Chuẩn bị Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khoá XV

Bảo đảm chất lượng, tiết kiệm tối đa thời gian

- Thứ Tư, 12/10/2022, 17:46 - Chia sẻ

Chiều 12.10, tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp thứ Mười sáu, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV.

Bảo đảm chất lượng, tiết kiệm tối đa thời gian -1
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Dự kiến Quốc hội làm việc trong 21 ngày

Trình bày Báo cáo về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khoá XV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, đối với nội dung về tổng kết, đánh giá thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV, trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nếu Chính phủ kịp hoàn thiện hồ sơ bảo đảm chất lượng thì sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tư; trường hợp không chuẩn bị kịp thì trình Quốc hội tại kỳ họp sau. Do đó, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị chưa đưa nội dung này vào dự kiến chương trình Kỳ họp thứ Tư để trình Quốc hội thông qua tại phiên họp trù bị.

Bảo đảm chất lượng, tiết kiệm tối đa thời gian -0
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khoá XV. Ảnh: Lâm Hiển

Đối với nội dung về đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh, Chính phủ đã gửi hồ sơ tài liệu các nội dung này đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Ủy ban Xã hội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã thẩm tra để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ Mười sáu. Tuy nhiên, do hiện nay Chính phủ mới chỉ tổng kết, chưa đề xuất cơ chế mới, nên chính sách đang thực hiện sẽ phải dừng lại và có khoảng trống pháp luật cho đến khi Quốc hội quyết định cơ chế mới. Hơn nữa, khi trình Quốc hội quyết định cơ chế mới thì Chính phủ vẫn phải trình báo cáo tổng kết. Do đó, Tổng Thư ký Quốc hội đề xuất phương án: Chính phủ trình Quốc hội cho phép kéo dài việc thực hiện Nghị quyết số 54 đến khi Chính phủ tổng kết toàn diện và đề xuất cơ chế mới vào Kỳ họp sau. Việc kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết số 54 sẽ được thể hiện trong Nghị quyết chung của Kỳ họp.

Đối với nội dung về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, theo quy định tại Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16.6.2022, nội dung này phải hoàn thành trong năm 2022. Tuy nhiên, tại Hội nghị Trung ương 6 vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương mới cho ý kiến định hướng, trên cơ sở đó Chính phủ sẽ phải chuẩn bị hoàn thiện để bảo đảm chất lượng, tính khả thi cao, đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đề ra. Do đó, Tổng Thư ký Quốc hội cũng đề nghị chưa nên đưa nội dung này vào chương trình Kỳ họp thứ Tư.

Hiện Chính phủ cũng đã có Tờ trình số 387/TTr-CP đề nghị bổ sung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Tư theo ý kiến của Đảng đoàn Quốc hội để kịp thời thể chế hóa Quy định số 69-QĐ/TW về kỷ luật tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm, bảo đảm cơ sở pháp lý chặt chẽ trong tổ chức thực hiện và nguyên tắc thượng tôn pháp luật. Do vậy, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị bổ sung dự thảo Nghị quyết này vào dự kiến chương trình Kỳ họp thứ Tư.

Đối với nội dung về giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức đầu tư hợp tác công tư, do Chính phủ gửi tài liệu quá muộn không bảo đảm đủ thời gian để các cơ quan của Quốc hội tiến hành thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa kịp cho ý kiến. Vì vậy, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị chưa đưa vào dự kiến chương trình Kỳ họp thứ Tư. 

Bảo đảm chất lượng, tiết kiệm tối đa thời gian
Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Đối với thời gian chi tiết, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, đã báo cáo và nhận được sự đồng ý của Chủ tịch Quốc hội về việc bố trí phiên chất vấn từ chiều ngày 3 - 5.11.2022 để hoạt động chất vấn diễn ra liền mạch, không bị ngắt quãng.

Tại Kỳ họp thứ Tư này, bố trí Quốc hội làm việc 2 ngày thứ bảy trong thời gian diễn ra kỳ họp (ngày 22.10 và ngày 5.11.2022). Bố trí thảo luận ở tổ và hội trường về Nghị quyết số 54/2017/QH14; Nghị quyết về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức cùng với phiên thảo luận về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước. Giảm thời gian thảo luận ở hội trường từ 0,5 ngày xuống còn 0,25 ngày đối với dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá; dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Trên cơ sở đó, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội trong Kỳ họp thứ Tư là 21 ngày, bế mạc vào ngày 15.11.2022.

Cần tạo điều kiện để tiếp thu ý kiến đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao công tác chuẩn bị của Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội về dự kiến nội dung chương trình, cách thức tổ chức Kỳ họp thứ Tư. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chỉ đạo sát sao, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, bảo đảm an toàn phòng chống dịch cũng như các điều kiện bảo đảm tốt nhất cho việc tổ chức Kỳ họp. 

Bảo đảm chất lượng, tiết kiệm tối đa thời gian -4
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, tại Kỳ họp thứ Tư dự kiến sẽ mời đại diện Thường trực HĐND và lãnh đạo các tỉnh dự thính, dự khán theo hai đợt gồm: đợt thứ nhất mời 33 tỉnh dự thảo luận về kinh tế - xã hội. Đợt thứ hai mời đại diện ở 63 tỉnh dự thính, dự khán tại phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Theo Chủ tịch Quốc hội, cách làm này sẽ giúp Thường trực HĐND, lãnh đạo các địa phương trực tiếp theo dõi hoạt động của Quốc hội, vừa để nắm tình hình chung, vừa để tiếp thu các kinh nghiệm về đổi mới hoạt động của Quốc hội sau đó triển khai trong hoạt động của HĐND các cấp.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, thời gian làm việc của Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tư là 21 ngày, khai mạc vào ngày 20.10 và dự kiến bế mạc vào ngày 15.11.2022, Quốc hội họp tập trung tại Nhà Quốc hội. Khối lượng công việc thực hiện tại kỳ họp cuối năm rất lớn, do đó, cần quán triệt tinh thần “lấy chất lượng kỳ họp là chính, song cũng tiết kiệm tối đa thời gian”.

Bảo đảm chất lượng, tiết kiệm tối đa thời gian -3
Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng ý với dự kiến chương trình Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV được Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội xây dựng. Trong đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình thời gian dành cho thảo luận về kinh tế - xã hội là 1,5 ngày, có bổ sung thảo luận tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh và đề xuất hoàn thiện các cơ chế, chính sách thực hiện thí điểm cho thành phố này. Đồng thời, chú ý bố trí thời gian thảo luận hợp lý với dự thảo Nghị quyết về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức để hài hòa với phiên thảo luận đối với công tác của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022.

Chủ tịch Quốc hội nhất trí bố trí kéo dài thời gian giữa phiên thảo luận tại tổ và thảo luận tại hội trường đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), trên cơ sở cân đối với thời gian thảo luận dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) để bảo đảm thời gian cho việc tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội đối với dự luật quan trọng này. 

Đối với dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), căn cứ vào diễn biến thảo luận của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét báo cáo Quốc hội quyết định thời gian biểu quyết thông qua tại Kỳ họp thứ Tư hay cần phải thảo luận thêm một Kỳ họp nữa, bám sát nguyên tắc “không chạy theo tiến độ mà phải bảo đảm chất lượng”. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cơ quan chức năng nỗ lực cao nhất, không phân biệt giữa các bộ, ngành, các cơ quan của Quốc hội để bảo đảm thời gian có hiệu lực của Luật vào ngày 1.1.2024.

Trên cơ sở các vấn đề được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, xem xét quyết định, Chủ tịch Quốc hội giao Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chuẩn bị kỹ lưỡng kết luận Phiên họp thứ Mười sáu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để triển khai thực hiện. 

Lê Bình
#