về huy động, hỗ trợ nguồn lực phù hợp với tình hình dịch bệnh và tình hình thực tế của địa phương. Củng cố, nâng cao năng lực trạm y tế phường, xã, thị trấn nhằm đa dạng các nguồn; bổ sung nhân lực cho trạm y tế bên cạnh các hình thức tuyển dụng thông thường; cập nhật, bổ sung các chế độ chính sách, chế độ phụ cấp ưu đãi đối với cán bộ y tế phù hợp với tình hình hiện nay để nhân viên y tế yên tâm công tác.

UBND TP. Hồ Chí Minh cũng kiến nghị cần chuyển đổi phân bổ trạm y tế theo địa giới hành chính sang phân bổ theo quy mô dân số, bảm đảm 10.000 - 20.000 dân có 1 trạm y tế.

Đoàn giám sát đánh giá cao báo cáo của UBND TP. Hồ Chí Minh, cơ bản đã bám sát đề cương, cung cấp nhiều thông tin cho Đoàn giám sát; đồng thời đánh giá cao Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn ĐBQH và Thường trực HĐND Thành phố, là một trong số ít HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có báo cáo kết quả giám sát độc lập. Trong đó, Báo cáo của Thường trực HĐND Thành phố đã phản ánh hoạt động thường xuyên, hiệu quả của cơ quan dân cử trong và sau thời điểm diễn biến dịch phức tạp, cả trong việc ban hành chính sách riêng có của thành phố cũng như giám sát việc tổ chức thực hiện, kết nối, chuyển tải kịp thời thông tin, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri, nhân dân tới cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, đây là chuyên đề giám sát rất quan trọng của Quốc hội, có phạm vi rộng, được nhân dân và cử tri rất quan tâm. Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư, dù chịu ảnh hưởng nặng nề nhưng với nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, TP. Hồ Chí Minh đã vượt qua khó khăn, thử thách. 

Tuy  nhiên, bên cạnh những thành quả, công tác huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch Covid - 19 và công tác y tế cơ sở, y tế dự phòng cũng đã bộc bộ nhiều khó khăn, hạn chế, thiếu sót. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị TP. Hồ Chí Minh khắc phục ngay những tồn tại của công tác phòng, chống dịch Covid-19, không đợi có kết quả giám sát mới thực hiện. Những kết quả, bài học kinh nghiệm, kiến nghị của thành phố cung cấp thông tin quan trọng để Đoàn giám sát xem xét, đánh giá kết quả thực hiện và xây dựng Báo cáo kết quả giám sát trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội. 

+ Trước đó, sáng cùng ngày, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã làm việc với UBND huyện Nhà Bè về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; việc thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng. Ba tổ công tác khác của Đoàn giám sát đã làm việc với Sở Y tế, UBND Quận 5 và UBND Quận 10, TP. Hồ Chí Minh. 

Nhật Trường
#