Tọa đàm “Quản lý tích hợp – thách thức đối với phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long”

Thiết lập cơ chế điều phối hữu hiệu trong quy hoạch vùng

- Thứ Năm, 03/12/2020, 08:42 - Chia sẻ
Để khắc phục tính chia cắt của quy hoạch theo ngành, theo địa phương, các chuyên gia cho biết, cần thiết phải thành lập Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL với chức năng “nhạc trưởng” để dẫn dắt phát triển kinh tế của ĐBSCL một cách bền vững, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, tích hợp quy hoạch theo chiều dọc, đồng thời thực hiện các hình thức đầu tư liên kết để đảm bảo hiệu quả và phát triển bền vững.

Bảo đảm tính tổng thể, toàn diện, liên ngành

TS. Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá, trong quá trình phát triển hơn 20 năm qua, vấn đề đặt ra đối với ĐBSCL là vấn đề điều phối, vấn đề quy hoạch tích hợp. Manh nha của vấn đề điều phối vùng trong giai đoạn 2016 - 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 593/QĐ-TTg ban hành quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL. Nghĩa là Chính phủ cũng đã sớm nhìn nhận cơ chế liên kết vùng. Sau 5 năm thực hiện, mới đây Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu giúp Chính phủ tổng kết quá trình thực hiện này, từ đó thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, phối hợp với các bộ ngành khác để trình Thủ tướng thành lập Hội đồng điều phối vùng.

Theo đó, để phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu, về lâu dài trên thực tế phải thiết lập được một cơ chế điều phối hữu hiệu để thực hiện được nghị quyết của Chính phủ. Nhiệm vụ điều phối phải đảm bảo tính tổng thể, toàn diện liên ngành. Hội đồng điều phối liên ngành do Phó Thủ tướng đứng ra làm Chủ tịch Hội đồng, các Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải và đại diện các tỉnh ĐBSCL là các Phó Chủ tịch.

Cũng theo TS. Tăng Thế Cường, liên kết ngành, liên kết vùng để thực hiện tích hợp trong tương lai, cơ quan điều phối sẽ phải điều phối công tác huy động và phân bổ nguồn lực để phát triển ĐBSCL một cách hiệu quả và hợp lý trên cơ sở rà soát, đánh giá, đề ra được những  quy hoạch tích hợp một cách toàn diện. Vai trò của Hội đồng điều phối vùng có ý nghĩa quan trọng, với chức năng “nhạc trưởng” để dẫn dắt phát triển kinh tế của ĐBSCL một cách bền vững và thích ứng tốt với biến đổi khí hậu. Không cứ phải đặt ra bài toán ĐBSCL “phải trở thành cái gì”, không cứ phải là nông nghiệp hàng đầu, cũng không phải đứng đầu xuất khẩu, mà các vấn đề du lịch, nguồn nước, năng lượng tái tạo, ứng phó biến đổi khí hậu, giảm phát thải để thực hiện cam kết quốc tế.

Ngoài ra, Hội đồng điều phối vùng có nhiệm vụ tham mưu, giúp cho Thủ tướng Chính phủ quyết định sách những chủ trương lớn, những nhiệm vụ có tính chất liên vùng, liên tỉnh, các cơ chế chính sách và các kế hoạch phát triển có quy mô vùng. Hội đồng còn giúp cho Thủ tướng điều phối, đôn đốc, kiểm tra và giám sát các bộ ngành, địa phương để thực hiện về quy hoạch vùng và các dự án để phát triển trong tương lai theo Nghị quyết 120.

Đối với ĐBSCL, để quyết định những vấn đề phát triển sẽ cân nhắc dựa trên các tiêu chí trên các lĩnh vực. Cụ thể, các yếu tố về tài nguyên môi trường, nông nghiệp, giao thông, văn hóa, xã hội… Trong đó, khai thác sử dụng bền vững tài nguyên đất và nước là hai vấn đề nền tảng cho quy hoạch tích hợp để phát triển lâu dài, tính các bài toán cho phương án triển khai quy hoạch vì ĐBSCL phát triển bền vững và thịnh vượng.

Tích hợp theo chiều dọc và thực hiện đầu tư liên kết

Ông Trương Minh Hoàng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật chỉ ra, trong quá trình thực hiện quy hoạch phải thực hiện được tích hợp quy hoạch theo chiều dọc, đồng thời thực hiện các hình thức đầu tư liên kết, liên doanh các chuỗi đầu ra của sản phẩm, để làm thế nào vùng ĐBSCL đáp ứng gắn kết thị trường trong nước và thị trường quốc tế, cũng nhu cầu hiện nay.

Theo ông Hoàng, hiện nay, trong quá trình sản xuất giữa nuôi trồng thuỷ sản với trồng hệ sinh thái ngọt cũng có những mâu thuẫn, song cũng có những nơi kết hợp hài hoà thực hiện nuôi trồng mặn ngọt, thậm chí kinh tế nước lợ. Trên thực tế, có những loại cây chỉ trồng được ở nước ngọt, nhưng khi đem trồng nước mặn lại cho quả rất ngon; hoặc có những loài trước đây chỉ nuôi được ở môi trường nước ngọt, nhưng khi đem xuống nước mặn nuôi thì phát triển vẫn tốt. Đương nhiên để làm được điều này cần có sự nghiên cứu, tính toán một cách kỹ càng và bài bản.

Ông Hoàng cũng cho rằng, phải tích hợp giữa các ngành, trong đó ưu tiên giải quyết những vấn đề cơ bản như giao thông, cơ sở hạ tầng, thực hiện chống xâm nhập mặn, bảo vệ môi trường. Trong quá trình thực hiện, cũng phải tính đến việc bảo đảm nguồn lực, tính khả thi của quy hoạch và tích hợp, trong đó tính đến các đối tượng yếu thế, để những đối tượng này có thể gắn kết với phát triển để làm ra được loại sản phẩm và bám được đất, bám vườn, mạnh dạn đầu tư sản xuất.

T. T