Phiên họp thứ Mười Tám của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Công tác dân nguyện: Chuyển biến rõ từ nhận thức đến hành động

- Thứ Năm, 15/12/2022, 16:38 - Chia sẻ

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, đã có sự chuyển biến rõ từ nhận thức đến hành động, rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành kể từ khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét định kỳ báo cáo công tác dân nguyện tại phiên họp hàng tháng. 

Công tác dân nguyện: chuyển biến rõ từ nhận thức đến hành động -1
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Chiều nay, 15.12, tiếp tục Phiên họp thứ 18, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Báo cáo công tác dân nguyện tháng 10 và tháng 11. 2022 của Quốc hội. 

Lo lắng nhiều lao động bị thôi việc khi Tết đã gần kề

Trình bày Báo cáo, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình nêu rõ, cử tri và Nhân dân vui mừng, phấn khởi về tình hình kinh tế - xã hội trong nước tiếp tục ổn định và phát triển; dịch bệnh được kiểm soát tốt; sản lượng một số sản phẩm thủy sản trọng điểm tăng cao; ngành công nghiệp tiếp tục duy trì tăng trưởng, trong đó nhiều ngành công nghiệp trọng điểm tăng trưởng cao; hoạt động thương mại dịch vụ tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt ở các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành; hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa đảm bảo kết nối hàng hoá với thế giới và có mức thặng dư tích cực; quốc phòng, an ninh chính trị đảm bảo ổn định; công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực lãng phí tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực.

Công tác dân nguyện: chuyển biến rõ từ nhận thức đến hành động -3
Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình trình bày Báo cáo. Ảnh: Lâm Hiển

Cử tri và Nhân dân đánh giá cao kết quả Kỳ họp thứ Tư, nhất là việc triển khai chính sách tài khóa tiền tệ để thực hiện chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19; việc thực hiện tăng lương cơ sở, tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do ngân sách nhà nước đảm bảo và hỗ trợ thêm đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp; tăng mức chuẩn trợ cấp người có công…

Cử tri đánh giá cao kết quả phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Tư của Quốc hội về 4 nhóm vấn đề liên quan đến lĩnh vực Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Nội vụ, Thanh tra và mong muốn những mặt còn tồn tại, hạn chế của ngành, lĩnh vực sớm được khắc phục trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, cử tri và Nhân dân đặc biệt lo lắng về tình trạng nhiều cây xăng dừng bán hàng, bán cầm chừng trong thời gian qua; tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học; tình trạng nhiều người lao động bị cắt việc, thôi việc khi Tết Nguyên đán đã gần kề; tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần của người lao động; tình hình mưa lớn bất thường tại các tỉnh miền Trung; tình trạng thiếu thuốc chữa bệnh vẫn diễn ra trên diện rộng; tình trạng học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe gắn máy phân khối lớn; tình trạng các loại tiền chất ma túy, ma túy tổng hợp pha trộn bánh kẹo, nước trái cây, thuốc lá điện tử…

Tháo gỡ tình trạng doanh nghiệp thiếu vốn, thanh khoản khó khăn

Cho ý kiến tại phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với báo cáo của Ban Dân nguyện về công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 10 và tháng 11; đồng thời, đánh giá cao sự cố gắng của Ban Dân nguyện trong việc theo dõi, đôn đốc, thống kê, tổng hợp bảo đảm chất lượng các nội dung, giúp cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội có những nhận định đánh giá sát thực tình hình. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga lưu ý, tình trạng chất ma túy, tiền chất ma túy đi vào học đường thông qua thuốc lá điện tử diễn ra nghiêm trọng, do đó, Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có giải pháp quyết liệt hơn về vấn đề này.

Công tác dân nguyện: chuyển biến rõ từ nhận thức đến hành động -4
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Ban Dân nguyện tiếp thu ý kiến của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bổ sung thêm các nội dung về tình hình doanh nghiệp thiếu vốn, thanh khoản khó khăn, trái phiếu doanh nghiệp cũng đang khó khăn, đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo để tháo gỡ những khó khăn này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cần chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng và phê duyệt các quy hoạch, trong đó có quy hoạch sử dụng đất của cấp tỉnh, cấp huyện, quy hoạch vùng, quy hoạch tổng thể quốc gia. Lưu ý công tác thông tin tuyên truyền về việc sửa đổi Luật Đất đai, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị các cơ quan thông tấn báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng cần thông tin cân bằng, khách quan. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, Ban Dân nguyện bổ sung đánh giá hiệu quả của việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét Báo cáo công tác dân nguyện hàng tháng và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Theo đó, đã có sự chuyển biến rõ từ nhận thức đến hành động, rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thường xuyên nắm được tình hình và có chỉ đạo rất kịp thời, cụ thể. 

Công tác dân nguyện: chuyển biến rõ từ nhận thức đến hành động -0
Các đại biểu tại phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Cùng với đó, cần đánh giá hiệu quả của việc ban hành Nghị quết 632 về tiếp tục thực hiện chính sách, pháp luật về giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; làm rõ tình trạng thiếu việc làm, ngưng việc và thôi việc trước Tết nguyên đán, gây khó khăn cho cuộc sống người dân để từ đó, xem xét đề xuất chính sách phù hợp, hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng.

Lo ngại về tình trạng chất ma túy, tiền ma túy đang ngày càng có tính chất nghiêm trọng hơn, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo có giải pháp quyết liệt hơn trong việc kiểm tra, ngăn chặn việc các đối tượng đưa tiền chất ma túy, chất ma túy vào lương thực, thực phẩm, đồ uống và các loại thực phẩm khác... Bộ Công Thương sớm xây dựng tài liệu tuyên truyền về thuốc lá điện tử, phổ biến cho người dân về tiền chất ma túy, để người dân có nhận thức rõ hơn và chủ động phòng ngừa.

Đối với tình hình ngộ độc thực phẩm dẫn đến tử vong, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cần rà soát chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là ở bếp tập thể tại cơ quan, đơn vị và trong các nhà trường để có giải pháp chấn chỉnh.

Về việc rút bảo hiểm xã hội một lần đã được phản ánh trong Báo cáo công tác dân nguyện, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các cơ quan hữu quan cần có giải pháp xử lý hiệu quả hơn.

+ Cũng trong Phiên họp chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đánh giá kết quả thực hiện chương trình hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế năm 2022; xem xét, thông qua chương trình hoạt động đối ngoại năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho ý kiến (chỉ đạo, điều hòa) về chương trình đối ngoại, hợp tác quốc tế của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, các nhóm nghị sĩ hữu nghị, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kiểm toán nhà nước và Văn phòng Quốc hội.

Hoàng Ngọc
#