Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Không có vùng cấm, không bao che

- Thứ Hai, 20/03/2023, 12:01 - Chia sẻ

Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về phòng ngừa và xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong ngành tòa án, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, tất cả các vi phạm trong ngành đều được xử lý nghiêm và không có vùng cấm, không bao che.

Tăng cường kiểm tra, thanh tra hàng năm

ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đề nghị Chánh án Toà án nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình cho biết, từ năm 2018 đến nay có bao nhiêu cán bộ thẩm phán bị kỷ luật vì lợi dụng chức vụ, chức quyền tham nhũng, tiêu cực trong thi hành công vụ? Trách nhiệm của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và cán bộ lợi dụng chức quyền tham nhũng, tiêu cực trong thi hành công vụ như thế nào?

Trả lời nội dung này, Chánh án Toà án nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình nêu rõ, năm 2022 có 90 trường hợp bị xử lý trách nhiệm theo Quyết định số 120/QĐ-TANDTC của Tòa án nhân dân tối cao về xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong Tòa án nhân dân; 91 trường hợp bị kỷ luật, trong đó có 6 trường hợp bị xử lý hình sự, vi phạm về phẩm chất đạo đức, có vụ lợi trong hoạt động công vụ; 43 trường hợp dừng bổ nhiệm, trong đó có 6 trường hợp không được bổ nhiệm do vi phạm nghiêm trọng.

Cũng chất vấn về nội dung này, ĐBQH Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) nêu rõ, trong những năm qua, mặc dù ngành tòa án đã triển khai thực hiện nhiều quy định về phòng ngừa và xử lý tiêu cực, tham nhũng trong nội bộ ngành nhưng thực tế cho thấy vẫn còn nhiều cán bộ, thẩm phán vi phạm pháp luật. Theo báo cáo của Tòa án nhân tối cao, từ năm 2021 đến nay có 106 trường hợp cán bộ, công chức ngành tòa án đã bị xử lý kỷ luật, trong đó có 7 trường hợp tham nhũng và tiêu cực.

Mặt khác, thực trạng hiện nay, một bộ phận cán bộ, công chức, thẩm phán ngành Tòa án nhân dân xin nghỉ việc do áp lực công việc ngày càng tăng. Trong khi đó, công tác tuyển dụng biên chế ngành tòa án còn gặp nhiều khó khăn và bất cập. Ví dụ những năm gần đây ngành tòa án chỉ tuyển dụng công chức từ nguồn chính là sinh viên tốt nghiệp Học viện Tòa án.

Đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết trách nhiệm của mình về các nội dung nêu trên, đồng thời có giải pháp căn cơ về công tác đấu tranh, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; các giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đầu vào của ngành tòa án trong thời gian tới.

Trả lời nội dung chất vấn, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao khẳng định, tất cả các vi phạm trong ngành tòa án đều được xử lý nghiêm và không có vùng cấm, không bao che. Đây cũng là quan điểm của Đảng. Theo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, để phòng ngừa các hành vi vi phạm, ngành tòa án đã có rất nhiều giải pháp; trước hết là, tăng cường kiểm tra, thanh tra thường xuyên hàng năm; tăng cường đạo đức công vụ, trách nhiệm cho thẩm phán.

"Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành bộ quy tắc đạo đức thẩm phán và bộ quy tắc này đã được giảng dạy trong các trường của hệ thống tòa án. Những trường hợp vi phạm nếu phát hiện được sẽ chủ động chuyển cho cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra, thậm chí điều tra để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật", Chánh án Nguyễn Hoà Bình nói. 

Biên chế là một áp lực của ngành toà án

ĐBQH Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) cho rằng, vấn đề khá nan giải hiện nay là công tác cán bộ và biên chế. Số lượng biên chế các đơn vị không đủ để đáp ứng yêu cầu công việc, nhất là đội ngũ thư ký toà án, trong khi số lượng các công việc phải thụ lý ngày càng tăng và yêu cầu về nâng cao chất lượng đã tạo áp lực không nhỏ đối với các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân các cấp ở các địa phương trong cả nước. Đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết giải pháp trong thời gian tới để khắc phục tình trạng này.

Theo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, vấn đề biên chế hiện cũng là một áp lực của ngành. Cụ thể, ngành tòa án hiện có 15.000 thẩm phán, nếu tăng số lượng thẩm phán thì lại thiếu số lượng thư ký tòa án. Theo quy định mỗi thẩm phán sẽ có 1 thư ký để phục vụ việc thụ lý án nhưng thực tế 1 thư ký phải làm việc cho 3-4 thẩm phán, cho nên thời gian qua, rất nhiều thư ký vì chế độ đãi ngộ kém, không bảo đảm đã xin nghỉ việc. 

Với khuôn khổ biên chế hiện có, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết, giải pháp là khuyến khích, động viên cán bộ trong ngành, áp dụng các giải pháp để nâng cao năng suất lao động và chất lượng công việc.

Từ năm 2021 đến nay, ngành tòa án đã bắt đầu đưa vào sử dụng trợ lý ảo. Đây là bước đột phá của ứng dụng công nghệ thông tin, hỗ trợ cho thẩm phán trong việc tìm các văn bản pháp luật, áp dụng án lệ, tra cứu và tham khảo các bản án có tình huống pháp lý tương tự để hỗ trợ cho thẩm phán nâng cao năng suất.

Một giải pháp nữa là tăng cường hòa giải, đối thoại theo Luật Hòa giải để giảm tải vụ việc phải xét xử. Về mặt lâu dài, nếu như với quy mô nền kinh tế và dân số của nước ta, thời gian tới, một năm tòa án có thể xử hàng triệu vụ việc thì cũng phải có một số lượng biên chế phù hợp với khối lượng công việc.

Về giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đầu vào của ngành tòa án trong thời gian tới, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nêu rõ, biên chế ngành tòa án hiện có khoảng 15.500 người, tỷ lệ nghỉ hàng năm gần 4,5 – 4,8%, do đó phải tuyển đầu vào để bù đắp những hao hụt tự nhiên là khoảng 700 – 800 người. Học viện Tòa án một năm tuyển không quá 300 sinh viên, như vậy còn khoảng hơn 400 người nữa phải tuyển từ các nguồn khác nhau và khi tuyển phải ưu tiên những sinh viên giỏi, xuất sắc, không làm ảnh hưởng đến chất lượng tuyển dụng cũng như quyền lợi của sinh viên các trường khác khi có nguyện vọng vào làm việc tại tòa án.

Minh Trang
#