Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc tại Đắk Nông

- Thứ Tư, 22/03/2023, 19:38 - Chia sẻ

Chiều 22.3, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” đã làm việc với Trường THPT Dân tộc nội trú N’Trang Lơng, tỉnh Đắk Nông. Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Đỗ Chí Nghĩa chủ trì cuộc làm việc.

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Trường THPT Dân tộc Nội trú N’Trang Lơng, tỉnh Đắk Nông -0
Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Đỗ Chí Nghĩa phát biểu 

Trường THPT Dân tộc Nội trú N’Trang Lơng là cơ sở giáo dục chuyên biệt, có nhiệm vụ giáo dục, đào tạo học sinh dân tộc thiểu số cấp THPT, học sinh thuộc gia đình định cư lâu dài tại các vùng có điều kiện xã hội đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Trường có tổng số 456 học sinh với 57 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên.

Báo cáo với Đoàn giám sát, Hiệu trưởng Đỗ Thị Việt Hà cho biết, nhà trường đã tiến hành giảng dạy đúng tiến độ, đáp ứng các yêu cầu của chương trình phổ thông mới 2018, giáo viên tích cực áp dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học mới vào dạy học. Hiện nay, nhà trường có 36 giáo viên/15 lớp đã bảo đảm về số lượng giáo viên/lớp. Tuy nhiên, vẫn xảy ra tình trạng giáo viên thừa thiếu cục bộ đối với một số môn học, đặc biệt là khi triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, theo đó học sinh được lựa chọn những môn học tự chọn.

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Trường THPT Dân tộc Nội trú N’Trang Lơng, tỉnh Đắk Nông -0
Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc Nội trú N’Trang Lơng Đỗ Thị Việt Hà báo cáo kết quả thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới với Đoàn giám sát

Mặt dù chất lượng đầu vào thấp, khả năng sử dụng tiếng Việt của học sinh người dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế nhưng nhà trường đã tăng cường bố trí bồi dưỡng nâng cao khả năng sử dụng tiếng Việt cho học sinh và quản lý thời gian học vào ban đêm nên học sinh đủ khả năng tiếp thu chương trình phổ thông 2018 và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh.

Bên cạnh đó, chế độ, chính sách đối với học sinh trường dân tộc nội trú theo Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT ngày 29.5.2009 của Bộ Tài chính - Bộ Giáo dục và Đào tạo thiếu nhiều nội dung cần thiết và hiện nay không phù hợp nên nhà trường gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai, tổ chức các hoạt động nuôi dưỡng và giáo dục học sinh. Các trường dân tộc nội trú trên toàn quốc đã nhiều lần kiến nghị nhưng chậm nghiên cứu, sửa đổi.

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Trường THPT Dân tộc Nội trú N’Trang Lơng, tỉnh Đắk Nông -0
Đoàn giám sát dự thính 1 tiết học tại Trường THPT Dân tộc Nội trú N’Trang Lơng

Trường THPT Dân tộc Nội trú N’Trang Lơng kiến nghị, cần bảo đảm chỉ tiêu biên chế giáo viên cho giáo dục, đặc biệt là khu vực miền núi; xem xét tăng lương cho đội ngũ giáo viên; quy định rõ phụ cấp trách nhiệm của nhân viên trường dân tộc nội trú. Sớm có văn bản chỉ đạo việc thực hiện Nghị quyết 01/2021/UBTVQH15 tại khoản 1 Điều 5 về tiêu chí, định mức phân bổ chi sự nghiệp giáo dục đối với các địa phương có tỷ lệ dân số thuộc vùng đặc biệt khó khăn và vùng khó khăn cao hơn mức bình quân chung của cả nước, chi thường xuyên cho hoạt động giảng dạy và học tập bảo đảm tỷ lệ tối thiểu 20%.

Nhà trường cũng kiến nghị cần quy định rõ thời gian học tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1, đề xuất ít nhất 3 tháng; giao trách nhiệm cho các trường tiểu học thực hiện. Ban hành định mức số cấp dưỡng trong trường dân tộc nội trú, đề xuất 1 cấp dưỡng/30 học sinh.

Đoàn giám sát đánh giá với những đặc thù của trường dân tộc nội trú, song nhà trường đã có sự chủ động, tích cực trong việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới; đề xuất nhiều kiến nghị xác đáng. Bên cạnh sự nghiệp giáo dục, nhà trường đã có nhiều đóng góp quan trọng cho cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số. 

Phát biểu tại cuộc làm việc, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đỗ Chí Nghĩa biểu dương những nỗ lực của đội ngũ giáo viên nhà trường; đề nghị, nhà trường cần chú ý hơn đến công tác bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho giáo viên. Chủ động khắc phục những khó khăn trong điều kiện cho phép. Đồng thời, nêu rõ các kiến nghị, chia sẻ của thầy, cô giáo sẽ được Đoàn tổng hợp đầy đủ.

Nhật Trường
#