Nghị quyết 30 - sáng kiến lập pháp quan trọng, đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch Covid - 19

- Thứ Năm, 05/01/2023, 12:04 - Chia sẻ

Báo cáo thẩm tra do CHỦ NHIỆM ỦY BAN XÃ HỘI NGUYỄN THUÝ ANH trình bày tại phiên khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ Hai, Quốc hội Khoá XV

Nghị quyết số 30 là sáng kiến lập pháp vô cùng quan trọng đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc, kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương được thực hiện các biện pháp đặc thù, đặc cách, đặc biệt, chủ động, sáng tạo, linh hoạt đề xuất và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch chưa từng có tiền lệ, có thể khác với pháp luật hiện hành chưa được quy định trong pháp luật nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch Covid - 19, đặt mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe, sự an toàn của người dân lên trên hết, trước hết. Việc ban hành Nghị quyết 30 được Nhân dân cả nước đồng tình, ủng hộ, củng cố niềm tin với những quyết sách phòng, chống dịch của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ.

Sau gần 1,5 năm triển khai một cách khẩn trương, kịp thời, hiệu quả, cùng với nhiều giải pháp đồng bộ khác, Nghị quyết 30 đã góp phần đưa công tác phòng, chống dịch Covid - 19 đạt được nhiều thành tựu, đất nước cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, kinh tế - xã hội đang trên đà phục hồi mạnh mẽ, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia.

Về việc ban hành văn bản triển khai thực hiện, căn cứ Nghị quyết 30 và tiếp theo Nghị quyết 30, Quốc hội tiếp tục ban hành 6 Nghị quyết có nội dung về phòng, chống Covid - 19, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 10 Nghị quyết, trong đó 6 Nghị quyết có nội dung khác hoặc chưa được quy định trong các luật hiện hành. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương đã khẩn trương, kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện Nghị quyết 30, các biện pháp kiểm soát hiệu quả dịch Covid - 19.

Về cơ bản, các văn bản được ban hành khá cụ thể, bám sát thực tiễn, đề xuất các giải pháp, biện pháp sáng tạo, thiết thực nhằm hỗ trợ, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, doanh nghiệp, góp phần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Một số địa phương đã ban hành chính sách hỗ trợ riêng từ nguồn lực địa phương góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các chính sách, giải pháp, biện pháp phòng, chống dịch được đẩy mạnh. Việc phân cấp cho các địa phương được tăng cường, giúp triển khai thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch được nhanh chóng, kịp thời.

Tuy nhiên, Ủy ban Xã hội thấy rằng, việc ban hành văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện một số cơ chế chính sách còn chậm, lúng túng; các văn bản hướng dẫn, trả lời của các bộ, ngành Trung ương để giải quyết các vướng mắc, phát sinh ở địa phương vẫn còn chậm; một số văn bản do các bộ, ngành ban hành hoặc tham mưu ban hành theo thẩm quyền chưa đầy đủ, chưa bao quát được hết các nội dung về mức chi, đối tượng thụ hưởng, phương thức thanh toán chi phí và nguồn chi trả … gây khó khăn cho các đơn vị trong tổ chức thực hiện; việc thông tin, tuyên truyền, phổ biến đến người dân, doanh nghiệp và thậm chí cả người thực thi công vụ trực tiếp có lúc chưa kịp thời; một số quy định do ban hành trong tình trạng khẩn cấp nên chưa được đánh giá tác động thận trọng, kỹ càng dẫn đến việc triển khai thực hiện gặp nhiều lúng túng, khó khăn, thiếu đồng bộ.

Qua các cuộc khảo sát, giám sát của Ủy ban Xã hội cho thấy, còn một số hạn chế nhất định như thiếu cơ chế kiểm soát, thiếu kiểm tra kịp thời việc thực hiện, dẫn đến tình trạng mỗi địa phương quy định khác nhau, áp dụng không nhất quán, chưa có sự phối hợp tốt.

Về việc thực hiện các biện pháp hạn chế, Ủy ban Xã hội thấy rằng, Chính phủ đã linh hoạt khi thực hiện các biện pháp hạn chế để ngăn chặn kịp thời dịch bệnh lây lan theo từng mức độ dịch và khả năng kiểm soát dịch. Tuy nhiên, việc thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, cách ly có lúc, có nơi còn lúng túng, tổ chức thực hiện chưa nghiêm, chưa thống nhất; công tác duy trì, quản lý việc chấp hành quy định về phòng, chống dịch và phối hợp giữa các lực lượng có lúc, có nơi còn thiếu chặt chẽ, còn chủ quan, lơ là; ý thức chấp hành của một bộ phận người dân còn chưa tốt.

Về công tác y tế, Ủy ban Xã hội thấy rằng, Chính phủ đã rất nỗ lực và kịp thời huy động mọi lực lượng, các cơ sở y tế cả công lập và tư nhân tham gia xét nghiệm, tiêm chủng, khám bệnh, chữa bệnh Covid - 19; thành lập các bệnh viện dã chiến; tổ chức các hoạt động khám bệnh, chữa bệnh phù hợp và hiệu quả để phục vụ công tác điều trị Covid - 19; sự tham gia tích cực, kiên trì, không quản ngại khó khăn, nguy hiểm của các lực lượng tuyến đầu và các lực lượng trong phòng, chống dịch; kết quả của ‟ngoại giao vaccine” đã thể hiện sức mạnh tổng hợp, tinh thần quyết liệt từ Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, các bộ, ngành liên quan, các địa phương; tiêm chủng vắc xin phòng dịch Covid - 19 đạt nhiều kết quả, tỷ lệ bao phủ vaccine ao. Việc áp dụng các cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách theo Nghị quyết 30, nhất là việc áp dụng Nghị quyết 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tạo điều kiện thuận lợi cho ngành y tế trong việc thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm thuốc, vắc xin, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid - 19.

Tuy nhiên, việc quản lý, điều trị người mắc Covid - 19 thời gian đầu còn một số bất cập, một số cơ sở y tế chưa đáp ứng được yêu cầu về cơ sở vật chất, nhân lực phục vụ phòng, chống dịch Covid - 19, việc huy động sự tham gia của y tế tư nhân còn hạn chế do thiếu cơ chế và chính sách; công tác thanh toán, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh Covid - 19 còn vướng mắc; thanh toán chế độ hỗ trợ đối với lực lượng được huy động tham gia phòng, chống dịch còn chưa kịp thời; một số sai phạm trong việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, gây bức xúc trong dư luận.

Về thực hiện các biện pháp bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp, người sử dụng lao động, Chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương đã chủ động, chỉ đạo quyết liệt, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp; có phân công, phân cấp, giao trách nhiệm cụ thể; linh hoạt và sáng tạo trong công tác vận động, bổ sung các nguồn lực nhằm hỗ trợ người dân, người lao động và doanh nghiệp. Bên cạnh đó là tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết, sẻ chia, cùng nhau vượt qua khó khăn do dịch bệnh Covid - 19 giữa người dân, doanh nghiệp với nhau. Các chính sách an sinh xã hội, việc làm, chăm sóc sức khỏe nhân dân đã giúp bảo đảm đời sống, sức khỏe cho người dân, đặc biệt trong giai đoạn giãn cách xã hội.

Tuy nhiên, việc thực hiện triển khai một số chính sách hỗ trợ còn chậm; việc tiếp cận các gói an sinh xã hội còn hạn chế; công tác dự báo, dự kiến quy mô chính sách còn chưa sát thực tế. Thủ tục hành chính trong việc cấp và nhận các khoản hỗ trợ còn phức tạp, cứng nhắc. Nhiều địa phương khó khăn trong việc cân đối được ngân sách. Doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ gặp khó khăn nhiều hơn lại không được hỗ trợ hiệu quả; tốc độ giải ngân đầu tư công thấp, đặc biệt là các chính sách đầu tư theo Nghị quyết 43/2022/QH15. 

Các chính sách tài khóa, tiền tệ, miễn, giảm, hoãn thuế, phí, lệ phí do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ ban hành cơ bản kịp thời, mục tiêu rõ ràng, phù hợp với bối cảnh dịch bệnh Covid - 19 nhằm ứng phó với dịch bệnh, hỗ trợ người dân, người lao động và doanh nghiệp, giúp hoạt động sản xuất kinh doanh, kinh tế phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, có chính sách còn cào bằng, một số doanh nghiệp còn khó khăn khi tiếp cận chính sách; có chính sách giải ngân còn thấp...

Về nguồn lực phục vụ phòng, chống dịch Covid - 19, Báo cáo của Chính phủ đã phản ánh cơ bản đầy đủ các nguồn lực phục vụ cho công tác phòng, chống dịch đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định phân bổ từ nguồn vốn ngân sách trung ương; nguồn vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn huy động khác. Trong bối cảnh dịch Covid - 19, các tổ chức quốc tế, người dân, doanh nghiệp trong, ngoài nước đã có nhiều đóng góp bằng cả tiền mặt và vật chất, để cùng với Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid - 19. Việc huy động nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid - 19 đã đạt được kết quả quan trọng trong công tác kiểm soát dịch. Nội dung này sẽ được tiếp tục làm rõ và cụ thể tại Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội năm 2023 về “việc huy động, sử dụng nguồn lực phòng, chống Covid - 19, việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”.

Đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Sớm chỉ đạo hoàn thiện pháp luật để ứng phó với tình trạng tương tự trong tương lai. Thông qua Nghị quyết của Quốc hội để ghi nhận những thành quả của công tác phòng, chống dịch Covid - 19; tạo cơ sở pháp lý, cho phép tiếp tục thực hiện một số chính sách để giải quyết các vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch Covid - 19 và cho phép bổ sung tại dự thảo Nghị quyết quy định: “đối với các nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid - 19 đã thực hiện theo các quy định, chính sách, hình thức văn bản ban hành theo Nghị quyết 30 thì, khi thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, thanh toán, quyết toán và các hoạt động thi hành pháp luật khác cần được đối chiếu, áp dụng theo các quy định, đặc thù quy định tại Nghị quyết 30”.

Đề nghị Chính phủ: tiếp tục chỉ đạo việc rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống dịch bệnh, tăng cường bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân; khẩn trương giải quyết các khó khăn, hạn chế trong việc chi trả cho lực lượng được điều động, huy động tham gia công tác phòng, chống dịch Covid - 19, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với các cơ sở y tế và người bệnh Covid - 19; có giải pháp để tăng tốc độ giải ngân khi thực hiện một số chính sách của Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và có giải pháp thực hiện năm 2023.

* Đầu đề do Báo Đại biểu Nhân dân đặt

Quỳnh Chi ghi
#