Thiêng liêng những ngôi đền thờ Bác

- Thứ Tư, 02/09/2020, 08:52 - Chia sẻ
Theo thống kê, hiện nay, toàn khu vực đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 30 đền thờ, phủ thờ, khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có công trình ra đời trong giai đoạn chiến tranh ác liệt, có công trình được xây dựng sau ngày đất nước hòa bình, song tất cả đều xuất phát từ tấm lòng của người miền Tây với Bác Hồ kính yêu.

Dựng và giữ đền thờ Bác bằng cả xương máu

Chúng tôi đến Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu, vào một buổi trưa. Vừa xuống xe, bên cạnh tôi đã xuất hiện một dáng người nhỏ gầy, trên gương mặt là nụ cười hiền và đôi mắt sáng. Đó là ông Nguyễn Văn Khoa (Bảy Khoa), người thương binh đã chăm sóc, gìn giữ đền thờ Bác suốt 5 thập kỷ qua.

Ông Bảy Khoa nhớ lại, vào chiều 3.9.1969, tin Bác mất vừa được truyền ra, quân dân huyện Vĩnh Lợi vô cùng bàng hoàng, đau đớn. Lau vội những giọt nước mắt tiếc thương, Đảng bộ và nhân dân xã Châu Thới hạ quyết tâm dựng ngay một bàn thờ Bác để ngày đêm hương khói cho Người và là nơi hun đúc ý chí giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hoàn thành tâm nguyện của Bác.

Ban đầu, bàn thờ Bác được dựng tạm ở một nhà dân, người dân xã Châu Thới ban ngày đi làm, ban đêm đến điểm thờ Bác chằm lá, dựng cột làm đền thờ. Lúc ấy, quanh đền thờ Bác có tới sáu đồn giặc đóng theo thế gọng kìm, đồn gần nhất cách khoảng 1km, đồn xa nhất cũng chỉ cách 3km. Khi ngôi đền sắp hoàn thành, địch nghe tin đến phóng hỏa thiêu rụi, nhưng chỉ ngay hôm sau, tại nơi này, nhân dân lại kéo đến, người góp công, người góp của, bộ đội ta tấn công đồn địch, lấy dây thép gai về dựng đền. Sau 5 ngày, khung nhà sắt được hình thành, nhưng một lần nữa, địch cho quân đến kéo sập, dỡ khung sắt đem đi.

Đền thờ Bác ở Bạc Liêu

Không chịu bó tay, quân dân xã Châu Thới quyết tâm xây dựng đền thờ Bác lớn hơn, rộng hơn và kiên cố hơn. Trong suốt thời gian dựng đền, ta đấu tranh với địch bằng cả chính trị, quân sự và binh vận. Năm 1972, vào đúng ngày kỷ niệm sinh nhật Bác 19.5, đền thờ được khánh thành. Từ đó, dù bao lần địch bắn phá, càn quét, đền thờ Bác vẫn được quân và dân huyện Vĩnh Lợi bảo vệ, giữ gìn bằng cả trái tim và xương máu cho đến ngày đất nước thống nhất.

Năm 1998, Đền thờ Bác Hồ tại xã Châu Thới được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Hiện nay, đây được đánh giá là một trong những đền thờ Bác đẹp nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

“Địa chỉ đỏ” ở Lương Tâm

Miền Nam hái hoa, hoa chưa đến Bác/Tim ta ơi có bao giờ đau thắt/Như sáng mai này ta kết vòng hoa/Không phải đón bác về mà tiễn Bác đi xa (“Kính dâng Bác” - Hoài Vũ). Qua lời kể và giọng đọc thơ đầy cảm xúc của thuyết minh viên Nguyễn Ánh Xuân, câu chuyện xây dựng Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang 50 năm trước cam go, anh dũng và tự hào được tái hiện sinh động.

Chưa bao giờ người dân Long Mỹ có niềm đau chung lớn lao khiến “đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa” như khi nghe tin Bác mất. Đáp ứng nguyện vọng của nhân dân xã Lương Tâm, Bí thư Đảng ủy xã khi ấy Lữ Minh Chánh (Hai Chánh) đã quyết định lập bàn thờ Bác ngay tại Văn phòng Đảng ủy xã. Mọi người chia nhau phóng ảnh Bác, lập bàn thờ, may băng tang để tổ chức lễ truy điệu, mặc sự dòm ngó của địch. Lễ truy điệu Bác được tổ chức trọng thể với sự có mặt đông đủ của nhân dân, các đồng chí lãnh đạo, các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương đóng quân gần đó. Những người có mặt đồng lòng hứa với Bác sẽ biến đau thương thành hành động cách mạng, quyết tâm đánh đuổi kẻ thù, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong tuần lễ để tang Bác, quân dân tỉnh Hậu Giang mở đợt tấn công vào 34 mục tiêu quân sự, chỉ tính riêng xã Lương Tâm, quân dân ta đã tiêu diệt đồn: Vàm Cấm, Tô Ma, Đường Đào.

Mùa hè năm 1972, Mỹ ngụy mở nhiều đợt càn quét quy mô lớn, tập trung bom pháo đánh phá ác liệt trên địa bàn Long Mỹ, cơ quan Đảng ủy xã bị bom pháo Mỹ đánh sập phải dời đi nơi khác, nhưng bàn thờ của Bác vẫn được lập lại, địch phá thì ta xây. Không những vậy, vào các ngày lễ kỷ niệm, ngày sinh nhật, lễ giỗ Bác và Tết Nguyên đán, quân dân ta vẫn tổ chức lễ viếng trang trọng. Nhiều người dân quanh vùng cũng theo đó mà tổ chức giỗ Bác tại nhà riêng.  

Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đền thờ Bác được Huyện ủy, UBND huyện Long Mỹ và Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Hậu Giang (cũ) lên phương án xây dựng lại. Dịp 2.9.1990, người dân trong vùng và khu vực xung quanh đã tổ chức trọng thể lễ khánh thành đền thờ Bác và rước ảnh Bác từ cơ quan Đảng ủy xã Lương Tâm về đền thờ mới. Từ đó, nơi đây trở thành địa chỉ đỏ, giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên. Qua nhiều lần mở rộng, đền thờ Bác hiện có 7 hạng mục với diện tích hơn 2ha, trung bình mỗi năm có gần 40.000 lượt người đến thăm viếng Bác. Năm 2000, Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận Đền thờ Bác Hồ ở xã Lương Tâm là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.

Kể chuyện xây đền thờ Bác ở Long Mỹ, Hậu Giang

Ngôi đền của trái tim

 Trước nỗi nhớ thương vô hạn của người dân Trà Vinh dành cho Bác, vào khoảng đầu năm 1970, Chi ủy xã Long Đức họp tại ấp Kinh Lớn quyết định dựng một ngôi đền để tưởng nhớ Bác, cũng là nơi để người dân hướng về, tạo nên sức mạnh đoàn kết đấu tranh cho ngày giải phóng. Nằm trong bối cảnh đồn địch giăng giăng, phi cơ, đạn pháo bắn phá hàng ngày, thế nhưng Chi ủy xã Long Đức quyết định chọn vị trí cao nhất trên một giồng cát, có lũy tre bao bọc tọa lạc tại ấp Vĩnh Hội, chỉ cách đồn Vĩnh Hưng 800m và cách một căn cứ quân sự của Mỹ khoảng 3km, để xây dựng đền.

Tin xây dựng đền thờ Bác Hồ truyền đi nhanh chóng. Đồng bào Kinh, Khmer đến góp công góp của, phụ nữ chằm lá, thanh niên dựng cột. Các đình, chùa quanh đó nghe tin cũng tự nguyện hiến cột, tặng gỗ. Lực lượng du kích bắt tay đắp công sự, đào chiến hào, cắm chông, bao vây đồn bót địch, sẵn sàng đối phó nếu bị đánh. Các má, các chị trong lực lượng đấu tranh chính trị được phân công bằng mọi cách liên hệ binh lính trong đồn vận động anh em “không bắn phá để bà con xây dựng đền thờ Cụ Hồ”. Toàn bộ công việc xây dựng đền tiến hành vào ban đêm nhằm tránh phi cơ, pháo đạn của địch.  

Sáng sớm ngày 15.4.1970, địch đổ quân khắp bốn phía vào ấp Vĩnh Hội, bắt đầu cho những cuộc càn quét kéo dài nhiều tháng liền. Đội du kích ấp và tổ bảo vệ đền thờ đã kiên trì chiến đấu, bám đất, bám dân đánh bật hầu hết trận càn của địch. Tuy nhiên, ngôi đền không kịp khánh thành vào ngày 2.9 như dự kiến. Người dân Long Đức vẫn truyền nhau chuyện kể, một người lính chế độ cũ sau khi lén đốt ngôi đền đã để lại 500 đồng cùng mảnh giấy ghi vội dòng chữ: “Vì bắt buộc tôi dự vào chuyện làm đại nghịch này, tôi rất hối hận, xin gửi lại chư vị ít tiền cúng vào việc trùng tu Đền thờ Cụ Hồ”.

Sau ngày 2.9.1970, công việc xây dựng lại được tiếp tục, mặc dù pháo địch vẫn đêm đêm dội về, đèn không thắp được nhưng những chiến hào, công sự vẫn được đào lên xung quanh lũy tre xanh bao bọc ngôi đền, nền đất được đắp lên vững chãi, cao ráo, gạch lát xung quanh. Khó khăn nào cũng vượt qua, “ngôi đền của trái tim” cuối cùng đã hoàn thành, nhưng lại thiếu bức chân dung Người. Trong sự mong chờ tha thiết của nhân dân, họa sĩ Phong Ba đã mượn được tấm ảnh Bác và phác họa lại. Ngày 26.1.1971, ngôi đền được khánh thành với sự có mặt của hơn 500 đồng bào, cán bộ chiến sĩ. Cờ mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được kéo lên trên cột cờ trước ngôi đền. Tất cả cùng thầm hứa sẽ quyết tâm thực hiện cho được điều mong muốn của Người “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”.

Bài và ảnh: Vũ Châu