Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Điều hành chính sách tài khóa linh hoạt trong bối cảnh khó khăn

- Thứ Năm, 13/10/2022, 18:14 - Chia sẻ

Chiều 13.10, tại Bình Định, đã diễn ra Hội nghị tiếp xúc giữa Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Định và các tổ chức thành viên trước thềm Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV. Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định dự hội nghị.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Điều hành chính sách tài khóa linh hoạt trong bối cảnh khó  -0
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trao đổi với cử tri tỉnh Bình Định

Dự cuộc tiếp xúc cử tri có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Định, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Kim Toàn; Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định Lý Tiết Hạnh; ông Nguyễn Văn Cảnh, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định.

Về phía tỉnh Bình Định, dự hội nghị có bà: Nguyễn Thị Phong Vũ - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Định; bà Huỳnh Thúy Vân - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định và đông đảo người dân và cử tri tỉnh Bình Định.

Quốc hội sẽ bàn thảo nhiều vấn đề quan trọng của đất nước

Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định Lý Tiết Hạnh cho biết, Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV sẽ khai mạc vào ngày 20.10.2022. Kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành toàn thời gian để họp trực tiếp. Ngoài chương trình xây dựng luật, giám sát và quyết định nhiều vấn đề quan trọng khác, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ kiện toàn một số chức danh cấp cao. 

Về công tác lập pháp, Quốc hội xem xét thông qua 7 dự án luật, 3 dự thảo Nghị quyết. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng cho ý kiến đối với 7 dự án luật khác trong đó Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được cho ý kiến lần đầu.

Thông tin thêm đến các cử tri, bà Lý Tiết Hạnh cho biết thêm, tại kỳ họp tới đây, Quốc hội sẽ bàn các vấn đề kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo về: đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2022; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023; xem xét giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số trạm thu phí/dự án BOT.

Kỳ họp này, Quốc hội cũng sẽ nghe Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV; Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV. Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Theo bà Lý Tiết Hạnh, vừa qua có 29 ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, đã có 23 ý kiến được trả lời bằng văn bản, trong đó có 10 ý kiến được trả lời trực tiếp cho cử tri.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Điều hành chính sách tài khóa linh hoạt trong bối cảnh khó  -0
Toàn cảnh buổi tiếp xúc cử tri chiều 13.10 của Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định

Mọi chính sách tài khóa đều lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm

Tại hội nghị tiếp xúc cử tri, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc và các đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định đã giải đáp nhiều kiến nghị cử tri. Làm rõ hơn một số vấn đề cử tri tỉnh Bình Định quan tâm, Bộ trưởng cho biết, hơn 2 năm trải qua đại dịch Covid-19, kinh tế -xã hội gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều hành chính sách tài khóa mở rộng, linh hoạt.

Theo đó, về kiểm soát lạm phát, Bộ Tài chính với vai trò Thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan chủ động tính toán và dự báo các yếu tố tác động đến lạm phát, xây dựng các kịch bản, giải pháp điều hành giá và đưa ra các giải pháp phù hợp để kiểm soát lạm phát.

Công tác quản lý điều hành giá được thực hiện thận trọng, giá các mặt hàng nhà nước định giá cơ bản được giữ ổn định từ đầu năm đến nay như giá bán lẻ điện bình quân, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo lộ trình giá dịch vụ sự nghiệp công.

Thời gian tới, trong công tác quản lý, điều hành giá, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao các bộ, ngành, địa phương từ nay đến hết năm 2022 cần chủ động triển khai các giải pháp đảm bảo kiểm soát lạm phát bình quân cả năm 2022 trong khoảng 4%. 

Về chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế cho người dân và doanh nghiệp, theo Bộ trưởng, trong 9 tháng năm 2022, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Quốc hội xem xét thông qua một số chính sách giảm thuế, qua đó góp phần giảm áp lực đáng kể lên mặt bằng giá như: Giảm thuế giá trị gia tăng với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ từ 10% xuống 8% từ ngày 1.2.2022; giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm 2022; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu lần 1 từ ngày 1.4.022 và lần 2 về kịch khung thuế từ ngày 11.7.2022…

“Việc giãn, giảm, gia hạn nhiều khoản thuế, phí, lệ phí đã giúp doanh nghiệp có nguồn vốn quay vòng, vượt qua khó khăn để thúc đẩy sản xuất kinh doanh”, người đứng đầu ngành Tài chính nói.

Thông tin thêm cho cử tri và nhân dân Bình Định, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, thời gian qua, Bộ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cắt giảm 10% tiết kiệm ngay từ khâu dự toán; đưa vào nền kinh tế gói hỗ trợ lên tới 347 nghìn tỷ đồng, trong đó, có 131 nghìn tỷ đồng đầu tư vào cơ sở hạ tầng; đầu tư vào y tế 14 nghìn tỷ đồng; 38 nghìn cho Ngân hàng chính sách xã hội; hỗ trợ 40 nghìn tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 2%; cho công nhân thuê nhà 6.600 tỷ đồng…

“Đáng chú ý, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ thành lập Quỹ vaccine phòng Covid-19, đã huy động được 11 nghìn tỷ đồng, cùng với ngân sách tiêm miễn phí cho toàn dân. Số dư hiện nay là hơn 3 nghìn tỷ đồng. Đây là rất thành công trong huy động các nguồn lực”, Bộ trưởng khẳng định. 

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, dự báo sắp tới, lạm phát trên thế giới sẽ tăng cao, do đó, Việt Nam sẽ tập trung nhiều giải pháp phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát, giữ giá đồng tiền, đảm bảo đời sống của nhân dân, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển. 

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Điều hành chính sách tài khóa linh hoạt trong bối cảnh khó  -0

Về ý kiến cử tri đề nghị Đảng, Nhà nước quan tâm rà soát, điều chỉnh chính sách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức, sớm nâng mức lương, tăng mức hỗ trợ cho đối tượng không chuyên trách; tăng chế độ phụ cấp và xem xét chính sách đãi ngộ phù hợp cho đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên ngành y tế, nhất là những người có kinh nghiệm, thâm niên trong ngành..., Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã có giải đáp cụ thể.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Điều hành chính sách tài khóa linh hoạt trong bối cảnh khó  -0

Theo Bộ trưởng, thời gian tới sẽ trình cấp có thẩm quyền thực hiện: từ 1.7.2023, tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng (khoảng 20,8%). Tăng chi lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng NSNN đảm bảo khoảng 12,5% (cùng với mức điều chỉnh tăng 7,4% đã thực hiện năm 2022 thì cơ bản tương đương mức tăng lương cơ sở). Tăng chi trợ cấp ưu đãi người có công và các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở khoảng 20,8%. Từ ngày 1.1.2023, điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Điều hành chính sách tài khóa linh hoạt trong bối cảnh khó  -0
Thời báo Tài chính Việt Nam và Trường Đại học Tài chính - Marketing
trao tặng 100 triệu đồng cho Hội Khuyến học tỉnh Bình Định

Nhân dịp tiếp xúc cử tri của Bộ trưởng Bộ Tài chính tại tỉnh Bình Định, Thời báo Tài chính Việt Nam và Trường Đại học Tài chính - Marketing đã trao tặng 100 triệu đồng cho Hội Khuyến học tỉnh Bình Định.

Hân Hoàng