Chất vấn và trả lời chất vấn với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực dân tộc:

Khắc phục tình trạng chính sách dân tộc còn tản mát

- Thứ Ba, 06/06/2023, 17:22 - Chia sẻ

Đặt câu hỏi chất vấn với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh chiều nay, 6.6, nhiều đại biểu đề nghị, Bộ trưởng cho biết giải pháp khắc phục tình trạng chính sách dân tộc còn tản mát và sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách, khắc phục bất cập, tồn tại trong triển khai thực hiện chính sách dân tộc thời gian qua.

Khắc phục tình trạng chính sách dân tộc còn tản mát -0
Ảnh: Lâm Hiển

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm tới việc xây dựng và thực thi chính sách dân tộc, từ đó góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển trong cộng đồng dân tộc ở nước ta, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước. Khẳng định điều này, song ĐBQH Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cũng nêu rõ, thực tế luôn luôn phát sinh bất cập, tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện. Cử tri cho rằng, cần có định hướng hoàn thiện cơ chế, chính sách dân tộc, đó là sớm nghiên cứu ban hành Luật về hỗ trợ phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Với tư cách là tư lệnh ngành, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm về nhận định trên? - đại biểu Nguyễn Tạo hỏi.

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, từ năm 2017, thực hiện Chiến lược về công tác dân tộc, Ủy ban Dân tộc đã trình Chính phủ cho nghiên cứu xây dựng Luật Dân tộc. Trải qua 2 nhiệm kỳ, Ủy ban Dân tộc đã nghiên cứu, tổ chức rất nhiều hội thảo và đã báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII về vấn đề này. Thế nhưng, tại thời điểm đó, công tác dân tộc và chính sách dân tộc liên quan rất nhiều lĩnh vực khác nhau, cho nên để bảo đảm xây dựng luật riêng về lĩnh vực dân tộc cho phù hợp, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật và không chồng chéo với các luật chuyên ngành khác, thì dự án Luật này cần có thêm thời gian để tiếp tục nghiên cứu. Do vậy, Ủy ban Dân tộc chưa trình được ngay dự án Luật Dân tộc với Quốc hội, Bộ trưởng cho biết.

Khẳng định việc ban hành một luật riêng về lĩnh vực dân tộc sẽ rất tốt, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng các chính sách dân tộc, nhưng Bộ trưởng Hầu A Lềnh cũng nêu rõ, cần nghiên cứu một cách căn cơ và đầy đủ. Vì công tác dân tộc liên quan tới tất cả các ngành, lĩnh vực của cả hệ thống chính trị, chứ không phải là luật chuyên ngành, cần thời gian nghiên cứu hết sức căn cơ.

Bộ trưởng cũng báo cáo thêm, thời gian gần đây, thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị, trong nhiệm kỳ khóa XV này, Đảng đoàn Quốc hội đã giao nhiệm vụ nghiên cứu và xây dựng Luật Dân tộc cho Hội đồng Dân tộc. Với trách nhiệm của mình, Ủy ban Dân tộc sẽ chuyển toàn bộ hồ sơ nghiên cứu có liên quan trước đây, để phối hợp với Hội đồng Dân tộc trong quá trình nghiên cứu xây dựng pháp luật về dân tộc.

Chính sách dân tộc hiện nay tản mát ở nhiều văn bản chồng chéo, nhiều tầng lớp, nguồn lực dễ bị phân tán, dẫn đến chưa phát huy hiệu quả và thiếu tính bền vững, “như dầu đổ vào đèn, cháy hết thì lại đổ dầu cho đèn khỏi tắt”. Đồng tình với nhận định nêu trên của Bộ trưởng, ĐBQH Hoàng Thị Thanh Thúy (Tây Ninh) đặt câu hỏi: Bộ trưởng có cho rằng cần thiết phải rà soát, điều chỉnh chính sách dân tộc để khắc phục những bất cập mang tính hệ thống hay không?

Khắc phục tình trạng chính sách dân tộc còn tản mát -0
ĐBQH Hoàng Thị Thanh Thúy (Tây Ninh). Ảnh: Lâm Hiển

Thẳng thắn nhìn nhận, chính sách dân tộc còn tản mát và cần rà soát, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết, Ủy ban Dân tộc đã chủ động đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ. "Hiện nay, chúng tôi đang thực hiện Đề án rà soát tất cả các chính sách dân tộc có liên quan và sẽ trình Chính phủ trong cuối năm nay”, Bộ trưởng chia sẻ.

Quan tâm tới việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, ĐBQH Dương Văn Phước (Quảng Nam) nêu vấn đề: Ủy ban Dân tộc là cơ quan chủ quản trong việc triển khai thực hiện Chương trình, nhưng sau 3 năm triển khai vẫn rất chậm. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân, giải pháp trong thời gian tới?

Khắc phục tình trạng chính sách dân tộc còn tản mát -0
ĐBQH Dương Văn Phước (Quảng Nam). Ảnh: Lâm Hiển

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Hầu A Lềnh nêu rõ, Chương trình mục tiêu quốc gia về đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có phạm vi rất rộng lớn, nằm ở những địa bàn rất khó khăn, phức tạp. Các dự án, chính sách được tích hợp vào Chương trình bao gồm cả chính sách của giai đoạn trước còn hiệu lực. Chưa kể có những vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn.

"Về hệ thống văn bản pháp luật của chúng ta hiện nay cơ bản đã hoàn thành, tuy nhiên trăn trở lớn nhất của Ủy ban Dân tộc là quá trình triển khai trên thực địa đối với đội ngũ cán bộ", Bộ trưởng chia sẻ. Bởi, có những dự án được triển khai cụ thể đến tận thôn, bản, từng hộ gia đình, thì Trung ương chỉ hướng dẫn và kiểm tra, còn tỉnh phân cấp cho huyện, huyện lại phân cấp cho xã, xã thậm chí xuống đến cấp thôn, bản để cấp phát cho bà con nhân dân tổ chức thực hiện tại thôn, bản, đến hộ gia đình. Đây là "vấn đề rất khó, rất nhiều chi tiết nhỏ lẻ, cho nên chúng tôi thấy đây là vấn đề khó nhất”, Bộ trưởng nói.

Về giải pháp, Bộ trưởng cho biết, liên quan đến thể chế, cơ bản với các văn bản hướng dẫn đã ban hành, trong quá trình thực hiện chắc chắn sẽ còn những vấn đề nảy sinh. Do đó, giải pháp của Trung ương là "sẽ tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho địa phương. Trong các văn bản hướng dẫn lần này sẽ tăng cường phân cấp tối đa tất cả mọi nguồn lực để địa phương quyết, Trung ương chỉ hướng dẫn triển khai", Bộ trưởng khẳng định.

Thanh Chi
#