Thiếu cơ chế hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo

- Thứ Năm, 25/03/2010, 00:00 - Chia sẻ
ĐBNDO- Hiện nguồn năng lượng hoá thạch, nguồn năng lượng không tái tạo đang cạn dần. Nguy cơ mất an ninh năng lượng ở nhiều quốc gia, khu vực đã và đang hiện hữu. Do đó, nhiều quốc gia đã và đang nghiên cứu, phát triển nguồn năng lượng tái tạo, xem đây là hướng đi quan trọng. Ở Việt Nam, tuy tiềm năng về năng lượng tái tạo là rất lớn nhưng để biến thành nguồn năng lượng phục vụ cho cuộc sống vẫn còn nhiều việc phải làm…

Chưa khai thác đúng tiềm năng

Việt Nam là nước có tiềm năng lớn và khá đa dạng về các nguồn năng lượng tái tạo như thủy điện nhỏ, năng lượng sinh khối (năng lượng cung cấp từ thực vật và các chất thải của sinh vật bị phân huỷ), mặt trời, gió, địa nhiệt, năng lượng biển. Trong đó năng lượng địa nhiệt có thể khai thác 200MW vào năm 2020, nguồn năng lượng mặt trời với số giờ nắng bình quân là 2.000-2.500 giờ/năm, tổng bức xạ nhiệt bình quân khoảng 150kcal/cm2/năm, tương đương với khoảng 43,9 tỷ tấn dầu mỗi năm (con số ước lượng trên lý thuyết). Ngoài ra Việt Nam còn tiềm năng sinh khối từ gỗ, chất thải nông nghiệp, tương đương 43 - 46 triệu tấn dầu/năm.

Tuy nhiên, việc khai thác các nguồn năng lượng này chưa nhiều và còn kém hiệu quả. Giám đốc Trung tâm năng lượng tái tạo và CDM, Viện năng lượng, Bộ Công thương Nguyễn Đức Cường cho biết, hiện tại năng lượng tái tạo mà chủ yếu là năng lượng sinh khối cung cấp 70% năng lượng cho các hộ gia đình nông thôn, chủ yếu là cho đun nấu, chế biến nông hải sản. Điện tái tạo mới chiếm 1,8% trong tổng số sản lượng điện quốc gia. Nhiệt tái tạo không đáng kể, tập trung ở 3 dạng: sinh khối, đun nóng bằng năng lượng mặt trời và khí sinh học. Trong khi đó, năng lượng sinh học hầu như chưa có trên thị trường, hiện nay đang xây dựng 6 nhà máy nhiên liệu sinh học với công suất mỗi nhà máy khoảng trên 100 triệu lít/năm.

Dự báo, thời gian tới, Việt Nam sẽ phụ thuộc nhiều vào giá năng lượng thế giới bởi thủy điện lớn đã cơ bản sẽ khai thác hết trong thập kỷ tới. Đến năm 2025, khả năng khai thác than của nước ta chỉ vào khoảng 70 - 80 triệu tấn, ít hơn nhiều so với nhu cầu. Sau năm 2014 nước ta sẽ phải nhập khẩu than.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Văn Phong cho rằng, năng lượng tái tạo có thể tạo ra nguồn điện ngoài lưới tại chỗ, rẻ tiền, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng. Nếu được đầu tư phát triển nguồn năng lượng tái tạo đúng hướng sẽ góp phần quan trọng vào giải quyết năng lượng, khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, góp phần bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Cần có cơ chế hỗ trợ của Nhà nước

Mặc dù nhiều tiềm năng, song Việt Nam hầu như vẫn chưa có nhiều ứng dụng năng lượng tái tạo vào phát triển sản xuất, đặc biệt là sản xuất điện và nhiệt năng. Khó khăn lớn nhất cho sự phát triển năng lượng tái tạo hiện nay cũng như trong tương lai gần là giá thành cho sản xuất năng lượng tái tạo vẫn cao hơn nhiều so với những loại năng lượng hóa thạch truyền thống như khả năng khai thác phụ thuộc vào thời tiết (gió, mặt trời, thuỷ triều…) và mùa vụ; việc đầu tư nghiên cứu giảm giá thành, nâng cao hiệu suất các thiết bị, công nghệ năng lượng tái tạo chưa tương xứng, đủ mạnh. Để đầu tư sản xuất các nguồn năng lượng như điện gió, điện mặt trời... đòi hỏi kỹ thuật cao, hầu hết các thiết bị và linh kiện liên quan đến sản xuất phải nhập khẩu.

Theo ông Nguyễn Đức Cường, trong bối cảnh hiện nay của nước ta, để phát triển năng lượng tái tạo, thường kèm theo những chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Mức hỗ trợ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như loại hình công nghệ, đối tượng sử dụng và thời gian.

Phó viện trưởng viện Năng lượng, Bộ Công thương Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, ở Việt Nam, chưa có cơ chế hỗ trợ cho phát triển năng lượng tái tạo. Để phát triển năng lượng tái tạo, cần có cơ chế hạn ngạch, cơ chế giá quy định, cơ chế đấu thầu hợp đồng và cơ chế tín dụng, thuế. Các cơ chế này sẽ làm giảm rủi ro cho nhà đầu tư tham gia phát triển năng lượng. Với các mức giá quy định cho từng loại năng lượng tái tạo, sẽ khuyến khích phát triển những công nghệ năng lượng tái tạo cần cho những mục tiêu khác nhau.

Công Thọ