Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Thúc đẩy hợp tác giáo dục Việt Nam - New Zealand trên tất cả các cấp độ

- Thứ Hai, 05/12/2022, 11:33 - Chia sẻ

Phát biểu tại Diễn đàn hợp tác Giáo dục Việt Nam - New Zealand, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, hợp tác giáo dục đào tạo có tác động sâu rộng đối với các lĩnh vực khác; đồng thời mong muốn sẽ có ngày càng nhiều các trường đại học của New Zealand hợp tác, đầu tư tại Việt Nam, không chỉ dừng lại ở việc liên kết giáo dục, chia sẻ kinh nghiệm quản trị đại học... mà còn trực tiếp mở cơ sở đào tạo tại Việt Nam.

Sáng 5.12, tại trụ sở trường Đại học Waikato, bang Hamilton, tiếp tục các hoạt động thăm chính thức New Zealand, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã tham dự Diễn đàn Hợp tác giáo dục Việt Nam - New Zealand với chủ đề “Cơ hội hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và New Zealand về giáo dục đại học”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Thúc đẩy hợp tác giáo dục Việt Nam - New Zealand trên tất cả các cấp độ -2
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Doãn Tấn

Diễn đàn do Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại New Zealand, Cơ quan Giáo dục New Zealand và Đại học Waikato tổ chức.

Tham dự Diễn đàn có: nguyên Toàn quyền New Zealand, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Waikato Anand Satyanand; Tổng Giám đốc Cơ quan Giáo dục New Zealand Grand McPherson; Hiệu trưởng trường Đại học Waikato, Chủ tịch Hội Hữu nghị New Zealand - Việt Nam, GS. Neil Quigley cùng lãnh đạo các trường Đại học hàng đầu của hai nước.

Tại Diễn đàn, Ban Lãnh đạo trường Đại học Waikato đã tổ chức lễ đón trọng thể Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn theo nghi thức truyền thống của người Maori.

Diễn đàn Hợp tác giáo dục Việt Nam - New Zealand là sự kiện nối tiếp Tọa đàm “Thúc đẩy hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và New Zealand trong bối cảnh mới” được tổ chức tại Hà Nội nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng New Zealand vào tháng 11 vừa qua. 

Mở ra giai đoạn hợp tác mới

Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1975, mối quan hệ giữa Việt Nam và New Zealand đã không ngừng phát triển. Năm 2020, hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược. Nhấn mạnh Việt Nam là đối tác chiến lược đầu tiên của New Zealand tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, chuyến thăm New Zealand lần này và chuyến thăm của Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern tới Việt Nam trong tháng 11 đã thể hiện sự quyết tâm của lãnh đạo hai nước trong việc làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - New Zealand. 

Trao đổi với các đại biểu về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, thời gian qua, với sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, trong đó có New Zealand, và việc thực hiện chiến lược phòng, chống dịch Covid-19 bài bản, hiệu quả, Việt Nam đã nhanh chóng kiểm soát được dịch bệnh, trở thành một trong 6 nước có độ bao phủ vaccine lớn nhất thế giới. Trên cơ sở kiểm soát được dịch bệnh, các hoạt động kinh tế - xã hội của Việt Nam đã nhanh chóng trở lại bình thường, trong đó có lĩnh vực giáo dục. Từ tháng 3 năm nay, Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn trở lại và kinh tế - xã hội đang phục hồi mạnh mẽ với dự kiến tăng trưởng GDP cả năm đạt khoảng 8,5%.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Thúc đẩy hợp tác giáo dục Việt Nam - New Zealand trên tất cả các cấp độ -0
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Doãn Tấn

Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực giáo dục là rất lớn bởi Việt Nam là đất nước đang phát triển có quy mô dân số đông (sẽ đạt 100 triệu người vào quý 1 năm sau) và hiện đang trong thời kỳ dân số vàng, các tầng lớp trung lưu phát triển nhanh. Theo dự báo của Ngân hàng thế giới, đến năm 2035 sẽ có khoảng 3,5 triệu học sinh Việt Nam có nhu cầu theo học bậc đại học, tăng gấp đôi so với số sinh viên đại học năm 2019. Trong khi đó, New Zealand là đất nước có nền giáo dục phát triển và có hệ thống giáo dục đại học chất lượng cao, uy tín trên thế giới. Hợp tác giáo dục là một trong những lĩnh vực quan trọng nhất trong thực hiện Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược giai đoạn 2021 - 2024. 

Tại New Zealand hiện có khoảng 2.000 sinh viên Việt Nam đang theo học, mỗi năm có 25 cán bộ thuộc các bộ, ngành Việt Nam sang học tập, nghiên cứu theo chương trình hợp tác giữa hai nước. Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam vào tháng 11 vừa qua của Thủ tướng New Zealand, Bộ Giáo dục hai nước đã ký thoả thuận hợp tác. Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là cơ sở pháp lý rất quan trọng để thúc đẩy hợp tác giáo dục giữa hai nước trên tất cả các cấp độ: giữa Chính phủ với Chính phủ, giữa bộ với bộ và giữa cơ sở giáo dục đào tạo với cơ sở giáo dục đào tạo. Cùng với hợp tác giữa hai Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội mong muốn giữa các trường đại học, các cơ sở giáo dục đào tạo của hai nước có các thoả thuận hợp tác cụ thể, trực tiếp để qua đó tăng cường sâu sắc hơn nữa hợp tác hai nước trong lĩnh vực hết sức quan trọng này.

Chia sẻ nhận định của nguyên Toàn quyền New Zealand và các đại biểu dự Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, hợp tác giáo dục không chỉ giúp cho mỗi nước tăng cường năng lực đào tạo, phát triển nguồn nhân lực để phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội mà còn là sợi dây hữu nghị, sợi dây văn hóa rất bền chặt giữa hai dân tộc, hai đất nước. Do đó, hợp tác giáo dục đào tạo giữa hai nước không chỉ có ý nghĩa trong lĩnh vực giáo dục mà còn có tác động sâu rộng đối với các lĩnh vực khác.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong tổng số hơn 435 tỷ USD thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam hiện có 500 dự án với tổng số vốn khoảng 5 tỷ USD trong lĩnh vực giáo dục. Nhiều trường Đại học hàng đầu thế giới đã mở cơ sở đào tạo trực tiếp tại Việt Nam. Tiêu biểu như trường Đại học RMIT (Australia) đã hiện diện tại Việt Nam hơn 20 năm, đào tạo khoảng 17.000 sinh viên Việt Nam và mới đây, Hội đồng trường đã quyết định từ năm 2023 tăng gấp ba đầu tư vào Việt Nam, mở rộng quy mô đào tạo, đặt mục tiêu đưa RMIT Việt Nam trở thành trung tâm giáo dục đại học hàng đầu của khu vực. Trường Swinburne (Australia) cũng đang có những động thái tương tự.

Chủ tịch Quốc hội mong muốn sẽ có ngày càng nhiều các trường đại học của New Zealand hợp tác, đầu tư tại Việt Nam, không chỉ dừng lại ở việc liên kết giáo dục, chia sẻ kinh nghiệm quản trị đại học... mà còn trực tiếp mở cơ sở đào tạo tại Việt Nam. “Tôi nghĩ không có lý do gì mà các trường đại học của New Zealand lại không làm như thế. Chúng tôi rất mong muốn điều này. Việt Nam thực sự có nhu cầu rất lớn về giáo dục và đào tạo. Do đó, tôi rất mong muốn diễn đàn hợp tác giáo dục lần này sẽ mở ra một giai đoạn mới trong hợp tác giáo dục giữa hai nước”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Thời điểm "thiên thời, địa lợi, nhân hoà" cho quan hệ Việt Nam - New Zealand

Trong phát biểu của mình, nguyên Toàn quyền New Zealand Anand Satyanand bày tỏ rất vui mừng đón Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm chính thức New Zealand và tham dự Diễn đàn về hợp tác giáo dục; nhấn mạnh, đây là cơ hội để tăng cường hợp tác song phương, đặc biệt là trong hợp tác giáo dục đại học. Thế giới đang dần vượt qua giai đoạn phải đóng cửa do tác động của đại dịch Covid-19. New Zealand mong muốn đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các nước trong khu vực Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương trong các lĩnh vực thương mại, giáo dục và văn hoá. Nhấn mạnh hợp tác giáo dục là kênh rất hiệu quả để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, nguyên Toàn quyền Anand Satyanand cho biết New Zealand đã chào đón nhiều sinh viên Việt Nam sang học tập và hy vọng sẽ tái lập, thậm chí tăng số lượng sinh viên Việt Nam du học tại New Zealand so với giai đoạn trước đại dịch Covid-19 như tinh thần Thủ tướng Jacinda Ardern và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thống nhất trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Thúc đẩy hợp tác giáo dục Việt Nam - New Zealand trên tất cả các cấp độ -1
Quang cảnh Diễn đàn. Ảnh: Doãn Tấn

GS. Neil Quigley, Hiệu trưởng trường Đại học Waikato, Chủ tịch Hội Hữu nghị New Zealand - Việt Nam chia sẻ rất may mắn khi đã được tham gia sâu rộng vào hợp tác giáo dục giữa hai nước. Qua hơn 20 năm kể từ khi ông đến Việt Nam để đặt những viên gạch đầu tiên cho hợp tác giáo dục giữa hai nước, đến nay mối quan hệ này đã không ngừng phát triển. Chính phủ Việt Nam hoàn toàn ủng hộ và hỗ trợ các chương trình hợp tác giáo dục giữa hai nước. Rất nhiều sinh viên Việt Nam đã đến học tập tại New Zealand và rất nhiều sinh viên New Zealand đã có các kỳ thực tập tại Việt Nam, đóng vai trò quan trọng, là cầu nối thúc đẩy sự hiểu biết chung giữa hai nước và ngày càng củng cố mối quan hệ bền chặt giữa hai nước.

GS. Neil Quigley nhận định, người Việt Nam hết sức coi trọng giáo dục, có truyền thống hiếu học. Dẫn lại câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Vì lợi ích 10 năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, GS. Neil Quigley cảm ơn Việt Nam đã ươm mầm rất tốt cho các sinh viên Việt Nam trước khi sang học tập tại New Zealand, khẳng định du học sinh Việt Nam tại đây luôn được tôn trọng vì sự thông minh và ham học hỏi.

Cho biết, rất nhiều đại diện của các tổ chức giáo dục New Zealand đã có mặt tại Diễn đàn, bao gồm cả các cơ sở giáo dục công lập và tư thục, GS. Neil Quigley khẳng định, đây chính là minh chứng rõ ràng cho mối quan hệ sâu rộng giữa hai đất nước.

Bày tỏ nhất trí với đánh giá của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, GS. Neil Quigley cho rằng, hợp tác giáo dục giữa hai nước vẫn còn rất nhiều dư địa để tiếp tục phát triển. “Người Việt Nam có câu “thiên thời, địa lợi, nhân hoà” và thời điểm hiện nay chính là như vậy đối với mối quan hệ hai nước”, GS. Neil Quigley nhấn mạnh.

Thay mặt Chính phủ và các tổ chức giáo dục New Zealand, Tổng Giám đốc Cơ quan Giáo dục New Zealand Grand McPherson khẳng định, trong gần 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hợp tác giáo dục luôn là một lĩnh vực trung tâm trong quan hệ Việt Nam - New Zealand. Tổng Giám đốc Grand McPherson cho biết, New Zealand rất coi trọng việc trao đổi sinh viên giữa hai nước. Việt Nam là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á có quan hệ hợp tác với nhiều trường đại học lớn của New Zealand, đây là minh chứng rõ ràng cho quan hệ song phương rất tốt giữa hai nước và đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì trao đổi sinh viên giữa hai nước. Nhấn mạnh việc hai bên phải tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ này, ông cũng mong muốn các đại biểu tham dự Diễn đàn sẽ truyền đạt lại thông điệp này với các cơ sở giáo dục tại Việt Nam.

Công bố thành lập Hội Hữu nghị New Zealand - Việt Nam

Tại Diễn đàn, với sự chứng kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Hội Hữu nghị New Zealand - Việt Nam đã công bố thành lập. Phát biểu tại đây, Chủ tịch Hội Hữu nghị New Zealand - Việt Nam, Hiệu trưởng trường Đại học Waikato, GS. Neil Quigley nhấn mạnh, Hội được tái thành lập sau một thời gian gián đoạn và tin rằng, đây sẽ là phương thức hữu hiệu để các cơ quan, tổ chức của New Zealand quan tâm và mong muốn hợp tác với Việt Nam có thể trao đổi với Đại sứ Việt Nam tại New Zealand và cộng đồng người Việt tại New Zealand; đồng thời cũng sẽ khuyến khích thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giáo dục, hỗ trợ các sinh viên Việt Nam khi sang học tại New Zealand.

Tại Diễn đàn, đại diện các cơ sở giáo dục đại học đã trao đổi, giới thiệu các cơ hội hợp tác giữa hai bên. Với sự chứng kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu, lãnh đạo các trường đại học hai nước đã trao 10 biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác, tập trung vào  các lĩnh vực: thực phẩm, nông nghiệp, xây dựng công trình, kinh tế, quản trị kinh doanh, sinh học, liên kết đào tạo, nghiên cứu khoa học, đào tạo cử nhân ngành sư phạm tiếng Anh, đào tạo nghiên cứu quản lý tài nguyên và biến đổi khí hậu, trao đổi học thuật, trao đổi giáo viên và sinh viên, quản trị khách sạn…

+ Trước khi dự Diễn đàn, tại Đại học Waikato, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp nguyên Toàn quyền New Zealand, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Waikato Anand Satyanand; GS. Neil Quigley, Hiệu trưởng trường Đại học Waikato, Chủ tịch Hội Hữu nghị New Zealand - Việt Nam và Ban lãnh đạo Đại học Waikato. 

Phạm Thúy (Từ Hamilton, New Zealand)
#