Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Tố Hữu (4.10.1920 - 4.10.2020)

Thơ Tố Hữu trong thế hệ chúng tôi

- Thứ Ba, 06/10/2020, 05:57 - Chia sẻ
Rất lâu rồi, không có luận văn, luận án nào về thơ Tố Hữu. Cũng lâu lắm rồi, sau Hà Minh Đức, Trần Đình Sử… rất ít người viết về thơ ông. Tôi cũng chưa bao giờ viết về thơ Tố Hữu khi ông còn sống. Nhưng với chúng tôi, thơ Tố Hữu là nguồn suối tươi mát, mạch ngầm sống động trong đời sống tinh thần. "Chúng tôi" ở đây là thế hệ những người ở lứa tuổi 70. Trong quãng thời gian 70 năm của một đời người thì ít nhất có 30 năm (1954 - 1975) chúng tôi đã được sống với thơ Tố Hữu.

Hành trang vào đời

Tôi chỉ muốn nói đến thơ Tố Hữu thời kỳ này, 1954 - 1975. “Từ ấy” (1937 - 1946) chúng tôi chưa sinh, cũng không được chứng kiến cảnh lầm than nô lệ của "Hai đứa bé", "Đi đi em", "Vú em", "Tiếng hát sông Hương"… nhưng chúng tôi đã được biết đến “Việt Bắc” (1946 - 1954) dù còn chưa nhiều, nhưng cuối của “Việt Bắc” chúng tôi đã có "Ta đi tới", "Hoan hô chiến sĩ Điện Biên", và nhất là “Việt Bắc” và “Gió lộng”… để làm hành trang vào đời.

Trong điều kiện đất nước còn nghèo sau cuộc kháng chiến 9 năm gian khổ chống Pháp, bài học về Tổ quốc, bài học địa lý đầu đời của chúng tôi là "Ta đi tới". Hơn nửa thế kỷ đã qua nhưng những địa danh của đất nước vẫn in sâu đậm trong mỗi người của thế hệ chúng tôi: Ai đi Nam Bộ/ Tiền Giang, Hậu Giang/ Ai về thành phố/ Hồ Chí Minh/ Rực rỡ tên vàng/ Ai đi Nam, Ngãi, Bình Phú, Khánh Hòa/ (Quảng Nam ® Quảng Ngãi ® Bình Định ® Phú Yên)/ Ai vô Phan Rang, Phan Thiết/ Ai lên Tây Nguyên, Công Tum, Đắc Lắc/ Khu Năm dằng dặc khúc ruột miền Trung. Tôi dám chắc nhiều học sinh phổ thông trung học bây giờ khi được hỏi địa danh các tỉnh, thành phố Việt Nam sẽ không kể lại được như chúng tôi, bởi chúng tôi được học thơ Tố Hữu qua bài thơ "Ta đi tới".

Ngay trong bom đạn Mỹ tàn khốc, những ngày cuối chiến tranh, sắp đến ngày chiến thắng, chúng tôi vẫn nhớ nằm lòng câu thơ của Tố Hữu, như là nhắc nhở, lời tri ân về tình quân - dân như cá với nước: Mình về thành phố xa xôi/ Nhà cao còn thấy núi đồi nữa chăng? (Việt Bắc).

"Sông có khúc người có lúc". Cuộc đời mỗi người ai cũng có khúc quanh, may mắn, hanh thông, vui vẻ nhưng cũng nhiều khi gặp bất trắc thất bại nhưng còn sống ai cũng cần hy vọng và niềm tin ở tương lai. Em ơi em mùa xuân đến rồi. Như đời ta, hôm nay dù có đầy đủ, hạnh phúc mãn nguyện thì ai dám bảo là cái hôm nay đang có không còn gì liên hệ với quá khứ, chắc chắn quá khứ của mọi người đâu chỉ có niềm vui. Dù đêm qua chút tuyết còn rơi. Nhưng là "mùa xuân đến rồi". Đời vẫn đẹp, vẫn vui và tràn trề hạnh phúc đang đến dù phải sống, phải cố gắng mà giành lấy, phải giữ gìn. Hỡi người chị trên đường quét tuyết/ Xuân đã đến rồi nắng ửng đôi môi (Em ơi Ba Lan).

Tiếng hát động viên, thôi thúc

Cuộc sống của chúng tôi, học tập, chiến đấu và lao động làm nên hạnh phúc. Thơ Tố Hữu là tiếng hát động viên, thôi thúc. Không khí lao động xây dựng đất nước cũng là tiếng gọi tinh thần là sức mạnh của mỗi thanh niên, mỗi cá nhân chúng tôi lên đường: Đi ta đi! Khai phá rừng hoang/ Hỏi núi non cao đâu sắt đâu vàng?/ Hỏi biển khơi xa đâu luồng cá chạy?/ Sông Đà, sông Lô, sông Hồng, sông Chảy/ Hỏi đâu thác nhảy cho điện quay chiều?/ Hỡi những người trai những cô gái yêu/ Trên những đèo mây trên tâng núi đá/ Bàn tay ta làm nên tất cả/ Xuân đã đến rồi, hối hả tương lai (Bài ca mùa xuân 1961).

Những vần thơ này tăng thêm nghị lực, sức mạnh và tình cảm cho chúng tôi, ngay cả bây giờ chúng tôi không còn là "những chàng trai, cô gái yêu" nữa, nhưng vẫn sống, vẫn muốn đóng góp sức mình vào công cuộc xây dựng Tổ quốc Việt Nam.

Chúng tôi từng với nhân dân cả nước cùng Tố Hữu khóc Bác ơi khi Người qua đời (1969). "Theo chân Bác", "Bác ơi" là những bài thơ hay nhất viết về Bác Hồ của Tố Hữu: Mong manh áo vải hồn muôn trượng/ Hơn tượng đồng phơi những lối mòn (Bác ơi).

Ba mươi năm chiến tranh ác liệt (1954 - 1975), Mỹ đã "cút", chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã "nhào". Đất nước thống nhất về một mối. Nhưng hy vọng và cả ảo tưởng tới những ngày thanh bình của đất nước trong tương lai đã bị thực tế phũ phàng chặn lại. Tố Hữu đã sớm, rất sớm cho chúng tôi một cách nhìn (cũng có thể ngoài ý muốn của ông). Đó là thế giới đảo điên. Chợ trời thật giả đâu chân lý/ Hàng hóa lương tâm vẫn thiếu thừa. Sau này ông viết: Thơ để cho đời, tro bón đất/ Sống là cho mà chết cũng là cho. Chúng tôi nhận được ở đó một lối sống ở đời. Mọi thứ danh vọng, chức tước, của cải trên đời... đều hão huyền, chỉ còn lại tình người là có ý nghĩa mà thôi…

Tôi không viết phê bình nghiên cứu thơ Tố Hữu. Nhưng thơ ông là một phần quan trọng hun đúc nên tâm hồn và cuộc sống tươi đẹp của chúng tôi. Cả một đời người, có ai ở thế hệ này không có trong mình vài câu thơ, vài bài thơ của Tố Hữu trên đường ra trận, trên đường lao động xây dựng Tổ quốc cho đến hôm nay?

PGS.TS. Lê Đình Cúc