Nhiều quy định mới, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đấu thầu mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư y tế
Gồm 10 chương, 96 điều (giảm 3 chương và giữ nguyên số điều so với luật hiện hành), Luật Đấu thầu được sửa đổi để kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong đấu thấu, lựa chọn nhà thầu và quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước; hạn chế thất thoát, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực đấu thầu.
Luật có một số điểm mới nổi bật, như: Chỉnh sửa quy định phạm vi, đối tượng áp dụng luật, quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; quy trình, thủ tục, giảm thời gian đấu thầu, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh áp dụng đấu thầu qua mạng. Sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới về đấu thầu mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư y tế để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đấu thầu. Quy định cụ thể về các hành vi bị cấm, xử lý vi phạm và giải quyết kiến nghị trong hoạt động đấu thầu. Quy định rõ, minh bạch, cụ thể các trường hợp chỉ định thầu và đấu thầu trong trường hợp đặc biệt; luật hóa những nội dung được quy định ở văn bản dưới luật đã thực hiện ổn định. Quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan trong hoạt động đấu thầu...
Mở rộng phạm vi áp dụng giao dịch điện tử tới tất cả hoạt động của đời sống xã hội
Luật Giao dịch điện tử, gồm 8 chương và 53 điều, được sửa đổi nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, bảo đảm thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Luật có một số nội dung lớn đáng chú ý, như: Bỏ quy định loại trừ của Luật Giao dịch điện tử năm 2005 để mở rộng phạm vi áp dụng giao dịch điện tử tới tất cả hoạt động của đời sống xã hội. Đồng thời, quy định chi tiết cách thức xác định giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu; bổ sung quy định điều kiện bảo đảm giá trị pháp lý khi chuyển đổi từ bản giấy sang thông điệp dữ liệu và ngược lại. Quy định về chứng thư điện tử; quy định đối với các hình thức xác nhận khác bằng phương tiện điện tử mà không phải chữ ký điện tử; các quy định về quản lý dữ liệu, cơ sở dữ liệu, dữ liệu mở, các quy định đối với cơ quan nhà nước nhằm thúc đẩy hoạt động giao dịch điện tử; đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số...
Tạo động lực, bước chuyển đột phá để "Thành phố Hồ Chí Minh vì cả nước, cả nước vì Thành phố Hồ Chí Minh"
Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, vừa được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký chứng thực, được ban hành nhằm tạo điều kiện cho Thành phố "mang tên Bác" khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của Thành phố để tương xứng với vị trí đầu tàu về kinh tế - xã hội của vùng Đông Nam Bộ và cả nước.
Nghị quyết có 12 điều với nhiều nội dung quan trọng như: Cho phép thí điểm BOT trên đường hiện hữu; thực hiện các dự án BT; thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông; mở rộng phạm vi các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); bố trí khoản chưa phân bổ từ 2% đến 4% tổng chi ngân sách quận để thực hiện để thực hiện các nhiệm vụ phát sinh.
Trong Nghị quyết, Quốc hội cũng quyết nghị cho phép Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù, như cơ chế cho công ty đầu tư tài chính nhà nước TP. Hồ Chí Minh (HFIC); hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K); cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon; linh hoạt trong việc quy hoạch bố trí nhà ở xã hội phù hợp thực tiễn; cơ chế khuyến khích nhà đầu tư tăng cường chuyển xử lý chất thải rắn sinh hoạt sang xử lý chất thải rắn sinh hoạt có thu hồi năng lượng.
Cùng với đó là các chính sách thu hút nhà đầu tư chiến lược; hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên của Thành phố; linh hoạt trong tổ chức bộ máy của TP. Hồ Chí Minh và của TP. Thủ Đức.
Đặc biệt, Nghị quyết cho phép Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục nghiên cứu, đề xuất những cơ chế, chính sách chưa được quy định tại các Luật và Nghị quyết của Quốc hội để trình cấp có thẩm quyền quyết định.
Việc ban hành Nghị quyết mới về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30.12.2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; thực hiện Nghị quyết số 76/2022/QH15 về Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa XV, góp phần hoàn thiện thể chế, tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách, tạo tiền đề phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá về phát triển kinh tế - xã hội nhằm xây dựng TP. Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, với vai trò là đô thị đặc biệt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp, hiện đại hóa, đóng góp ngày càng lớn cho khu vực và cả nước.
Với những cơ chế, chính sách đặc thù rõ nét, cụ thể hơn so với Nghị quyết ban hành trước đó (Nghị quyết 54/2017/QH của Quốc hội về thí điểm về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh), Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh lần này được kỳ vọng sẽ tạo động lực để xây dựng và phát triển TP. Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, vị trí chiến lược, thúc đẩy TP. Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững, đúng với phương châm: "Thành phố Hồ Chí Minh vì cả nước, cả nước vì Thành phố Hồ Chí Minh".