Kỳ họp bất thường lần thứ Hai, Quốc hội Khoaa XV:

Cần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về phòng, chống dịch bệnh

- Thứ Bảy, 07/01/2023, 15:56 - Chia sẻ

Khẳng định việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 là rất kịp thời, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết theo yêu cầu của thực tiễn trong phòng, chống dịch Covid-19, các đại biểu Quốc hội cho rằng, để tiếp tục duy trì vững chắc thành quả trong phòng, chống đại dịch Covid-19 cần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hơn hệ thống chính sách pháp luật về phòng, chống dịch bệnh cũng như ứng phó với những vấn đề khẩn cấp trong tương lai.

Tạo cơ sở pháp lý vững chắc

Chiều nay, 7.1, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ Hai, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28.7.2021 Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV về các chính sách phòng, chống dịch bệnh Covid-19; đề xuất nội dung đưa vào Nghị quyết của Quốc hội về việc chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 về các chính sách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1.1.2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược.

Theo các đại biểu Quốc hội, đợt dịch lần thứ tư với biến chủng mới rất phức tạp, nguy hiểm trong điều kiện nguồn vaccine còn khó khăn, diện bao phủ vaccine chưa được nhiều đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, tính mạng của người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của nhân dân cũng như kinh tế xã hội của đất nước. Do đó, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 là rất kịp thời, tạo cơ sở pháp lý vững chắc, kịp thời để Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết theo yêu cầu của thực tiễn phòng, chống dịch Covid-19.

Cơ bản nhất trí và đánh giá cao việc Quốc hội ban hành Nghị quyết 30 cũng như sự nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc thực hiện Nghị quyết 30 của Quốc hội, ĐBQH Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) khẳng định, đây là chủ trương, chính sách hợp lòng dân. Với việc ban hành kịp thời Nghị quyết 30 của Quốc hội và việc Chính phủ triển khai thực hiện khẩn trương, quyết liệt, kịp thời, có hiệu quả các nội dung đề ra trong Nghị quyết, chúng ta đã kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 trên phạm vi toàn quốc, đưa đất nước trở về trạng thái “bình thường mới”.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 30 cũng không tránh khỏi có những tồn tại, bất cập, hạn chế. ĐBQH Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết, trong tình hình dịch bệnh nguy hiểm, các địa phương đã huy động toàn lực để thực hiện công tác xét nghiệm, tiêm vắc xin và các công tác phòng chống, kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ vùng xanh, vùng an toàn. Nhưng đến nay, việc chi hỗ trợ chưa thực hiện được, hoặc chi trả hỗ trợ cho các đối tượng tham gia chống dịch chưa đầy đủ. Công tác phòng, chống dịch của nhiều tỉnh, thành phố đã có sự hỗ trợ của các đoàn công tác từ các địa phương, các bệnh viện Trung ương tình nguyện đến vùng dịch để thực hiện công tác phòng, chống dịch. Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét bổ sung các nội dung liên quan vào Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ.

Để hoàn thiện báo cáo của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Đại Thắng cũng đề nghị rà soát để kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hơn hệ thống chính sách pháp luật, nhất là cơ chế về phòng, chống dịch bệnh cũng như ứng phó với những vấn đề khẩn cấp chưa có tiền lệ.

Cần đặc biệt quan tâm vấn đề hậu Covid-19

Bày tỏ tán thành việc chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết 30 về các chính sách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1.1.2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược, đại biểu Huỳnh Thị Phúc cho rằng, cần tuyên bố hết hiệu lực với các văn bản đã ban hành, đồng thời ban hành các văn bản mới để giải quyết các vấn đề còn tồn tại trong thời gian qua, cập nhật các nội dung mới phát sinh cũng như các vấn đề đã được dự báo trước đối với những diễn biến bất thường của dịch bệnh.

ĐBQH Tô Ái Vang (Sóc Trăng) cũng nêu rõ, hiện nay, các quốc gia trên thế giới và ngành y tế xem hậu Covid-19 là một trong những vấn đề ưu tiên giải quyết. Tại Việt Nam, nhiều bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội và tỉnh Đồng Nai đã tổ chức đơn vị để bệnh nhân hậu Covid-19 được khám và điều trị kịp thời các rối loạn chức năng hô hấp, rối loạn nhịp tim và rối loạn tinh thần.

Để tiếp tục duy trì vững chắc thành quả trong phòng, chống đại dịch Covid-19 và dự phòng nguy cơ dịch chồng dịch diễn biến phức tạp, đại biểu Tô Ái Vang kiến nghị Chính phủ xem xét, tạo cơ chế để khuyến nghị các chuyên gia ngành y theo dõi, hợp tác với các chuyên gia quốc tế nghiên cứu hoàn chỉnh về hậu Covid-19 và các ảnh hưởng đến sức khỏe, thể chất, tinh thần cũng như mức độ, thời gian của triệu chứng hậu Covid-19 để có kết quả công bố chính thức về các bệnh liên quan đến hậu Covid-19. Qua đó tạo cơ sở để Chính phủ tiếp tục có chính sách hỗ trợ trong công tác khám, chữa bệnh và điều trị các bệnh về hậu Covid-19.

Đại biểu Tô Ái Vang cũng lưu ý, cần đặc biệt ưu tiên nguồn lực đầu tư cho ngành y tế; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cho y tế cơ sở, y tế dự phòng, bảo đảm tốc độ tăng chi y tế cao hơn tốc độ tăng chi bình quân chung của ngân sách địa phương. Đồng thời có sự phân cấp rõ ràng, không giới hạn người dân đến điều trị các bệnh về hậu Covid-19 theo chế độ bảo hiểm y tế; đặc biệt là công tác khám, chữa bệnh và điều trị kịp thời các bệnh lý nền, bệnh lý mãn tính chuyển biến nhanh.

+ Trước đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội đã biểu quyết thông qua việc điều chỉnh Chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ Hai, Quốc hội khóa XV.

Minh Trang
#