Phiên họp thứ Mười sáu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Công dân sẽ tiếp cận được biển số ô tô mong muốn một cách minh bạch, công khai

- Thứ Ba, 11/10/2022, 16:05 - Chia sẻ

Chiều 11.10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.

Công dân tiếp cận được biển số mong muốn một cách minh bạch, công khai -0
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Chỉ đấu giá đối với biển số ô tô nền trắng

Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội do Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long trình bày cho biết, từ kết quả nghiên cứu, rà soát đánh giá pháp luật, thực tế và kinh nghiệm quốc tế, Chính phủ thấy rằng, việc xây dựng Nghị quyết này là hết sức cần thiết. Dự thảo Nghị quyết gồm 7 điều, quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; biển số đưa ra đấu giá, lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, hình thức đấu giá, phương thức đấu giá; quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá, người nhận chuyển nhượng, người được cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe…

Công dân tiếp cận được biển số mong muốn một cách minh bạch, công khai -0
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long phát biểu. Ảnh: Hồ Long 

Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, Thường trực Ủy ban nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết; tán thành với việc thí điểm trên phạm vi toàn quốc để có cơ sở tổng kết, đánh giá, kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan khi kết thúc thí điểm để thực hiện ổn định, lâu dài.

Về loại biển số xe ô tô đưa ra đấu giá (Điều 2), có ý kiến đề nghị mở rộng thí điểm đấu giá cả biển số xe ô tô nền vàng chữ đen (xe hoạt động kinh doanh vận tải) và mở rộng đấu giá cả biển số xe mô tô, xe gắn máy. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với việc giới hạn thí điểm chỉ đấu giá đối với biển số ô tô nền trắng, mà không thí điểm đấu giá đối với biển số xe ô tô nền vàng chữ đen, biển số xe mô tô, xe gắn máy nhằm tạo thuận lợi trong việc thực hiện thí điểm.

Công dân tiếp cận được biển số mong muốn một cách minh bạch, công khai -0
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Cần nghiên cứu có điều khoản chuyển tiếp

Đa số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá. Đồng thời, nhất trí chỉ áp dụng thí điểm đấu giá đối với biển số ô tô nền trắng, không thí điểm đấu giá đối với biển số xe ô tô nền vàng chữ đen, biển số xe mô tô, xe gắn máy. Số tiền thu được từ đấu giá biển số sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá theo quy định sẽ nộp toàn bộ vào ngân sách Trung ương theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước. Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, đây là cơ sở giúp công dân có quyền tiếp cận được những biển số mong muốn một cách minh bạch, công khai thông qua đấu giá.

Công dân tiếp cận được biển số mong muốn một cách minh bạch, công khai -0
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Về thời gian thí điểm, đa số Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với dự thảo Nghị quyết và cho rằng, thời gian thí điểm 3 năm là phù hợp để các cơ quan có đủ thời gian triển khai thực hiện, kiểm nghiệm, tổng kết, đánh giá việc thí điểm. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị quy định thời gian thí điểm là 2 năm để kịp thời luật hóa nội dung này đồng bộ với việc sửa đổi Luật Giao thông đường bộ; có ý kiến đề nghị quy định kết hợp theo hướng: Thời gian thí điểm là 3 năm kể từ ngày Nghị quyết có hiệu lực thi hành hoặc thực hiện thí điểm cho đến khi nội dung này được quy định trong luật, nhưng không quá 3 năm.

Về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương lưu ý, nếu sau khi thí điểm vẫn tiếp tục thực hiện thì dễ nhưng nếu không thực hiện nữa, cần phải nghiên cứu để có điều khoản chuyển tiếp nhằm bảo đảm quyền và lợi ích của người tham gia đấu giá.

N. Thành
#