Phát triển nông nghiệp công nghệ cao :

Thiếu cơ chế, chính sách

- Thứ Ba, 08/05/2012, 09:32 - Chia sẻ
Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 176/QĐ - TTg ngày 29/1/2010. Theo đó, Nhà nước chủ trương khuyến khích ngành nông nghiệp tập trung vào việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, phát triển doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và xây dựng vùng nông nghiệp công nghệ cao. Nhưng, để ngành nông nghiệp sớm chuyển mình theo hướng công nghệ cao, đòi hỏi cơ chế cần rõ ràng hơn nữa.

Thiếu cơ chế chính sách

Tại buổi họp đánh giá tình hình triển khai Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 do Bộ NN và PTNT tổ chức gần đây cho thấy, tiến độ thực hiện Đề án vẫn còn chậm. Cụ thể, về phát triển khu nông nghiệp công nghệ cao, đến nay, mới chỉ có khu nông nghiệp công nghệ cao của TP Hồ Chí Minh với 90ha triển khai và bước đầu hoạt động có hiệu quả. Còn tại các địa phương vẫn đang xây dựng kế hoạch hoặc xin chủ trương của Chính phủ để triển khai như Hà Nội, Lâm Đồng, Phú Yên, Nghệ An, Bình Dương, Gia Lai…

Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Bùi Bá Bổng nhận định, việc phát triển khu nông nghiệp công nghệ cao không thể làm tràn lan. Cả nước chỉ nên có khoảng 7 - 12 khu nông nghiệp công nghệ cao, phải chọn nơi có điều kiện thuận lợi. Riêng vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cần chọn nơi có sản phẩm chủ lực và đóng góp nhiều cho xuất khẩu. Ví dụ như sản xuất hoa và rau công nghệ cao tại Đà Lạt, cá tra ở ĐBSCL và cà phê ở Tây Nguyên...

Nguyên nhân chính của sự chậm trễ là chưa có các hệ thống văn bản pháp luật đồng bộ liên quan đến phát triển vùng, khu nông nghiệp công nghệ cao. Theo Viện trưởng Viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp, Bộ NN và PTNT Nguyễn Văn Chinh, bất cập hiện nay là trong khi chính sách hỗ trợ về đầu tư cơ sở hạ tầng, điện, giao thông... cho các khu công nghiệp, khu đô thị quy định rất rõ nhưng lại thiếu cơ chế chính sách cho việc phát triển khu nông nghiệp công nghệ cao. Đề án chưa nêu rõ cơ chế hỗ trợ cụ thể về thuế, đất đai nên gây khó khăn cho địa phương và hạn chế việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư. Ví dụ như ở Mộc Châu, UBND tỉnh Sơn La cho biết sẵn sàng bỏ 200ha quy hoạch và mời gọi doanh nghiệp vào đầu tư. Nhưng khi bắt tay vào triển khai lại vướng, nhiều quy định hỗ trợ chưa rõ ràng.

Về phát triển doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng còn hạn chế. Theo Phó vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ NN và PTNT Nguyễn Tấn Hinh, cả nước mới chỉ có 3 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nguyên nhân là do quy định hỗ trợ cho doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiện đã có trong Luật Công nghệ cao và một số văn bản khác nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể, nhất là các văn bản hướng dẫn của từng bộ, ngành.
 
Đầu tư nghiên cứu sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao
 
Sau hơn hai năm Đề án được phê duyệt, đến nay cả nước đã hình thành được một số mô hình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như mô hình sản xuất rau an toàn, trồng hoa và cây cảnh tại TP Hồ Chí Minh; trồng hoa và rau an toàn ứng dụng công nghệ cao tại Bắc Ninh và Hà Nội; sản xuất nấm quy mô trang trại tại Vĩnh Phúc; cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa xuất khẩu, nuôi cá tra sạch tại ĐBSCL...

Mặc dù vậy, theo đánh giá tổng thể thì hiện chưa có nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả. Ông Nguyễn Tấn Hinh cho rằng, mặc dù đầu tư cho nghiên cứu công nghệ cao trong nông nghiệp đã được Bộ NN và PTNT quan tâm nhưng vốn đầu tư và cả nhân lực cho công tác nghiên cứu còn hạn chế. Trước mắt, để phục vụ cho việc nghiên cứu các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, Nhà nước phải có chính sách nhập khẩu các loại công nghệ, thiết bị phù hợp với điều kiện sản xuất trong nước. Bên cạnh việc nhập khẩu, để tránh bị lệ thuộc vào công nghệ của nước ngoài, về lâu dài phải có chiến lược đầu tư trong nghiên cứu để tự chủ về công nghệ.

 Các nhiệm vụ chủ yếu của Đề án trong giai đoạn 2010 - 2015 và 2016 - 2020 nghiên cứu tạo công nghệ cao trong nông nghiệp gồm chọn tạo, nhân giống cây trồng, giống vật nuôi và giống thuỷ sản cho năng suất, chất lượng cao…; Đối với cây lâm nghiệp, nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi công nghệ tế bào, công nghệ vi nhân giống để nhân nhanh các giống cây lâm nghiệp có tốc độ sinh trưởng cao, chất lượng gỗ tốt; Đối với giống vật nuôi, cải tiến công nghệ sinh sản; chọn, tạo các giống vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao; Đối với giống thủy sản, kết hợp phương pháp truyền thống với công nghệ gen để chọn, tạo một số giống thủy sản chủ yếu có tốc độ sinh trưởng nhanh...

Thu Trang