Giáo dục và đào tạo ứng phó với dịch bệnh Covid-19

Thích ứng an toàn, mở lối đi mới

- Thứ Hai, 18/10/2021, 20:31 - Chia sẻ
Đại dịch Covid-19 kéo dài gần 2 năm qua đã tác động đến mọi mặt và mọi chủ thể của giáo dục. Theo các chuyên gia, tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, bởi vậy, ngành giáo dục cần có các giải pháp nhằm bảo đảm an toàn cho học sinh nhưng vẫn duy trì việc dạy và học bảo đảm chất lượng; bên cạnh đó, tận dụng cơ hội để chuyển đổi số ngành giáo dục.

Mở cửa lại trường học an toàn và sớm nhất có thể

Chiều 18.10, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức tọa đàm tham vấn chuyên gia về giải pháp ứng phó với dịch bệnh Covid-19 trong giáo dục và đào tạo.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa chủ trì tọa đàm

Theo các đại biểu dự tọa đàm, thời gian vừa qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và ảnh hưởng nặng nề tới nhiều mặt đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có giáo dục, khi hàng loạt trường học phải đóng cửa. Ngay trong đợt dịch đầu tiên, khi Việt Nam thực hiện giãn cách xã hội trên quy mô toàn quốc thì ngày 8.4.2020 tất cả 63 tỉnh, thành đã cho học sinh, sinh viên nghỉ ở nhà. Còn trong đợt dịch thứ 4 này, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến ngày 10.10, cả nước có 23 tỉnh, thành phố tổ chức dạy học trực tiếp; 31 tỉnh, thành phố dạy học trực tuyến và 9 tỉnh kết hợp các phương thức. Học sinh ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phố khác phải ở nhà học trực tuyến từ năm học trước kéo dài sang năm học này và ngày trở lại trường vẫn đang phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh.

Việc học trực tuyến thời gian dài khiến nhiều nhà trường gặp khó khăn, đặc biệt là trường dân lập và tư thục; đồng thời, giáo viên, phụ huynh, học sinh gặp nhiều khó khăn cả về đời sống và trong hoạt động học tập, ảnh hưởng không nhỏ đến việc bảo đảm chương trình, phương pháp, kế hoạch tổ chức dạy và học, hoạt động của trường, lớp cũng như sự phát triển của trẻ em, học sinh...

Theo TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, đối với ngành giáo dục, tác động của đại dịch Covid-19 không chỉ là trước mắt mà còn lâu dài. Khi chiến lược phòng, chống dịch đã chuyển sang giai đoạn mới, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, có nhiều vấn đề được đặt ra. Trong đó, mở cửa lại trường học an toàn và sớm nhất có thể hiện là vấn đề quan tâm nhất của toàn xã hội, vì vậy ngành giáo dục cần có chính sách phù hợp. Để ứng phó với đại dịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có sự phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để xây dựng và sớm ban hành văn bản hướng dẫn, làm căn cứ thống nhất để UBND các tỉnh, thành phố ra quyết định mở lại cửa trường học, cập nhật Bộ Tiêu chí đánh giá an toàn trường học phù hợp với giai đoạn hiện nay.

Tọa đàm có sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà quản lý giáo dục...

Dịch Covid-19 và việc triển khai giáo dục từ xa cũng có nguy cơ làm gia tăng sự mất công bằng xã hội, do học sinh, sinh viên thuộc các đối tượng dễ bị tổn thương, thiếu các điều kiện cơ bản cho việc học từ xa, bao gồm máy tính, mạng internet, chỗ học yên tĩnh, kể cả đồ ăn và sự hỗ trợ cần thiết của gia đình khi mà cả sinh kế và sinh mạng của nhiều phụ huynh bị đe dọa. Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách để khắc phục tình trạng này, trong đó có chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Dù vậy, sự gia tăng mất công bằng xã hội trong giáo dục là không tránh khỏi.

TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến góp ý, cùng với việc bảo đảm an toàn khi mở lại cửa trường học, cần có chính sách khắc phục ngay khoảng cách học tập từ hai góc độ. Một là, nhận dạng và đánh giá sự thiếu hụt học tập trong học sinh, sinh viên, để có giải pháp khắc phục ngay khi học sinh quay lại trường, đặc biệt đối với nhóm dễ bị tổn thương. Hai là, lường trước số lượng và tỷ lệ học sinh bỏ học do Covid-19 để có giải pháp thiết thực khuyến khích các em quay lại trường. Trong vấn đề này, Bộ Giáo dục - Đào tạo cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cùng các tổ chức chính trị - xã hội như Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh để có hệ thống giải pháp đồng bộ, khả thi...

Lối đi mới cho giáo dục

Dịch bệnh Covid-19 đặt ra không ít khó khăn, thách thức, song các chuyên gia cũng cho đây là cơ hội để ngành giáo dục chuyển đổi số. TS. Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch HĐQT Hệ thống trường chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) chia sẻ: Ngay từ đầu năm 2020, khi dịch bệnh mới xảy ra, học sinh dừng đến trường chưa đầy một tháng thì một số trường công lập, tư thục đã triển khai dạy học trực tuyến. Tuy lúc đầu còn đơn giản, sơ khai, nhưng đã mở ra lối đi mới, thoát khỏi sự bế tắc mà dịch Covid-19 tạo ra trên toàn thế giới.

“Dịch Covid-19 đã đẩy các nhà trường, thầy cô đến với quá trình chuyển đổi số toàn diện, xu hướng tất yếu của xã hội, tạo ra phương thức học tập mới mà mọi người đều biết, đều có khả năng thực hành và vận dụng sáng tạo, đó là dạy học trực tuyến, kết hợp nhuần nhuyễn giữa dạy học trực tiếp với dạy học trực tuyến, mang lại hiệu quả cao nhất cho người học. Từ đây, khi dịch bệnh được khống chế, các nhà trường sẽ có được phương thức hoạt động mới, phi truyền thống, hiệu quả cao và thích ứng với thời đại” - TS. Nguyễn Văn Hòa nói.

TS. Lê Thống Nhất - người sáng lập BigSchool & VinaSchools đồng tình, cho rằng các phương thức dạy học trực tuyến hay qua truyền hình không chỉ là đối phó với hoàn cảnh đại dịch Covid-19 mà là xu hướng phát triển tất yếu của giáo dục trong kỷ nguyên 4.0. Cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy nhanh hơn, mạnh hơn sự cấp thiết của xu thế công nghệ đi vào các hoạt động giáo dục. Hy vọng từ những kinh nghiệm chỉ đạo dạy và học trong đại dịch, ngành giáo dục sẽ làm rõ lộ trình chuyển đổi số những năm tới. Trong đó, những vấn đề cần tiếp tục giải quyết, ngoài cơ sở vật chất, còn có việc lựa chọn nền tảng dạy học trực tuyến, bồi dưỡng giáo viên phương pháp dạy học trực tuyến (điều mà các trường sư phạm chưa trang bị), chuẩn hóa chất lượng các dữ liệu: ngân hàng đánh giá kiểm tra, bài giảng video...

GS. TS. Nguyễn Quý Thanh cho rằng
Các ý kiến cũng cho đây là cơ hội chuyển đổi số của ngành giáo dục - đào tạo

Còn theo GS.TS. Nguyễn Quý Thanh - Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, nên thúc đẩy nghiên cứu liên quan đến công nghệ giáo dục, mong muốn Việt Nam có nền tảng chung phục vụ giáo dục. Bên cạnh đó, chuyển đổi số phải gắn với chuyển đổi nhận thức, phương pháp. Do đó, cần quy định một cách hệ thống về dạy học trực tuyến: Giờ dạy trực tuyến kéo dài bao lâu, đề cương tổ chức dạy học trực tuyến như thế nào, hệ thống giám sát việc học tập, thi cử...

PGS. TS. Luật sư Chu Hồng Thanh, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, cũng cho rằng, vừa qua, công nghệ giáo dục có điều kiện để ứng dụng mạnh mẽ trong môi trường giáo dục, trong dạy và học. Đây không chỉ là giải pháp tình thế trong điều kiện dịch bệnh mà phải là công nghệ hiện đại trong dạy và học trực tiếp đối với tất cả hình thức dạy và học: Giáo dục chính quy, vừa học vừa làm, học từ xa và tự học có hướng dẫn. 

Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Sơn Hải cho biết, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đang trình Thủ tướng xem xét phê duyệt Đề án Tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021 -2025, định hướng đến năm 2030

Ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, thầy cô giáo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng: “Không chỉ tìm các giải pháp tình thế trong bối cảnh Covid-19, tọa đàm được tổ chức với mong muốn mở ra sự phát triển lâu dài trong quá trình chuyển đổi số của giáo dục. Từ các góp ý, chúng tôi sẽ có tiếng nói trong Quốc hội và đồng hành với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong cuộc vận động để các bộ, ngành và cộng đồng xã hội chung tay với ngành giáo dục chuyển đổi số thời gian tới”.

Ngọc Phương