Nhìn lại Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội

Nghị quyết 30 - bài học lập pháp chủ động, quyết liệt vì lợi ích của Nhân dân

- Thứ Sáu, 06/01/2023, 05:26 - Chia sẻ

Việc Quốc hội Khóa XV kịp thời bổ sung nội dung phòng, chống dịch Covid-19 vào chương trình và nghị quyết của Kỳ họp thứ Nhất - Nghị quyết số 30/2021/QH15 - là quyết sách có tính lịch sử, đáp ứng yêu cầu cấp bách trong bối cảnh đại dịch diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, mức độ nguy hiểm lây lan chưa từng có, khẳng định Quốc hội luôn sẵn sàng đổi mới, thể hiện rõ tinh thần cộng đồng trách nhiệm và lấy người dân làm trung tâm. Đây cũng là bài học về lập pháp chủ động, bám sát yêu cầu thực tiễn; về sự quyết liệt vì lợi ích của Nhân dân.

Cộng đồng trách nhiệm, vì lợi ích của Nhân dân

Quốc hội Khóa XV bắt đầu nhiệm kỳ mới trong bối cảnh làn sóng thứ tư của đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh, lây lan nhanh và diễn biến hết sức phức tạp, tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống người dân, phát triển kinh tế - xã hội trong nước và thế giới. Vượt qua những khó khăn, thách thức chưa từng có tiền lệ đó, hoạt động của Quốc hội đã thể hiện rõ tinh thần chủ động, quyết tâm đổi mới, thích ứng linh hoạt, vào cuộc từ sớm, từ xa, đặc biệt, đặt người dân, doanh nghiệp vào vị trí trung tâm của mọi quyết sách.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh Bình Dương thăm hỏi người ở trọ về việc được hỗ trợ các gói chính sách trong những ngày cao điểm dịch bệnh Covid-19 tại phường Hòa Lợi, thị xã Bến Cát
Đoàn giám sát HĐND tỉnh Bình Dương thăm hỏi người ở trọ về việc được hỗ trợ các gói chính sách trong những ngày cao điểm dịch bệnh Covid-19 tại phường Hòa Lợi, thị xã Bến Cát

Một minh chứng điển hình là trong hoạt động lập pháp, tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội đã kịp thời bổ sung nội dung phòng, chống dịch Covid-19 vào chương trình và nghị quyết của kỳ họp - Nghị quyết số 30/2021/QH15 - quyết sách có tính lịch sử đáp ứng yêu cầu cấp bách trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, mức độ nguy hiểm lây lan chưa từng có. Việc làm chưa có tiền lệ này đã khẳng định Quốc hội luôn sẵn sàng đổi mới, sáng tạo, thể hiện rõ tinh thần cộng đồng trách nhiệm và lấy người dân làm trung tâm.

Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội đã trao cho Chính phủ thẩm quyền được thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch khác với quy định của pháp luật, hay chưa được pháp luật quy định để kịp thời đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành các nghị quyết, như: Nghị quyết số 393/NQ-UBTVQH15, Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15... tiếp tục tạo cơ sở pháp lý cho Chính phủ và ngành y tế, lao động thực hiện kịp thời, hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19.

Có thể khẳng định, trong bối cảnh cực kỳ khó khăn khi hầu hết các địa phương trên toàn quốc phải nỗ lực chống chọi với đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, Quốc hội đã có những quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân; “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, tạo cơ sở triển khai quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt các giải pháp ứng phó kịp thời, ngăn chặn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe Nhân dân; đồng thời, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp duy trì sản xuất kinh doanh, vượt qua khó khăn, thử thách, thực hiện tốt các nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra. Nghị quyết số 30/2021/QH15 cho thấy sự thống nhất ý chí và hành động giữa các cơ quan trong bộ máy nhà nước trên tinh thần đổi mới, cộng đồng trách nhiệm, luôn đặt người dân và doanh nghiệp ở vị trí trung tâm trong mọi quyết sách, vì sự phát triển bền vững của đất nước.

Theo ghi nhận của cử tri và Nhân dân, Việc ban hành Nghị quyết 30 cũng là bài học kinh nghiệm quý trong hoạt động lập pháp. Đó là bài học về lập pháp chủ động, bám sát yêu cầu thực tiễn; là sự quyết liệt vì lợi ích của Nhân dân.

Phát huy vai trò chủ động, linh hoạt của các địa phương

Nghị quyết 30 của Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tăng cường phân cấp cho các địa phương để bảo đảm tổ chức triển khai thực hiện nhanh chóng, kịp thời các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Trên cơ sở Nghị quyết 30, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15 về việc cho phép Chính phủ ban hành nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, giao Thường trực HĐND quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của HĐND và báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Thường trực HĐND các địa phương phát huy tính chủ động, linh hoạt, vai trò của mình để cộng đồng trách nhiệm, nỗ lực phòng chống, từng bước kiểm soát, khống chế dịch bệnh, thúc đẩy phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Điển hình, phát huy tinh thần cộng đồng trách nhiệm cùng thành phố và hết lòng vì Nhân dân Thủ đô, ngay sau khi có chủ trương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15 ngày 6.8.2021 và Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 6.8.2021 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội đã chủ động phối hợp với UBND thành phố rà soát, xem xét, đề xuất bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù trong phòng chống dịch Covid-19. Ngày 13.8.2021, Thường trực HĐND thành phố đã ban hành đồng thời 3 nghị quyết về một số chính sách đặc thù hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch, hỗ trợ giá nước sạch sinh hoạt… với tổng số tiền hỗ trợ trên 500 tỷ đồng; đồng thời, đồng ý bố trí thêm 500 tỷ đồng bổ sung nguồn vốn vay giúp khắc phục khó khăn do đại dịch…

Trước diễn biến phức tạp, lây lan rộng với mức nguy cơ rất cao của làn sóng thứ tư dịch Covid-19 trên địa bàn, bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Trung ương, tại Kỳ họp thứ 2 (ngày 12.8.2021), cùng với thông qua một số nội dung hỗ trợ tiền dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng cho tiểu thương tại các chợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; hỗ trợ thực phẩm và nhu yếu phẩm cho người dân trong vùng cách ly y tế phòng, chống dịch trên địa bàn… HĐND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Nghị quyết số 43/NQ-HĐND ngày 12.8.2021, giao Thường trực HĐND thành phố quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 giữa hai kỳ họp. Trên cơ sở đó, Thường trực HĐND thành phố đã thống nhất ban hành kịp thời các chính sách bảo đảm nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch, nhất là các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn trên địa bàn, được dư luận xã hội đánh giá cao.

Nhìn lại hoạt động của HĐND tỉnh Bình Dương trong năm 2021 - năm đầu tiên thực hiện nhiệm vụ của nhiệm kỳ mới có thể thấy, trước diễn biến rất phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Thường trực và các Ban HĐND tỉnh đã linh hoạt tổ chức làm việc với phương thức phù hợp, nhất là giữa hai kỳ họp - thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh, làm “khóa chặt, đông cứng” nhiều hoạt động trên địa bàn; nghiên cứu, tham mưu HĐND tỉnh kịp thời ban hành 8 chế độ hỗ trợ đặc thù bằng hình thức lấy phiếu biểu quyết của đại biểu HĐND tỉnh. Bên cạnh đó, trên cơ sở Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15 ngày 6.8.2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chủ động nắm bắt kịp thời những yêu cầu thực tiễn, Thường trực HĐND tỉnh tăng cường ban hành các chế độ, chính sách trên cơ sở phối hợp chặt với UBND tỉnh, nhằm phục vụ yêu cầu cấp bách vừa phòng chống dịch, vừa bảo đảm nhu cầu cuộc sống của người dân khó khăn ở các phường bị “khóa chặt” vì dịch bệnh. Việc ban hành các chế độ, chính sách phù hợp với yêu cầu cấp thiết của địa phương đã tạo sự đồng thuận cao trong Nhân dân, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần chung tay ứng phó kịp thời với tình hình dịch bệnh trên địa bàn…

PHƯƠNG NGUYÊN