Phiên họp thứ 17 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước

- Thứ Hai, 28/11/2022, 17:46 - Chia sẻ

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 17 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 28.11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương.

Trình bày Tờ trình của Chính phủ về việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, tính đến ngày 31.8.2022, có 15 địa phương đề nghị điều chỉnh dự toán vốn vay lại, một địa phương đề nghị trả nợ trước hạn dẫn đến thay đổi mức vay, trả nợ của từng địa phương so với mức Chính phủ đã báo cáo và được Quốc hội phê duyệt.

Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước -0
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Cụ thể: 8 địa phương đề nghị tăng dự toán vay lại, với tổng số đề xuất tăng là 234,826 tỷ đồng của TP Hải Phòng và các tỉnh Hải Dương, Yên Bái, Bắc Giang, Bắc Kạn, Phú Thọ, Nam Định, Trà Vinh. 7 địa phương có công văn gửi Bộ Tài chính, đề nghị giảm dự toán vay lại, với tổng số đề nghị giảm là 1.547,760 tỷ đồng gồm Hà Nội, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Quảng Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ, Khánh Hòa. Có một địa phương là Bắc Kạn đề nghị trả nợ vay lại trước hạn 33,612 tỷ đồng.

Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận việc đề xuất tăng dự toán vay (tăng dự toán vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ) năm 2022 của 8 địa phương thêm 234,826 tỷ đồng. Trong đó, Bắc Kạn tăng thêm 33,612 tỷ đồng, Phú Thọ tăng thêm 7,349 tỷ đồng, Yên Bái tăng thêm 55,727 tỷ đồng, Hải Dương tăng thêm 83,82 tỷ đồng, TP. Hải Phòng tăng thêm 20,168 tỷ đồng, Nam Định tăng thêm 22,123 tỷ đồng, Bắc Giang tăng thêm 3,169 tỷ đồng, Trà Vinh tăng thêm 8,858 tỷ đồng.

Chính phủ cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận đề xuất tăng dự toán chi trả nợ gốc của Bắc Kạn 33,612 tỷ đồng để tỉnh có căn cứ thực hiện trả nợ trước hạn. UBND tỉnh Bắc Kạn bố trí nguồn trả nợ trước hạn phù hợp với quy định. Chấp thuận cho 7 địa phương giảm dự toán vốn vay lại năm 2022, với tổng mức giảm là 1.547,76 tỷ đồng để bảo đảm kế hoạch vay lại vốn vay nước ngoài và mức bội chi năm 2022 không vượt mức Quốc hội đã phê duyệt. Cùng với đó, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao UBND 8 tỉnh, thành phố được điều chỉnh tăng dự toán vốn vay lại năm 2022 nêu trên cam kết giải ngân hết toàn bộ số vốn được điều chỉnh tăng dự toán để tránh lãng phí.

Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước -0
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, đa số ý kiến Ủy ban cho rằng, nội dung Chính phủ trình về điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 là thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Vì vậy, Chính phủ cần trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Một số ý kiến cho rằng, việc điều chỉnh không làm vượt mức bội chi ngân sách nhà nước và bội chi ngân sách địa phương đã được Quốc hội quyết định, trong quá trình điều hành ngân sách, việc giảm bội chi ngân sách nhà nước là tích cực; bên cạnh đó, một số trường hợp cụ thể, việc điều chỉnh là cần thiết để kịp thời giải ngân (như trường hợp Dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập của tỉnh Phú Thọ có thời hạn giải ngân Hiệp định vay nước ngoài đến 31.12.2022). Vì vậy, để tạo điều kiện cho các địa phương thực hiện giải ngân kịp thời các dự án sử dụng vốn vay lại, có thể xem xét, áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 52 của Luật Ngân sách nhà nước, theo đó, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước -0
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Về điều chỉnh tăng dự toán vay năm 2022 của 8 địa phương, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, đề xuất của Chính phủ là trên cơ sở tổng hợp kiến nghị của các địa phương. Theo đó, 8 địa phương có nhu cầu tăng mức vốn địa phương vay lại căn cứ theo tiến độ thực hiện của từng dự án cụ thể. Tuy nhiên, về thẩm quyền, như đã nêu trên, việc điều chỉnh tăng mức vay của địa phương cần trình Quốc hội xem xét, quyết định. Vì vậy, đa số ý kiến Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị nội dung này cần trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Về tăng dự toán chi trả nợ gốc của Bắc Kạn, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, kiến nghị của địa phương là theo công văn số 2254/UBND-TH từ ngày 15.4.2022, đến nay mới điều chỉnh sẽ khó khả thi; bên cạnh đó, việc điều chỉnh cần trình Quốc hội xem xét, quyết định theo đúng thẩm quyền. Một số ý kiến đề nghị cân nhắc, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép điều chỉnh theo khoản 2, Điều 52 của Luật Ngân sách Nhà nước để  địa phương sử dụng nguồn vốn linh hoạt, hiệu quả.

Về điều chỉnh giảm dự toán vốn vay lại năm 2022 của 7 địa phương, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, việc điều chỉnh giảm dự toán đối với các địa phương không sử dụng hết vốn vay lại được thực hiện đồng thời cùng với điều chỉnh tăng cho một số địa phương sẽ bảo đảm cho tổng thể không vượt mức bội chi ngân sách nhà nước và bội chi ngân sách địa phương Quốc hội đã quyết nghị. Đồng thời, nếu thực hiện điều chỉnh kịp thời sẽ giúp phản ánh chính xác về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước, các địa phương và Chính phủ chủ động hơn trong điều hành. Tuy nhiên, thời điểm hiện nay, việc điều chỉnh là không thực sự cần thiết, đề nghị hủy dự toán theo quy định của pháp luật.

Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước -0
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Từ những phân tích cụ thể nêu trên, Ủy ban Tài chính - Ngân sách kiến nghị thực hiện theo đúng thẩm quyền, Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Đồng thời, Chính phủ cần đánh giá kỹ và chịu trách nhiệm về việc giải ngân khi đề nghị điều chỉnh. Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ nghiêm túc rút kinh nghiệm về việc tổng hợp kiến nghị của các các địa phương chậm, chưa tổng hợp đầy đủ, kịp thời báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, quyết định.

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách và đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Kết luận nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, tuy số tiền không lớn nhưng không thuộc phạm vi thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, trên cơ sở Tờ trình và Báo cáo thẩm tra hôm nay, các cơ quan liên quan hoàn tất hồ sơ để đưa nội dung này vào chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ hai dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 1.2023 để trình Quốc hội xem xét quyết định.

Thanh Chi
#