Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa XV:

Khẳng định nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chủ động, nhanh nhạy, quyết đoán của Quốc hội

- Thứ Bảy, 22/10/2022, 12:39 - Chia sẻ

Thảo luận tại tổ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, sáng nay, 22.10, các đại biểu cho rằng, phát triển kinh tế năm 2022 có nhiều điểm sáng, tuy nhiên trong thời gian tới cần làm rõ hơn thực trạng, nguyên nhân khách quan, chủ quan và để xuất các giải pháp cụ thể, phù hợp trong việc giải ngân các gói kích thích phục hồi và phát triển kinh tế, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, quản lý thị trường tài chính…

Có sự nỗ lực rất lớn của hệ thống chính trị

Cơ bản đánh giá cao Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của các Ủy ban, ĐBQH Trần Văn Khải (Hà Nam) nhấn mạnh, Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 có nhiều đổi mới, đề cập sâu hơn đến lĩnh vực văn hóa - xã hội, thẳng thắn đánh giá các hạn chế yếu kém, dự báo sát với thực tế, đề xuất các giải pháp tương đối khả thi.

Khẳng định nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chủ động, nhanh nhạy, quyết đoán của Quốc hội -3
ĐBQH Trần Văn Khải (Hà Nam) phát biểu tại họp tổ. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu nêu rõ, nhìn chung tình hình năm 2022 rất khó khăn khi đất nước đang từng bước phục hồi sau đại dịch, tuy nhiên kết quả phát triển kinh tế - xã hội là điểm sáng rất đáng ghi nhận, kết quả 9 tháng đầu năm GDP đạt 8,83%, cao nhất kể từ năm 2011 đến nay.

Để đạt được kết quả này, đại biểu Trần Văn Khải khẳng định, có sự nỗ lực rất lớn của hệ thống chính trị; yếu tố mang tính chất quyết định cho sự thành công này chính là sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương. Đặc biệt hơn cần phải khẳng định sự chủ động kịp thời nhanh nhạy, quyết đoán của Quốc hội. Trong năm 2022 Quốc hội đã có nhiều quyết sách lớn về chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch, về 5 dự án trọng điểm quốc gia, về các nội dung cấp bách khi đại dịch xảy ra. Quốc hội, các ĐBQH cũng rất kịp thời trong công tác xây dựng thể chế để tháo gỡ khó khăn và giải quyết các vấn đề; chủ động đề nghị Chính phủ báo cáo để Quốc hội xem xét ban hành các Nghị quyết kịp thời. Bên cạnh đó là sự quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự cố gắng của đồng bào trong nước cũng như nước ngoài và cộng đồng các doanh nghiệp trong việc chia sẻ, vào cuộc.

Khẳng định nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chủ động, nhanh nhạy, quyết đoán của Quốc hội -1
ĐBQH Cầm Hà Chung (Phú Thọ) phát biểu tại họp tổ. Ảnh: Hồ Long

Bên cạnh thành tựu về tốc độ tăng trưởng kinh tế, theo ĐBQH Cầm Hà Chung (Phú Thọ), văn hóa xã hội Việt Nam cũng đạt được những kết quả đáng ghi nhận, điển hình là công tác tổ chức SEAGames 31 thành công, bảo đảm an toàn tiết kiệm, để lại ấn tượng đối với nhân dân cả nước và bạn bè khu vực.

Còn 1 năm thì có giải ngân được không?

Tuy nhiên, các đại biểu cũng nêu rõ, vẫn còn nhiều hạn chế cần phải nhìn nhận và đề nghị Chính phủ làm rõ hơn thực trạng, nguyên nhân khách quan, chủ quan và để xuất các giải pháp cụ thể, phù hợp.

Theo đó, đại biểu Trần Văn Khải cho rằng, đầu tư công tiếp tục là điểm nghẽn. Mặc dù đã áp dụng rất nhiều giải pháp nhưng các chương trình trọng điểm quốc gia vẫn không đúng tiến độ. Báo cáo vẫn chưa đánh giá hết tình hình, các vướng mắc về cơ chế, thể chế, chính sách, ngoài ra còn là sự yếu kém trong tổ chức thực hiện.

Khẳng định nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chủ động, nhanh nhạy, quyết đoán của Quốc hội -2
Quang cảnh phiên họp tại tổ 9 (Lạng Sơn, Hà Nam, Thừa Thiên Huế, Phú Thọ). Ảnh: Hồ Long

Bên cạnh đó, liên quan đến chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, các gói hỗ trợ trong Nghị quyết 43 của Quốc hội được triển khai rất chậm. Đến nay đã qua gần 1 năm ban hành Nghị quyết và có hiệu lực chỉ đến 31.12.2023, tuy nhiên theo báo cáo, toàn bộ gói chi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khoảng 113.550 tỷ đồng chưa giải ngân được khoản nào. “Vậy chỉ còn 1 năm nữa có giải ngân được không? Nếu làm chậm thì sẽ mất ý nghĩa “hà hơi tiếp sức” của Nghị quyết”, đại biểu Trần Văn Khải đặt vấn đề.

Ngoài ra, đại biểu cũng đặt câu hỏi, trong gói kích thích kinh tế có gói bù lãi suất cho vay đối với một số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, nhưng đến nay vẫn có những doanh nghiệp phải trả lãi vay 15 - 18%/năm, như vậy có làm rõ ý nghĩa “tiếp sức” được không?   

Đại biểu Cầm Hà Chung nêu cụ thể, gói hỗ trợ lãi suất 2% mới chỉ giải ngân được 13,5 tỷ đồng trên tổng số 4.000 tỷ đồng. Do đó, đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân, giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Đại biểu cho rằng, cần tập trung vào một số nguyên nhân chính đang là điểm nghẽn như thủ tục hành chính; hạn mức tín dụng; nhu cầu vay của doanh nghiệp; quy trình hậu kiểm.

Các đại biểu cũng yêu cầu làm rõ việc quản lý thị trường tài chính, bất động sản, có lỗ hổng, khoảng trống pháp lý nào không; các vụ việc gây ra hậu quả lớn thì trách nhiệm quản lý nhà nước trong vấn đề này như thế nào?

Liên quan đến thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Cầm Hà Chung cho rằng, nguồn lực đã có nhưng việc tổ chức triển khai hiện nay nhất là những văn bản hướng dẫn về phân bổ vốn rất chậm; tuy đã có ngân sách nhưng vẫn phải chuyển nguồn, dẫn đến việc lãng phí. Đề nghị cần phân tích làm rõ, đồng thời, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương hoàn thành ban hành các văn bản hướng dẫn quy trình thực hiện những dự án, tiểu dự án trong chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Cầm Hà Chung nêu rõ.

Minh Trang
#